Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: H.Giang |
Tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Thường vu Quốc hội (UBTVQH) dành 1 ngày 12/9 cho ý kiến các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.
Dự báo tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
“Dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN”, ông Lê Minh Khái nói.
Thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tư pháp, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi.
Đáng lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che dấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…
“Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.
Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc điều tra chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu.
Phát hiện 10 trường hợp vi phạm kê khai tài sản
Theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 1.081.235 người; đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai: 1.075.277 bản; đạt tỷ lệ 99,4% so với số bản đã kê khai; có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp (Bộ Công an 2 người, Đà Nẵng 1 người, Khánh Hòa 2 người, Tây Ninh 2 người, Thanh Hóa 1 người).
Uỷ ban Tư pháp thông tin, theo phản ánh của báo chí, cử tri thì còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý đã cho thấy việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, nhiều hạn chế.
Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Báo cáo cho hay, trong năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được xem xét, xử lý.
Theo thống kê, số người đứng đầu đã bị xử kỷ luật ở các tỉnh: Cà Mau 1 người; Bình Thuận 4 người; Lào Cai 2 người; Ninh Bình 1 người; Quảng Trị 1 người; Tây Ninh 7 người; Vĩnh Long 1 người; Thừa Thiên Huế 2 người; Bình Phước 4 người.
“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng”, báo cáo của Chính phủ nhận định.
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: thanhtra.com.vn