Pháp luật

Nỗi khổ của người dân trên tuyến đường Khuôn – Đại Sơn

Tuyến đường Khuôn - Đại Sơn một trong những con đường huyết mạch, đi qua 9 xã vùng dưới của huyện Đô Lương. Đồng thời tuyến đường này cũng là huyết mạch giao thông, giao thương của huyện Đô Lương với các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc. Tuy vậy, với tình trạng xuống cấp của tuyến đường như hiện nay thì không chỉ vấn đề an toàn giao thông không được đảm bảo mà còn trở thành lực cản trong phát triển kinh tế vùng.

Phóng viên có mặt tại chợ Ú - chợ trâu bò ở xã Đại Sơn được coi là lớn nhất Đông Nam Á họp mỗi tháng 6 phiên. Hàng trăm phương tiện trọng tải lớn chen chúc trong những ngày này. Lưu lượng phương tiện tham gia đông nhưng mặt đường quá xuống cấp, thậm chí lề đường nhiều đoạn không còn vì những ổ gà, ổ voi chiếm chỗ khiến tuyến đường Khuôn – Đại Sơn trở thành nỗi bức xúc của người dân khi tham gia giao thông qua đây.

Ông Lê Văn Nga – người dân xóm 1, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương nói: Đường thì quá khổ, khi hai xe tránh nhau không còn chỗ nào để đi.

images1280991 20160428 DUONG BUI
images1280992 20160428 DUONG
Tuyến đường không phân biệt được lòng, lề đường.

Được UBND tỉnh và Sở GTVT chấp thuận cho khai thác tuyến xe buýt có lộ trình đi qua tuyến đường Khuôn – Đại Sơn, doanh nghiệp vận tải tư nhân Khanh Quỳnh liên tục phải huy động máy móc, nhân công để sửa chữa những điểm xuống cấp trên tuyến đường nhưng tình hình vẫn không khả quan. Đặc biệt là đoạn đường nối từ Tỉnh lộ 534 từ xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc qua các xã Đại Sơn, Trù Sơn... do có lượng xe chở vật liệu xây dựng liên tục lưu thông qua đây nên đường cứ sửa rồi lại hỏng. Anh Đinh Khắc Quý - Nhân viên xe buýt Khanh Quỳnh chia sẻ: Đường xấu nên khi vận hành trên đường gặp rất nhiều khó khăn. Lốp nhíp hư hỏng suốt.
images1280993 20160428 DUONG CHO U 2
Mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi.

Trong tương lai, đây là tuyến đường huyết mạch trong phát triển kinh tế của 9 xã vùng dưới của huyện Đô Lương và các xã vùng trên của huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, với mức độ xuống cấp như hiện nay thì nguồn kinh phí của địa phương giành cho duy tu, sửa chữa hàng năm như muối bỏ biển.

Chia sẻ những khó khăn của chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương - ông Hoàng Văn Hiệp nói: Huyện thì mỗi năm bố trí từ nguồn tích lũy, tiền bán đất... khoảng 1 tỷ vào để sửa chữa nhưng không thấm vào đâu. Đề nghị cấp trên bố trí nâng cấp tuyến đường.

Được biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường này với dự kiến tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng và triển khai trong 5 năm kể từ ngày khởi công. Mong mỏi của chính quyền và người dân ở đây là dự án sớm được ưu tiên thực hiện. Một nguồn lực đủ mạnh để nâng cấp sửa chữa tuyến đường sẽ không chỉ chấm dứt tình trạng đầu tư nhỏ giọt, không hiệu quả mà kinh tế, xã hội vùng cũng có điều kiện phát triển.



Tác giả bài viết: Xuân Hướng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP