|
Kết quả khảo sát cho thấy rằng người tiêu dùng thường mong muốn và kỳ vọng chiếc xe tiếp theo của mình sẽ được trang bị đầy đủ những tính năng tiên tiến nhất - một tâm lý đang thúc đẩy sự “thừa tính năng” của nhiều chiếc xe tương lai.
Chỉ trong hội chợ CES 2022 vừa diễn ra, Panasonic đã trình làng một hệ thống giao diện thực tế tăng cường (AR) với tính năng theo dõi mắt cùng hệ thống âm thanh ELS Studio 3D; BMW thì giới thiệu tính năng thay đổi màu xe, trải nghiệm nghệ thuật trong xe và màn hình 31-inch cho ghế sau; còn Bosch kỳ vọng tốc độ tăng trưởng 2 con số cho mảng phần mềm xe ô tô tới năm 2030.
Tuy nhiên, nếu những công nghệ như vậy thiếu đi độ tin cậy cần thiết như thực tế cho thấy đối với một số tính năng cao cấp, người tiêu dùng lại là đối tượng phải chịu thiệt. Trong khi đó, họ còn phải mua xe với giá cao hơn nhưng lại thiếu một số tính năng thực tế và hữu ích hơn.
Mike Juran, CEO của Altia - một công ty thiết kế và cung cấp công cụ giao diện người dùng cho một số hãng xe - cho biết: “Chúng ta không thiếu chip mà đang thừa phần mềm. Một số mẫu xe có quá nhiều phần mềm không cần thiết”. Michael Hill, phó chủ tịch kỹ thuật tại Altia, lấy ví dụ xe Chevrolet Volt; mẫu Volt 2011 sử dụng hơn 10 triệu dòng lệnh, trong khi các xe tầm trung và cao cấp hiện nay dùng khoảng 100 triệu dòng lệnh.
Theo Jake Fisher, giám đốc cấp cao về thử nghiệm ô tô từ tổ chức Consumer Reports, xe hơi hiện đại đang có nhiều tính năng người tiêu dùng chưa chắc đã mong muốn. Báo cáo về độ tin cậy ô tô năm 2021 của tổ chức này kết luận rằng các xe SUV điện cao cấp nằm trong nhóm có độ tin cậy thấp nhất, chủ yếu do nhiều công nghệ được nhà sản xuất đưa vào nhằm làm nổi bật sản phẩm của mình và nâng giá thành.
Jason Williamson từ Altia thì cho rằng chu kỳ phát triển xe hơi đang tiến gần hơn với chu kỳ phát triển sản phẩm điện tử gia dụng: “Mọi người đã quen với việc các mẫu điện thoại mới ra mắt mỗi năm, do đó các nhà sản xuất ô tô cũng đang cố bắt kịp tốc độ này. Họ đang muốn phát triển những mẫu xe hoàn toàn mới trong vòng 2 năm hoặc ngắn hơn. Điều đó có nghĩa là họ sẽ sử dụng những công nghệ có thể không được thiết kế riêng cho ô tô.”
Các nhà sản xuất ô tô theo đuổi cách tiếp cận tăng cường mọi tính năng bởi vì họ muốn tránh cách tiếp cận khó hơn là tìm ra một bộ tính năng phù hợp nhất với khách hàng. Do nhiều nhà sản xuất đặt hàng phần mềm từ các công ty khác, họ không thể hoàn toàn chắc chắn về độ tin cậy và mức độ phù hợp của tính năng và phần mềm điều khiển đối với nhu cầu của khách hàng.
Và tầm quan trọng của phần mềm cũng có nghĩa là các hãng xe phải triển khai khả năng cập nhật phần mềm trên xe nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề phát sinh.
Từ phía người tiêu dùng, tuy nhiều người không cần đến một số tính năng nhất định trên xe nhưng kết quả khảo sát lại có thể cho thấy mong muốn đó. Một khảo sát từ tháng 9/2021 của CarMax với hơn 1000 chủ xe cho thấy gần 50% trong số đó “nói rằng họ ước xe đang dùng có thêm tính năng công nghệ.” Những người trong độ tuổi 20 và 30 là đối tượng có nhiều khả năng coi tính năng công nghệ là “vô cùng quan trọng” khi lựa chọn mua xe.
Thế nhưng, do hậu quả của khủng hoảng chip, kỳ vọng của người dùng đối với công nghệ trong xe như hệ thống âm thanh cao cấp, sạc không dây và ngay cả sưởi ghế ngồi có thể không được đáp ứng. Khách hàng thậm chí có thể phải trả thêm tiền để có những tính năng họ cho là đã có sẵn trên xe.
Nhưng không vì thực tế ấy mà nhu cầu xe công nghệ cao sẽ biến mất. Jessica Caldwell từ trang web ô tô Edmunds cho rằng các hãng xe đang gửi đi thông điệp rằng sản phẩm của họ là một văn phòng và không gian sống đa dụng trên 4 bánh xe, và người mua xe đang thích thú với thông điệp đó.
Theo bà Caldwell, người tiêu dùng vẫn đang sẵn sàng trả tiền cho những chiếc xe nhiều tính năng, và chừng nào thực tế còn như vậy thì các hãng xe vẫn sẽ tìm cách đưa thêm tính năng vào xe của mình nhằm tăng lợi nhuận và giành thị phần.
Tác giả: Tùng Phong
Nguồn tin: nguoiduatin.vn