Pháp luật

Những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo vụ 'chuyến bay giải cứu' sẽ được tòa ra phán quyết trong chiều 28/7

Quá trình xét xử vụ án 'Chuyến bay giải cứu', tại các phiên đối chất, tự bào chữa, xuất hiện nhiều tình tiết, lời khai mâu thuẫn, buộc tội lẫn nhau giữa các bị cáo.

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: VOV)

Sau 18 ngày xét xử và nghị án, chiều ngày 28/7, TAND TP Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, VKS đề nghị mức án từ 12 tháng tù treo đến 20 năm tù cho 44 bị cáo. Duy nhất bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị đề nghị mức án tử hình với cáo cuộc nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, tại các phiên đối chất, tự bào chữa, xuất hiện nhiều tình tiết, lời khai mâu thuẫn, buộc tội lẫn nhau giữa các bị cáo.

Cựu thiếu tướng khai đưa tiền chạy án, Hoàng Văn Hưng khai chỉ nhận vali rượu


Đặc biệt, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng nhưng kiên quyết không nhận tội và cũng chưa nộp tiền khắc phục hậu quả.

Ngay từ những ngày đầu phiên xét xử, bị cáo Hoàng Văn Hưng một mực phủ nhận cáo buộc chạy án. Trong khi đó, Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khai rất rõ từng lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) và đưa lại cho Hoàng Văn Hưng để giúp "chạy án".

Căn cứ kết quả điều tra, thực nghiệm, lời khai của nhân chứng, bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng đủ căn cứ xác định ông Tuấn nhận từ Hằng 2,8 triệu USD và chuyển 800.000 USD (chia làm 2 lần, một lần 350.000 USD và một lần 450.000 USD) cho bị cáo Hưng.

Tuy nhiên, trong các phần tranh luận, tự bào chữa tại phiên tòa, ông Hưng khẳng định mình bị oan và "không chiếm đoạt tiền chạy án" như cáo buộc.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng được dẫn giải tới phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng

Hưng cho rằng cơ quan điều tra khởi tố, định tội danh với bị cáo là "hết sức nóng vội". Việc khởi tố không có bất cứ chứng cứ nào, mà chỉ dựa vào lời khai của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội trong khi bị cáo không được giải trình. Thậm chí, Hưng còn dẫn giải hàng loạt quy định pháp luật rồi cho rằng cơ quan điều tra "có nhiều vi phạm tố tụng", "bỏ lọt tội phạm" đối với hành vi của ông Nguyễn Anh Tuấn có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và môi giới hối lộ khi nhận 2,8 triệu USD từ bị cáo Hằng.

Về cáo buộc 2 lần nhận tiền từ Tuấn, tổng 800.000 USD, bị cáo Hưng cho rằng "có nhiều điểm vô lý". Cụ thể, lần đầu tiên nhận 350.000 USD, Hưng cho rằng không có nhân chứng, không có chứng cứ và không có ngày giờ cụ thể nhận tiền.

VKS công bố clip ghi lại cảnh Hưng nhận chiếc cặp được cho có chứa 450.000 USD (Ảnh: Tiền Phong)

Để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Hoàng Văn Hưng, viện kiểm sát đã trình chiếu đoạn video do camera an ninh tại trụ sở Bộ Công an cho thấy Hưng nhận chiếc cặp số bên trong được cho là chứa 450.000 USD tiền "chạy án" từ lái xe của Nguyễn Anh Tuấn.

Tuy nhiên, Hưng thừa nhận có nhận chiếc cặp nhưng trong cặp chỉ có 4 chai rượu vang chứ không có tiền.

Khi nói lời sau cùng, Hoàng Văn Hưng vẫn một mực kêu oan và khẳng định "đánh đổi cả mạng sống để tìm lại sự trong sạch cho bản thân".

Cựu thư ký Bộ trưởng Y tế khai "vô ý" nhận hối lộ 253 lần nhưng doanh nghiệp cho rằng bị "ép"

Bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều tiền nhất trong vụ án với 253 lần, số tiền hơn 42 tỉ đồng, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) VKS đề nghị mức án tử hình.

Nhiều người trong nhóm doanh nghiệp khai Kiên không yêu cầu họ phải đưa tiền cố định là 150 triệu đồng/chuyến.

Cụ thể, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch Cty Vijasun) khai quá trình khai báo, bị cáo Dương cho biết công ty của mình được cấp phép 17 chuyến và bị Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến trước mỗi khi cấp phép chứ bản thân mình không muốn đưa.

Tuy nhiên tại phần đối đáp và tự bào chữa Phạm Trung Kiên xác nhận hành vi phạm tội của bị cáo như cáo trạng nêu là đúng nhưng lại khẳng định mình "không thúc ép doanh nghiệp đưa tiền" như cáo buộc từ viện kiểm sát và lời khai của một số chủ doanh nghiệp.

"Bị cáo không bao giờ gây khó khăn để thúc ép các doanh nghiệp đưa tiền", cựu thư ký nói và 2 lần nói "rất ăn năn, hối lỗi" về hành vi phạm tội.

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định hành vi của ông Kiên là nhận hối lộ, "nhận 253 lần thì không thể nói là vô ý được" để phản bác quan điểm bào chữa cho rằng "bị cáo vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết hành vi của mình".

Cho đến hiện tại, gia đình Phạm Trung Kiên đã nộp khắc phục gần hết số tiền hơn 42 tỷ đồng mà bị cáo hưởng lợi bất chính.

Sau khoảng 10 phút trình bày tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên bật khóc, mong HĐXX, VKS xem xét lại tội danh của bị cáo, cho hưởng mức án tù để bị cáo có cơ hội được làm lại…

Bị tố "gây khó dễ", Cựu cục trưởng Cục lãnh sự nói "hối hận khi gặp doanh nghiệp"

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, bị truy tố tội nhận hối lộ, đề nghị mức án từ 18 đến 19 năm tù. Bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, bà Lan và một số bị cáo tại Cục Lãnh sự đã gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Nhóm bà Lan buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết thủ tục, với doanh nghiệp "chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức".

Bị cáo Đào Minh Dương khai tại tòa: "Tôi bị đưa vào tình thế vô cùng khó khăn, bị Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan gây khó khăn, ép buộc phải đưa tiền".

Chủ tịch doanh nghiệp này cũng cho rằng "các cán bộ ở Cục Lãnh sự lẽ ra phải bảo hộ công dân nhưng lại hành dân".

Theo cáo buộc, lần nhận hối lộ nhiều nhất của bà Hương Lan lên tới 3 tỷ đồng là của Tổng Giám đốc Công ty An Bình Hoàng Diệu Mơ, đưa ngay tại ô tô của bà cục trưởng, trước cổng Bộ Ngoại giao, ngày 28/10/2021.

Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan không thừa nhận đã nhận hối lộ. Nhưng sang ngày xét xử thứ 3 (ngày 13/7), bị cáo Lan bất ngờ thừa nhận đã 32 lần nhận hối lộ của 8 doanh nghiệp với tổng số tiền 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bị cáo Lan cho rằng mình phải có mặt tại tòa "vì bị cáo quá nể nang những người giới thiệu đều là lãnh đạo các cơ quan, những anh chị bị cáo trân trọng...".

Nữ cục trưởng cũng nói rằng rất hối hận vì đã đồng ý gặp 8 doanh nghiệp và bị cáo cũng hối hận khi không đủ bản lĩnh vượt qua những lời nói, sự khéo léo của anh chị doanh nghiệp khi đến nói chuyện, tặng quà. Theo bà Lan, do bản thân chưa nhận thức đầy đủ về việc nhận quà nên đã vi phạm.

Đến ngày 18/7, bà Hương Lan đã nộp khắc phục 900 triệu đồng trong tổng số hơn 25 tỷ bị cáo buộc nhận hối lộ.

Được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự cho hay đã luôn cố gắng cống hiến và làm việc theo hiến pháp, việc gặp doanh nghiệp và nhận quà khiến bà "rất hối hận". Bà Lan xin được hưởng khoan hồng để bị cáo sớm trở về chăm sóc mẹ già và các con bởi bà là mẹ đơn thân, từ khi bị bắt gia đình không có người làm trụ cột, chỉ có bà và 2 cháu chơi vơi.

Tác giả: Trang Anh

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP