|
Không chú ý đến góc tam giác
Bồn rửa, bếp và tủ lạnh là hình tam giác. Đó là khu vực hoạt động nhiều nhất. Vì thế, việc thiết kế một khu vực tam giác đẹp, hợp lý đòi hỏi bạn phải lên kế hoạch thật kỹ lưỡng.
Trong ba vật dụng kể trên, bồn rửa bát là nơi có nhiều hoạt động được diễn ra nhất. Thiết bị này cần nằm ở vị trí thích hợp, dễ di chuyển tới bếp và tủ lạnh cũng như các tiện ích khác. Với bồn rửa, bạn nên thiết kế đặt gần với hệ thống ống nước. Cách bố trí phòng bếp của bạn dù là hình chữ L, hình chữ U hay đảo bếp thì cũng nên giới hạn thấp nhất khoảng cách của tam giác này. Khoảng cách giữa 3 thiết bị của tam giác là 3m-4m hay 8m. Nếu phần tam giác quá nhỏ hoặc quá lớn sẽ gây bất lợi khi di chuyển.
Không gian lưu trữ bị lãng phí
|
Phòng bếp thường chứa rất nhiều thứ, những vật dụng giấu sau tủ bếp có hình dáng và kích thước lớn như dụng cụ xử lý thực phẩm hoặc máy trộn… Muốn sử dụng đồ lưu trữ hiệu quả, hãy cải tạo phòng bếp thông minh. Nếu phòng bếp của bạn có kích thước nhỏ, hãy xem xét việc lắp đặt các tủ gắn tường loại dài phía trên bàn bếp, sau đó có thể sử dụng ánh sáng hoặc cây xanh để tạo điểm nhấn. Ngoài ra, cần lưu ý sử dụng không gian bên trên tủ lạnh và lưu ý đến việc đóng thêm các ngăn, kệ vào bên trong tủ bếp để có thể lưu trữ nhiều hơn.
Không đủ không gian sinh hoạt
|
Một trong những phàn nàn nhiều nhất về thiết kế phòng bếp là thiếu không gian sinh hoạt chung. Các hoạt động trong phòng bếp đòi hỏi nhiều diện tích và không gian mở. Bạn có thể xử lý vấn đề này cực dễ dàng bằng cách đặt thêm bàn ăn cho gia đình và thiết kế kệ bếp hình chữ L.
Không đủ ánh sáng
|
Phòng bếp là không gian cần nhiều ánh sáng. Điều đó không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ trong thiết kế mà còn giúp căn phòng đỡ ám mùi dầu mỡ khi nấu ăn. Ánh sáng còn giúp bạn xử lý các dụng cụ phòng bếp như dao, nĩa, máy xay… một cách an toàn, đặc biệt là tại các vị trí đứng nấu ăn, rửa chén bát, bàn ăn…
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đèn treo, các loại đèn dây chiếu sáng cường độ nhỏ để tăng vẻ đẹp và chức năng của phòng bếp. Lắp đặt thêm đèn dưới tủ bếp để đảm bảo bàn bếp có đủ ánh sáng khi bạn sử dụng.
Không lắp máy hút mùi
|
Khi lập kế hoạch thiết kế hoặc sửa sang lại phòng bếp mới đôi khi bạn bỏ qua máy hút mùi. Điều này giúp bạn tiết kiệm trong quá trình cải tạo nhưng về lâu dài lại khiến bạn tốn thời gian và công sức cho các công việc vệ sinh phòng bếp.
Thông gió kém
|
Sẽ rất khó chịu nếu như phòng bếp của bạn lại bị ám quá nhiều mùi thức ăn. Vì vậy, một hệ thống thông gió tốt sẽ cải thiện chất lượng không khí trong nhà của bạn. Nó giúp phòng bếp của bạn sạch hơn và kéo dài tuổi thọ của các thiết bị gia dụng hơn. Mặc dù đây có thể là khoản đầu tư lớn nhưng một hệ thống thông gió tốt sẽ giúp cho việc nấu nướng và ăn uống trở nên dễ chịu hơn, đặc biệt là khi phòng bếp thông với khu vực sinh hoạt khác.
Xử lý rác thải không hợp lý
|
Việc cân nhắc những chiếc thùng đựng rác đặt ở đâu cũng cần được quan tâm. Bạn có thể đặt dưới bồn rửa, giấu trong tủ nhưng cần sắp xếp cho hợp lý để tránh mùi hôi ảnh hưởng tới toàn bộ không gian căn nhà.
Không có bản thiết kế chuyên nghiệp
|
Tất cả ai cũng muốn thiết kế, cải tạo phòng bếp một cách vừa tiết kiệm nhất, vừa làm cho không gian bếp đẹp, ấn tượng. Tuy nhiên, nếu bạn làm sai thì sẽ càng lãng phí nhiều tiền bạc, thời gian và công sức hơn. Vì vậy, bạn nên tham khảo tư vấn từ những nhà thiết kế và kiến trúc sư. Các nhà thiết kế chuyên nghiệp sẽ có ý tưởng và thông tin mới nhất. Họ có thể giúp bạn xác định nhu cầu và có một kế hoạch hiệu quả và phù hợp với sở thích và ngân sách của gia chủ.
Tác giả: Đoan Trang
Nguồn tin: Báo Xây Dựng