Đội ngũ của ông Donald Trump hôm 26/11 thông báo đã ký một thỏa thuận để bắt đầu quá trình chuyển giao quyền kiểm soát chính phủ liên bang, mặc dù các chi tiết của kế hoạch cho thấy một số điểm không phù hợp với thông lệ chuẩn, Guardian đưa tin.
"Hành động này cho phép các ứng viên nội các của chúng tôi bắt đầu các công tác chuẩn bị then chốt, bao gồm triển khai những đội ngũ tiếp quản tại từng bộ và cơ quan, và hoàn tất quy trình chuyển giao quyền lực trong trật tự", Reuters hôm nay 27/11 dẫn lời bà Susie Wiles, người được ông Trump chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng sau khi nhậm chức vào đầu năm sau.
Động thái trên sẽ cho phép đội ngũ ông Trump phối hợp trực tiếp với các cơ quan liên bang và tiếp cận hồ sơ để bảo đảm bộ máy với hơn 2,2 triệu công chức liên bang vẫn tiếp tục vận hành trong thời gian Nhà Trắng đổi chủ.
Ông Trump có động thái đầu tiên liên quan đến chuyển giao quyền lực với chính quyền ông Biden |
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025. Tuy nhiên, đội ngũ của ông đã bác bỏ những yêu cầu của chính quyền Tổng thống Biden về việc nhanh chóng ký bản nghi nhớ và phản đối một số điều khoản trong quy trình chuyển giao truyền thống vốn được duy trì suốt 140 năm qua, theo Nhà Trắng.
Theo thỏa thuận được ký ngày 26/11, đội ngũ ông Trump không ký vào cam kết đạo đức của chính quyền kế tiếp, chỉ khẳng định kế hoạch riêng sẽ "đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với nhân sự để tiếp quản Nhà Trắng một cách suôn sẻ".
Một cam kết riêng biệt sau đó được đăng tải trên website của Cơ quan Dịch vụ Công (GSA), với nội dung bao gồm những lời hứa rằng các thành viên đội ngũ chuyển giao quyền lực sẽ tránh xung đột quyền lợi, cam kết bảo vệ thông tin mật và tránh can cự vào bất kỳ vấn đề nào mà họ đã tham gia vận động hành lang trong 12 tháng trước đó.
Kế hoạch này đồng nghĩa Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) sẽ không thực hiện việc kiểm tra nhân thân đối với các ứng viên trong đội ngũ của ông Trump. Việc lách kiểm tra nhân thân đi ngược lại truyền thống lâu nay của Washington trong việc bổ nhiệm, nhưng tổng thống có thẩm quyền cuối cùng về những người ông đề cử và lựa chọn để thực hiện việc kiểm tra này.
Đội ngũ ông Trump cũng phá vỡ truyền thống khác khi không ký vào thỏa thuận với GSA liên quan đến việc cung cấp không gian làm việc. Lý do phía ông Trump đưa ra là không muốn tiêu phí tiền thuế dân với việc sử dụng văn phòng của chính quyền.
Theo những người thông hiểu vấn đề, việc ông Trump không quan tâm đến quá trình chuyển giao chính thức bắt nguồn từ chính quyền Trump đầu tiên, khi các quan chức chuyển giao hồ sơ của nhóm chuyển giao cho cuộc điều tra về Nga.
Trước đây, ông Trump đã phá vỡ thông lệ khi chuyển giao quyền lực. Vào năm 2016, chiến dịch của ông đã tổ chức một quy trình có vẻ là tiêu chuẩn, cho đến khi ông Trump sa thải ban lãnh đạo nhóm chuyển giao sau khi ông thắng cử và cắt đứt liên lạc với chính quyền Obama.
Vào năm 2020, ông Trump dường như lại tuân theo thủ tục chuẩn mực cho đến ngay sau cuộc bầu cử, gây sức ép buộc Cơ quan Dịch vụ Công không công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Joe Biden để nhóm của ông không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ tài chính của liên bang.
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn