Ảnh minh họa |
Lương giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống thang bảng lương
Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký gửi Thủ tướng Chính phủ tại Điều 81 nêu: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông.
Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản biện với những nghi ngại ban đầu. Đa phần ý kiến ủng hộ phải cấp bách tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp thì có khả thi không, khi mà ngân sách nhà nước luôn gặp khó khăn, còn tình hình nợ công thì vẫn gia tăng với nhiều lo lắng như hiện tại?
PGS.TS Bùi Hiền |
Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk"
PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".
Một số chuyên gia về ngôn ngữ khẳng định PGS.TS Bùi Hiền không phải người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Nhiều đề xuất tương tự đã được nêu ra trong hàng chục năm qua.
PGS.TS Bùi Hiền nhấn mạnh công trình nghiên cứu này của ông chưa hoàn chỉnh; mặt khác lại chưa có sự chuẩn bị nhưng báo chí đã đưa lên giới thiệu.
Theo PGS Hiền, bắt người chưa quen, chưa học, chưa hiểu… phải chấp nhận thì khó. Ông đã nghiên cứu công trình này hơn 20 năm nay. Việc bị gây tranh cãi là một sự sơ suất vì PGS mới chỉ xong một phần và gần đây, giới thiệu công trình ở một bài viết gửi kỉ yếu hội thảo khoa học ở Quy Nhơn về ngôn ngữ.
“Tuyệt nhiên, nó chưa phải đề án đem ra trưng cầu ở cấp nhà nước. Đến nay, tôi mới chỉ nghiên cứu xong một nửa (cải tiến các phụ âm). Vì chưa thật đầy đủ nên khi được đưa ra thì gây hiểu nhầm dư luận.”- PGS Hiền nhấn mạnh.
PGS Hiền cũng chia sẻ, sau khi báo chí đưa ra, đề xuất của ông nhận được nhiều lời “ném đá":“Trước hết tôi làm nghiêm túc, tôi tự bỏ tiền ra nghiên cứu, không ai đặt hàng tôi cả. Tôi chờ đợi phản ứng và ý kiến của các nhà khoa học vì những ý kiến những ngày qua chưa phải là tranh luận về khoa học.”- PGS Hiền ý kiến.
Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu về ngôn ngữ đã lên tiếng phản biện khi cho rằng đề xuất thiếu cơ sở và thực tiễn khoa học.
Ông Võ Quốc Bình (TPHCM) |
Phụ huynh gửi đơn lên Chính phủ kiến nghị giải tán... Hội phụ huynh
Ông Võ Quốc Bình (TPHCM) có con đang theo học tại trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, cho biết cách đây 5 ngày, phụ huynh này đã viết thư kiến nghị giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cho rằng lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Võ Quốc Bình đã gửi đơn tới Văn phòng Chính phủ kiến nghị dẹp bỏ hội phụ huynh.
Ngay sau đó, ông Bình đã nhận được email phản hồi từ Văn phòng Chính phủ về việc đã nhận được ý kiến, sẽ chuyển cho cơ quan giải quyết.
Ông Võ Quốc Bình cho biết ông có hai người con đang học lớp 3 và lớp 8 tại TP.HCM. Trước đó, ông có nhận được thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 hỏi về xin ý kiến phụ huynh đóng góp khoản thu tự nguyện là tiền lót sàn gỗ cho lớp học.
Ông Bình đã thẳng thắn phản hồi: “Không đồng ý. Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sĩ. Tiền cơ sở vật chất hàng năm đâu?”.
“Thậm chí, nếu phát hiện sai phạm của nhà trường, Hội phụ huynh nên đại diện cho toàn thể phụ huynh lên tiếng để góp phần chấn chỉnh chứ không phải lại đại diện cho nhà trường như hiện nay. Vậy mà tại sao chức năng duy nhất hiện tại của nhiều Hội phụ huynh lại là quyên góp?”, ông bố đặt câu hỏi.
Bởi theo ông Bình, gọi là Hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “Hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”
Ông bố Sài gòn này chia sẻ quan điểm, hàng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể rồi, vào nhất nhì trong các ngành, giáo viên có lương, nhà trường có ngân sách.
“Vậy không hà cớ gì động đến đâu cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp như kiểu từ thiện. Đây không khác nào là một hình thức móc túi người dân”- Ông Bình nêu quan điểm.
Tác phẩm Chí Phèo có thể tác động tiêu cực đến học sinh? |
Đề xuất bỏ "Chí Phèo"
Ông Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục tại Australia - người đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa cho rằng, ông không phủ nhận giá trị nghệ thuật và sự thành công trong phong cách viết của nhà văn Nam Cao. "Nhưng ở góc độ giáo dục, khi dạy trong chương trình lớp 11, tác phẩm có thể tác động tiêu cực đến học sinh, khiến các em dễ bị tiêm nhiễm cái xấu". Tuy nhiên, quan điểm này của tác giả bị nhiều chuyên gia, giáo viên phản đối.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định đề xuất loại truyện ngắn "Chí Phèo" khỏi chương trình sách giáo khoa thể hiện góc nhìn thô sơ, không đọc kỹ tác phẩm.
Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, bà tôn trọng khác biệt và quyền đưa ra quan điểm riêng nhưng việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận.
“Một xã hội tiến bộ là xã hội phải hướng tới sự tôn trọng những ý kiến những quan điểm trái ngược , thậm chí nó có thể đi ngược với cách nghĩ chung của số đông. Thực tế thì những cái mới, những quan điểm mới đi ngược và thậm chí chống đối lại những cách nghĩ và cách tư duy truyền thống ở bất kỳ xã hội củng dễ nhận lấy sự phản kháng ban đầu”- Ông Hiền nói về đề xuất của mình khi bị ném đá.
Giải tán phòng giáo dục
Đưa kiến nghị của mình lên báo chí, thầy giáo Bùi Nam – một giáo viên tâm huyết với nghề cho rằng, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương là giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục, bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần được giảm đó là các... phòng giáo dục.
Thầy Bùi Nam phân tích: Hiện, lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến THPT (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở GD) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn: Mầm non là 35.833/132.294 viên chức (chiếm 27,08%), tiểu học 35.010/363.249 (chiếm tỉ lệ 9,64%), THCS là 24.627/207.085 (chiếm 11,9%), THPT là 8.351/119.826 (chiếm gần 7%).
Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở/Phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.
Thầy Nam cho rằng đó là con số quá lớn và cồng kềnh, nó làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to.
Cả nước có 698 đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi phòng có trên dưới 10 người, nếu tinh giản hoặc điều chuyển thì mục tiêu 10% sẽ không thành vấn đề. Từ những dẫn chứng đó, thầy giáo Nam đề xuất nên xóa bỏ các phòng GD ĐT, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.
Đáp lại ý kiến này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của thầy Nam là tùy tiện.
Tác giả: ĐỖ HỢP
Nguồn tin: Báo Tiền Phong