Bé trai cứ khóc ngằn ngặt, vừa khóc vừa kêu đau hết chỗ nọ tới chỗ kia. Bên mình luôn kè kè một chậu nước ấm và hai chiếc khăn, chiếc khăn này đắp lên được một lúc chị lại vội vàng thay chiếc khăn khác. Cậu bé sốt cao trên 40 độ, mệt quá thiếp đi một chút rồi lại giật mình khóc ré lên.
Đau đớn quằn quại
Hiện tượng này xảy ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm, việc chăm sóc cho con vô cùng vất vả. Nếu không kịp thời làm mát cho con có thể cậu bé sẽ gặp nguy hiểm. Sau nhiều đêm thức trắng, đôi mắt người mẹ trũng sâu, mệt mỏi. Lâu nay, chị không biết đến một giấc ngủ ngon. Mỗi lần thiếp đi tỉnh dậy, chị lại quơ tay tìm con. Chị sợ điều bất trắc xảy ra…
Bé Trần Hoàng Quân (3 tuổi ở ấp Mỹ Trinh A, huyện Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là đứa con duy nhất của vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến.
Mẹ ơi cứu con! |
Bé Quân được sinh ra trong sự trông đợi của gia đình, từ ngày có con, căn nhà nhỏ ấy luôn rộn rã tiếng cười. Sau mỗi lần đi làm về, cậu bé lại ra đón ba mẹ từ ngoài sân. Giọng nói của đứa trẻ lên ba khiến cả nhà được nhiều phen cười nghiêng ngả.
Vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn với một trận sốt kéo dài, bé Quân suy kiệt đến như vậy. Cậu bé sụt cân nhanh chóng, yếu ớt và xanh như tàu lá. Bé nhập viện tỉnh được 3 ngày, cơn sốt không dứt. Kết quả máu của bé Quân quá xấu, bác sĩ chuyển lên BV Nhi Đồng 1, TP.HCM. Khi nghe bác sĩ thông báo chuyển con lên tuyến trên, chị Yến nghi có chuyện chẳng lành, hỏi bác sĩ rất nhiều, nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Bác sĩ cũng chỉ nghi ngờ về bệnh và cần phải làm nhiều xét nghiệm khác.
Cầm tờ giấy chuyển viện cho bé Quân qua Bệnh viện Ung Bướu, chị Yến không tin vào mắt mình. Chị Yến chưa bao giờ nghĩ đứa con bé bỏng của mình khỏe mạnh như vậy lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
“Lúc đó tôi hụt hẫng mất phương hướng, không biết phải làm gì tiếp theo. Nghe bác sĩ tư vấn về quá trình điều trị, tôi biết chắc mình không cách nào có đủ tiền cứu con. Lúc đó chỉ biết khóc, chỉ cầu mong có một phép màu nào đó mới có thể cứu được con”, chị Yến nhớ lại.
Chị Yến chỉ đủ tiền lo cho con toa thuốc đầu tiên, các toa thuốc còn lại đều là tiền của người thân gom lại mỗi người cho một chút và tiền vay mượn. Đến nay, chị buộc phải cầu cứu để hy vọng đứa con của mình có cơ hội được sống.
Cha mẹ nghèo cầu cứu
Sau những lần chọc tủy làm xét nghiệm, đau đến tái tê, cậu bé bị ám ảnh. Mỗi lần nhìn thấy điều dưỡng chuẩn bị tiêm truyền là cậu bé khóc thét. Cậu bé cứ nằng nặc đòi về nhà không ở bệnh viện nữa.
Con còn quá bé để hiểu được rằng, chỉ cần ngưng thuốc điều trị là tính mạng của con có thể bị đe dọa. Cha mẹ bé đang phải đi cầu cứu sự chia sẻ để cứu con. Bởi vì hai vợ chồng anh Trần Văn Tho và chị Nguyễn Thị Yến đều làm công nhân tiền lương chủ đủ chi phí sinh hoạt gia đình.
Cha mẹ nghèo không còn khả năng để điều trị cho con. |
Ngoài đứa con nhỏ họ còn phải nuôi cha mẹ già ốm đau thường xuyên. Với số tiền tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng 7-8 triệu đồng làm đến đâu hết đến đó. Suốt thời gian qua, bé sống nhờ tiền cha mẹ vay mượn. Giờ họ rất bế tắc muốn vay tiền chữa bệnh cho con cũng không thể vì nợ cũ còn khá nhiều.
Chia sẻ với chúng tôi chị Nguyễn Thị Yến nói: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo ở địa phương lại thêm con bệnh, người ta cho vay mượn là vì thương. Họ biết vay rồi có làm được đâu mà trả nên họ cũng từ chối khéo. Mình biết hoàn cảnh mình vậy cũng đâu dám trách ai. Tôi chỉ thương con vì cha mẹ nghèo nên con bệnh cũng không có đủ tiền để chữa trị. Tôi chỉ còn biết cầu xin sự chia sẻ may ra mới cứu được cháu”.
Mọi đóng góp xin gửi về: Anh Trần Văn Tho (ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 0333 749 263) |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet