Kinh tế

Nỗ lực "mở đường" cho dự án cao tốc Bắc – Nam

Với mục tiêu đảm bảo cho dự án trọng điểm Quốc gia được thuận lợi, xuyên suốt trong quá trình thi công và về đích đúng tiến độ, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời, tích cực phối hợp giải quyết những vướng mắc liên quan nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường để phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài 102,38km, bao gồm 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng. Dự án được khởi công vào ngày 1/1/2023 do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư. Ngay sau khi khởi công đến nay, liên danh các nhà thầu đã huy động hàng nghìn kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc, thiết bị, chia làm các mũi thi công, đồng loạt triển khai xây dựng phần cầu và phần đường tuyến chính cao tốc.

Bất luận, quá trình triển khai thực tế trên công trường, các đơn vị thi công đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp nhận mặt bằng sạch từ chính quyền, khó khăn trong việc tháo gỡ vướng mắc từ nguồn vật liệu và đường công vụ. Mặc dù chính quyền địa phương nơi dự án đi qua, đã có nhiều cố gắng để tháo gỡ nhưng vẫn còn những "điểm nghẽn" khiến dự án có những điểm buộc phải dừng để chờ phương án giải quyết.

Trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Đơn cử, tại địa bàn xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua với chiều dài 1,85km, làm ảnh hưởng khoảng 80 hộ dân. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam huyện Can Lộc đã phối hợp với UBND xã Khánh Vĩnh Yên tiến hành kiểm đếm, áp giá, chi trả bồi thường, hỗ trợ cho 74 hộ dân có đất nông nghiệp, 2 hộ dân có đất ở, đất trồng cây lâu năm và các công trình kiến trúc, lăng mộ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm đếm, Hội đồng bồi thường nhận được đơn kiến nghị của một số công dân đại diện cho 39 hộ dân ở thôn Chiến Thắng liên quan tới việc bồi thường diện tích đất màu tại xứ đồng Cửa Đình, thôn Chiến Thắng. Các hộ này không chịu bàn giao mặt bằng để thi công vì cho rằng, phần đất này họ đã sử dụng lâu năm, được cấp bìa đỏ nên yêu cầu được bồi thường về đất.

Vào cuộc xác minh về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với phần diện tích đất màu một số hộ dân đang sử dụng tại xứ đồng Cửa Đình nằm trong mốc GPMB đường bộ Cao tốc Bắc - Nam, cơ quan chức năng nhận thấy các thửa đất không đủ điều kiện cấp bìa đỏ, và trên thực tế chưa từng được cấp bìa đỏ nên không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định pháp luật. Mặc dù đã thông báo bằng văn bản, tổ chức đối thoại song các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, cản trở thi công trái quy định của pháp luật, trực tiếp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Từ thực tế này, ngày 18/7 UBND huyện Can Lộc đã tổ chức bảo vệ thi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn thôn Chiến Thắng. Quá trình các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định, không cản trở việc thi công dự án trọng điểm này nên đã không gặp bất cứ hành vi cản trở nào. Hiện, máy móc, nhân lực của nhà thầu đã triển khai thi công khu vực xứ đồng Cửa Đình.

Trước đó, trong quá trình thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) với dài gần 4,9km, đã gặp phải "điểm nghẽn" về GPMB tại thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh khi người dân cản trở thi công ở phần diện tích khoảng 500m đoạn khu vực Đồi Mía, thôn Vĩnh Phúc. Thực tế, đây là diện tích đất màu từ năm 2009 đã được chuyển đổi sang đất công ích thuộc xã Quang Vĩnh quản lý nhưng người dân vẫn cho rằng, diện tích đất nông nghiệp này vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân mình và đã tập trung gây cản trở, không cho nhà thầu tiến hành thi công. Sau quá trình gặp mặt, đối thoại giải thích, phân tích rõ nhưng người dân vẫn cố tình cản trở, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, huyện Đức Thọ đã quyết định điều động lực lượng tham gia bảo đảm ANTT tại khu vực thi công đảm bảo đúng pháp luật.

Hiện nay, về cơ bản mặt bằng trên toàn tuyến đã được bàn giao, nhưng tại một số địa phương như huyện Thạch Hà, Kỳ Anh… vẫn còn một số "điểm nghẽn", vướng mắc tại các trang trại, nhà dân. Theo Ban Chỉ đạo triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tỉnh Hà Tĩnh, những vướng mắc này chủ yếu là phát sinh trong quá trình áp giá đền bù, với nhiều hạng mục chưa có tiền lệ nên phải tính toán để áp giá làm sao cho phù hợp, để không làm thiệt hại đến người dân. Ngoài ra, một số hộ dân chưa di dời do hạ tầng các khu tái định cư chưa hoàn thiện, hiện chính quyền địa phương đang đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đối với những vướng mắc liên quan đến đất đai, người dân đòi quyền lợi nhưng không đúng đối tượng, hoặc khiếu nại không đúng với bản chất, cố tình gây khó dễ, cản trở thi công như các trường hợp xảy ra tại các huyện Đức Thọ, Can Lộc, chính quyền sở tại sẽ kiên quyết triển khai các biện pháp thi công theo đúng quy định của pháp luật.

Với mục tiêu đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung cao thực hiện công tác GPMB, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng đường điện, hệ thống viễn thông, công trình thủy lợi... và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB dự án theo kế hoạch. Theo số liệu từ Ban chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này Hà Tĩnh đã kiểm đếm đạt 99,96%, phê duyệt phương án bồi thường 91,17% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 89,23%. Tiến độ giải ngân hơn 1.200 tỉ đồng, đạt 47,03%. Địa phương này hiện đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng trong việc giải GPMB để chuyển dự án sang giai đoạn thi công. Toàn tỉnh đã quy hoạch xây dựng 28 khu tái định cư, 4 nghĩa trang phục vụ việc di dời các hộ dân và cất bốc mồ mả nằm trong phạm vi GPMB dự án. Cùng với đó, công tác di dời công trình, hạ tầng kỹ thuật (đường điện, cáp quang, đường nước...) nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc cũng đang được tập trung thực hiện.

Về khắc phục những khó khăn trong giải quyết khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với các nhà thầu, đơn vị thi công để tìm cách tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. Theo tính toán của Ban QLDA - Chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, nhu cầu khối lượng VLXD cần cho việc thi công là đất đắp 12,228 triệu m3; cát 2,143 triệu m3 và 1,4 triệu m3 đá xây dựng. Để chủ động nguồn VLXD thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận 16 khu vực làm nguồn đá xây dựng, 3 khu vực làm nguồn cát và 23 khu vực làm đất đắp. Tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các sở, ban ngành đơn giản hóa đến mức tối giản nhất các thủ tục hành chính đối với hồ sơ các dự án liên quan tới đất đai, đăng ký khối lượng khai thác, thủ tục chuyển đổi đất rừng, thuê đất, bảo vệ môi trường... để phục vụ nguồn VLXD thi công cao tốc Bắc - Nam.

Thời gian qua, Hà Tĩnh cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc đẩy nhanh trình tự thủ tục, hoàn thiện hồ sơ khai thác các mỏ VLXD mới, nâng công suất mỏ đang khai thác. Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra trong các ngày 13 - 14/7 vừa qua cũng đã thông qua Nghị quyết về danh mục các công trình dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ từ năm 2023. Trong đó, có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đối với 6 khu vực mỏ đất san lấp, phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Với sự bổ sung kịp thời này, các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh tin tưởng, "nút thắt" về nguồn VLXD đang dần được tháo gỡ.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP