Trong bối cảnh V.League đang lao đao tìm nguồn tiền đầu tư, lãnh đạo VPF chạy đôn chạy đáo tìm nhà tài trợ mới thì trước đó, Toyota chi mạnh cho bóng đá Thái Lan với tổng giá trị lên tới 485 tỷ VNĐ. Gia hạn gói tài trợ từ năm 2017 đến hết năm 2020 bao gồm: Thai League 1, Thai League 2, Thai League 3 và Thai League Cup, thương hiệu này còn đồng hành với tất cả các ĐTQG Thái Lan.
Nhìn vào chính sách đầu tư của thương hiệu này cho bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam, người hâm mộ Việt không khỏi chạnh lòng. Chất lượng V.League không những ngày một đi xuống, hiệu quả quảng bá thương hiệu không cao chỉ là một phần nguyên nhân. Và dĩ nhiên, thị trường tại Thái Lan đang là một mảnh đất màu mỡ, cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu vận tải lớn trong khi tại Việt Nam, Toyota đang được xem là bá chủ.
Thông kê cho thấy khán giả đến sân xem V.League cao hơn Thai League của Thái Lan. Ảnh: Trung Kiên |
Mặt khác, chính cách vận hành, tổ chức giải đấu của VFF và VPF đang gặp quá nhiều vấn đề, từ trọng tài, sân bãi… Theo thống kê của VPF trong 3 năm 2015 - 2017, lượng khán giả đến sân xem V.League giảm xuống một cách thảm hại. Nếu như trong năm 2015, tổng số khán giả là 1.346.500 người (trung bình: 7.400 người/trận) thì năm 2016 trượt dốc xuống còn 1.147.900 người (trung bình: 6.307 người/trận). Và số người dành thời gian đến sân xem V.League 2017 chỉ là 1.017.000 người trong 182 trận, trung bình: 5,619 người/trận.
Tuy nhiên, những con số nói trên hoàn toàn xuất phát từ thống kê thiếu khoa học từ các CLB với mục đích “bán” bản quảng cáo trên sân. Và có nghĩa là khán giả đến sân xem V.League không chỉ giảm xuống mà còn những số liệu không thực sự chính xác. Thực tế tại V.League, những SVĐ thường xuyên đón số lượng lớn khán giả đến sân chỉ có Lạch Tray (Hải Phòng), Cẩm Phả (Quảng Ninh), Thanh Hóa và có thể là Pleiku (HAGL). Còn lại, các SVĐ tại V.League đều lác đác khán giả.
Thai League khác xa V.League về chất lượng. Ảnh: Internet |
V.League thực sự đã mang đến những con số bất ngờ. Bởi tại Giải VĐQG Thái Lan, Thai League 2017 thì số lượng người xem giảm so với năm 2016 vào khoảng 12%. Cụ thể, có hơn khoảng 1,3 triệu người tới sân theo dõi tổng cộng 36 lượt trận ở Thái League, bình quân 4,500 người theo dõi 1 trận đấu tại Thái League. Thống kê Top 5 đội có số lượng người xem cao nhất là: Buriram United, SCG Muangthong United, Suphanburi, Chiangrai United, Nakhon Ratchasima đã chiếm hơn 50% tổng số lượng người tới sân theo dõi. Trong đó Buriram United có số lượng khán giả tới sân theo dõi gần gấp 2 đội xếp thứ nhì là SCG Muangthong.
Thực ra, làm gì có chuyện V.League hấp dẫn hơn Thai League, bản quyền truyền hình và cách quảng bá thương hiệu của hai giải đấu vốn khác nhau ngay từ cái mặt cỏ, sân vận động. Biển quảng cáo điện tử tại các SVĐ Thái Lan được ký kết theo một gói kéo dài 3 năm, không giống như các CLB tại V.League. Chưa kể đến thương hiệu, doanh nghiệp xuất hiện trên áo đấu các CLB Thái Lan... Và bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì chính cách điều hành, tổ chức và những con số “ảo”, thật giả lẫn lộn có thể là lý do khiến bóng đá Việt Nam để tiền rơi một cách đáng tiếc.
Mới đây, CLB Đồng Tháp tại Hạng nhất bất ngờ nhận được gói tài trợ của nhãn hàng thời trang Thái Lan là Grand Sports. Không thi đấu tại V.League, nhưng chính cách làm bải bản, nghiêm túc của đội bóng này khiến nhiều đội bóng hạng trên phải học tập. Và đó là lý do thương hiệu đang tài trợ cho ĐTQG Việt Nam quyết định đồng hành cùng đội bóng xứ bưng biền. |
Tác giả: Trung Kiên
Nguồn tin: Báo Nghệ An