Nhân ái

Nối dài hành trình hiến máu cứu người​

Từ năm 2000, ngày 7/4 hằng năm được chọn là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Sau 24 năm, hoạt động hiến máu ở nước ta đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tham gia có hiệu quả của nhiều cơ quan, đơn vị.

Những người có nhóm máu hiếm hiến máu cứu người khẩn cấp tại Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TTXVN phát

Hiến máu tình nguyên không còn là phong trào, đã trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục của hàng vạn người dân trên mọi miền Tổ quốc.

Sức lan tỏa của hoạt động hiến máu tình nguyện

Ngày 7/4/2000, nhân ngày Sức khoẻ thế giới với chủ đề “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi”, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: Đây là cú huých mạnh mẽ tạo nên sự nhận thức của người dân trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cả xã hội với phong trào hiến máu tình nguyện. Hiện nay, lượng máu tiếp nhận được về cơ bản cung cấp đủ cho điều trị và nhu cầu cấp cứu.

Thời gian qua, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với phong trào hiến máu rất lớn, cũng như sự tham gia tích cực của các cơ quan trung ương, địa phương đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào.

Năm 2020, tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước. Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc của những người hiến máu tình nguyện; các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hiến máu tình nguyện, điều đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mỗi người đối với cộng đồng, xã hội.

Công tác tổ chức hiến máu ngày càng được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản, với sự xuất hiện của nhiều chương trình, sự kiện hiến máu cấp quốc gia và địa phương. Các chương trình lớn, như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, Trái tim tình nguyện đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho phong trào hiến máu tình nguyện.

Tại cuộc gặp mặt 100 gương hiến máu tiêu biểu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, máu là vô giá, một giọt máu cũng quý, cần được trân trọng. Khoa học, công nghệ ngày hôm nay chưa đủ khả năng để tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu. Trái tim con người không chỉ ủ dòng máu nóng hổi, mà còn nồng ấm tình nhân ái, sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc. Hoạt động hiến máu tình nguyện vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận, vừa là "mệnh lệnh" từ trái tim của mỗi người.

Năm 2023, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận trên 1,5 triệu đơn vị máu (gấp 6,5 lần so với năm 2000), cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh trong cả nước. Trong đó, 99% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương trên 1,5% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt trên 60%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt 61%.

Trong đó, riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận trên 450 nghìn đơn vị máu toàn phần, chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc. Số lượng này cao gấp 22 lần kết quả năm 2000, khi đó Viện chỉ tiếp nhận được gần 20.500 đơn vị máu (chiếm 8,6% tổng số đơn vị máu tiếp nhận của toàn quốc).

Kết quả 24 năm qua có được là nhờ nhiều chiến dịch vận động hiến máu lớn đã được tổ chức có hiệu quả, thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu, thu hút hàng triệu lượt người tham gia.

Phong trào hiến máu không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn, đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Lực lượng hiến máu tình nguyện ngày càng đông đảo, đa dạng, như: lực lượng công an, quân đội, cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên… tham gia hiến máu tình nguyện. Điều này đã tạo nên một nguồn máu đa dạng, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện trong cả nước.

Cùng nối dài hành trình hiến máu cứu người

Phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hàng triệu người đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện, đem những "giọt máu hồng" cứu giúp người nguy kịch. Biết bao con người, bao cuộc đời đã được hỗ trợ, cứu giúp, giành lại cuộc sống giữa ranh giới sinh tử mong manh nhờ có những giọt máu vô giá, kịp thời của những người hiến máu tình nguyện trên cả nước.

Là người đã tham gia hiến máu gần 10 năm nay, chị Hoa (Hưng Yên) chia sẻ: "Tham gia hiến máu từ 2015 đến nay, tôi chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức của người dân về hiến máu, hào hứng hơn, sẵn sàng chia sẻ thông tin, rủ nhau đến với các ngày hội hiến máu. Ở đó, tinh thần toàn dân được thể hiện rõ nét nhất, ngày càng có nhiều tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia hoạt động nhân văn này".

Việc hiến máu tình nguyện không chỉ là một hành động nhân văn, còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bản thân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hiến máu thường xuyên giúp giảm nguy cơ ứ đọng sắt, đồng thời giảm tỷ lệ các bệnh tim mạch, đột quỵ. Người hiến máu cũng được đảm bảo an toàn truyền nhiễm, các dịch vụ y tế miễn phí, như: kiểm tra sức khỏe, tư vấn, chăm sóc sau hiến máu.

Tiến sỹ, bác sỹ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết: Mỗi năm, cả nước cần khoảng 2 triệu đơn vị máu để đáp ứng các nhu cầu cấp cứu, điều trị, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 1,5 triệu đơn vị máu được hiến tặng. Đây là con số cho thấy cần lan tỏa hơn nữa để phát triển phong trào hiến máu tình nguyện. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền, vận động hiến máu cần được đẩy mạnh hơn nữa. Công tác tuyên truyền cần sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại và mạnh mẽ hơn, đồng thời cần tạo ra các chương trình, sự kiện hiến máu đa dạng, hấp dẫn để thu hút người dân tham gia.

Để phong trào hiến máu tình nguyện bền vững hơn cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Chỉ khi mỗi người dân đều nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc hiến máu, phong trào này mới thực sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. "Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ hay các tổ chức, việc tham gia hiến máu cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi giọt máu được hiến tặng không chỉ là niềm hy vọng, là sự sống mới, còn là biểu hiện của lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng. Hãy cùng nhau hành động, hiến máu thường xuyên để nối dài sự sống và lan tỏa tinh thần nhân văn trong xã hội", Tiến sỹ Trần Ngọc Quế nói.

Tác giả: Hạnh Quyên

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP