Xã hội

Nhân dân Hà Tĩnh đồng thuận nhường đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam

Hàng nghìn hộ dân ở Hà Tĩnh đã đồng lòng nhận đền bù, di dời tái định cư (TĐC) để nhường đất cho các hợp phần dự án cao tốc Bắc - Nam.

Hi sinh cho dự án trọng điểm

Bịn rịn trước giờ di dời ngôi nhà gắn bó hơn nửa đời người, ông Đặng Công Ất (71 tuổi), trú thôn Yên Lập, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bùi ngùi: Ngôi nhà, lũy tre là nơi tôi gắn bó gần cả cuộc đời nhưng chủ trương Nhà nước tôi phải gương mẫu chấp hành di dời để xóm làng nhìn vào. Ở đâu mình cũng sống tốt, vui vẻ, thân thiện với xóm làng thì ở đó sẽ thành quê hương”.

Ông Ất là một trong 9 hộ dân đầu tiên tự giác di dời tái định cư (TĐC), nhường đất phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam. Sau khi bàn giao nhà, vợ chồng ông Ất chuyển sang ở cùng con trai út. Nay ngôi nhà của con trai cũng phải giải tỏa, vợ chồng ông Ất tiếp tục di dời đến nơi ở mới.

Các tổ chức đoàn thể chung tay hỗ trợ người dân xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) di dời tài sản.

Từ điểm đầu của cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tại huyện Đức Thọ đến Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và điểm cuối ở thị xã Kỳ Anh, đâu đâu người dân cũng đồng thuận, khẩn trương nhận đền bù, di dời TĐC để các hợp phần của dự án Cao tốc Bắc – Nam được nhanh chóng triển khai.

Ông Nguyễn Chính Thông (trú thôn Tân Hưng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) vui vẻ cho hay, ngay từ khi bắt đầu kiểm đếm đền bù, gia đình cũng có phần lo lắng vì toàn bộ diện tích nhà đều nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, gia đình ông đã hiểu và chấp nhận đến nơi ở mới.

“Ngay tại lễ phát động di dời TĐC, gia đình tôi được sự giúp đỡ của các lực lượng thanh niên, đoàn viên, cán bộ nên việc di chuyển đến nơi ở mới rất nhanh chóng, thuận tiện. Dự án trọng điểm Quốc gia nên dù phải xa ngôi nhà gắn bó nhưng chúng tôi vẫn thấy phần khởi bởi đã góp sức để dự án được triển khai kịp tiến độ” ông Thông nói.

Người dân vui vẻ, đồng thuận vì mục tiêu chung cho dự án trọng điểm Quốc gia.

Huyện Cẩm Xuyên có 8 xã bị ảnh hưởng bởi cao tốc Bắc - Nam, ngoài ra, còn có tuyến nhánh từ xã Cẩm Quan đến thị trấn Cẩm Xuyên; điểm dừng nghỉ tại xã Cẩm Hưng. Toàn huyện có 2.318 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 1.599 hộ bị ảnh hưởng đất sản xuất nông nghiệp, 604 hộ bị ảnh hưởng 1 phần tài sản, nhà cửa, cây cối. Toàn huyện phải di dời, tái định cư 115 hộ dân. Đến ngày 30/6/2023, huyện này đã có 101 hộ thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và nhận tiền; 15 hộ đã nhận đất tái định cư và di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Theo ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng, toàn bộ xã có 9 hộ phải di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án cao tốc Bắc – Nam. Xã đã huy động lực lượng đoàn viên, hội viên giúp đỡ di dời cho nhà cửa, đồ đạc cho các hộ dân bị ảnh hưởng để họ vơi bớt khó khăn khi phải nhường đất, nhường nhà cho dự án.

Sự hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể đã khiến người dân hiểu hơn, tạo sự đồng thuận cho dự án.

“Các hộ dân bị ảnh hưởng được bố trí ở khu TĐC, mỗi hộ dân được cấp 300m2 làm nhà. Tuy nhiên do đặc thù là địa bàn miền núi, sau khi kiểm đếm, các hộ bị ảnh hưởng họ chủ động mua đất ở những vị trí khác rộng rãi hơn để xây dựng nhà ở”, ông Hoạt cho biết thêm.

Tất cả vì cái chung

Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với tổng chiều dài 102,38km, cần bàn giao 902ha đất các loại. Địa phương này có gần 9.000 hộ dân bị ảnh hưởng, cất bốc hơn 1.285 ngôi mộ, có 572 hộ dân đủ điều kiện tái định cư và 801 ngôi mộ di chuyển về nghĩa trang mới. Hà Tĩnh phải xây dựng 28 khu tái định cư, 4 nghĩa trang. Để thực hiện đúng tiến độ dự án trọng điểm Quốc gia này, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc, vận động người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng, di dời TĐC.

UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tổ chức đối thoại với các hộ dân của xã Kim Song Trường liên quan đến công tác đền bù, GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tại huyện Can Lộc, dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam đi qua có chiều dài 19,43 km, qua 9 xã, thị trấn. Toàn huyện này có hơn 198 ha đất bị ảnh hưởng bởi dự án với 2.164 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó có 1.879 hộ bị ảnh hưởng đất sản xuất nông nghiệp, 285 hộ bị ảnh hưởng đất ở và 778 ngôi mộ phải di dời. Để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống, huyện Can Lộc đã quy hoạch và xây dựng 5 khu TĐC. Bước đầu, người dân đồng thuận, ủng hộ di dời, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ dự án.

Đến ngày 3/7, huyện Can Lộc đã có 1.879 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng; 85 hộ bị ảnh hưởng 1 phần tài sản, nhà cửa, cây cối đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, trong số 140 hộ phải di dời, TĐC, đến nay đã có 125 hộ thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, nhận đất TĐC; vẫn còn 15 hộ chưa thống nhất phương án bồi thường.

Người dân tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên di dời TĐC để nhường đất cho dự án.

MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Can Lộc đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền đền bù, di dời tài sản, nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

“Chúng tôi đã tổ chức lễ phát động ra quân giúp đỡ các hộ dân di dời tài sản, TĐC tại xã Trung Lộc. Sau lễ phát động đã điều động hơn 300 đoàn viên, hội viên chuyển tài sản như bàn ghế, thóc lúa, vật dụng gia đình; bốc dỡ ngói, tháo dỡ nhà giúp đỡ 5 hộ gia đình ở Trung Lộc. Đồng thời, tiếp tục huy động lực lượng, đoàn viên, hội viên bốc ngói, tháo dỡ nhà, di dời tài sản giúp đỡ 9 hộ gia đình ở xã Quang Lộc đến khu TĐC”, bà Bùi Thị Kiều Nhi, Trưởng ban dân vận huyện ủy - Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện Can Lộc cho biết.

Để thực hiện dự án trọng điểm Quốc gia, cả hệ thống chính trị của huyện Can Lộc cùng chung tay, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều gia đình sau khi nghe tuyên truyền, vận động, hiểu được ý nghĩa của dự án Cao tốc Bắc - Nam đã sẵn sàng dời dọn nhà cửa, tài sản ra nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho dự án. Đối với một số hộ dân chưa đồng thuận, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở Can Lộc đã tổ chức đối thoại với từng hộ dân, từng bước vận động để nhân dân đồng thuận.

Hình ảnh di dời của các hộ dân tại huyện Cẩm Xuyên.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên, để tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện dự án trọng điểm quốc gia, Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân. Không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các đoàn viên, hội viên còn chung tay cùng các hộ dân di dời tài sản đến nơi ở mới. Đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ theo quy định, huyện còn kêu gọi xã hội hóa được 210 triệu đồng, từ đó hỗ trợ mỗi hộ di dời TĐC 2 triệu đồng, hỗ trợ mỗi nhà thờ dòng họ di dời 5 triệu đồng.

“Đối với một số hộ chưa đồng thuận, huyện tổ chức đối thoại với các hộ dân đến khi người dân hiểu và chia sẻ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, Nhân dân Cẩm Xuyên đã đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng hy sinh lợi ích lợi ích của gia đình để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thậm chí có những hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù nhưng đã di dời tài sản đến khu TĐC”, ông Long nhấn mạnh.

Tác giả: Bùi Thị Ngân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP