Trước thực trạng này, thời gian qua, Chính phủ đã trực tiếp giao cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiên quyết vào cuộc xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi ở các lòng sông nhằm giảm thiểu những tác động xấu do vấn nạn này gây ra.
Tàu cát công suất lớn hút cát lúc 5h sáng thuộc phạm vi địa phận các xã Nam Thượng, Nam Lộc, Khánh Sơn rồi đưa về đổ tại bến cát cách đó không xa |
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Thời gian qua, để thực hiện nghiêm túc Luật khoáng sản, các Nghị định, Thông tư… hướng dẫn về công tác quản lý, quy hoạch các điểm mỏ khai thác cát, sỏi, tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập nhiều đoàn liên ngành ra quân kiểm tra, tuần soát vấn đề này.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thì trong năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương này đã xử lý 192 vụ với 158 cá nhân và 42 tổ chức có các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi.
Trong những tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ 23 trường hợp/23 cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên các lòng sông.
Các cơ quan, ban ngành tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành tuyên tuyền, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra trên địa bàn.
Vậy nhưng, sau mỗi đợt ra quân, tình trạng khai thác cát trái phép, sai quy định về thời gian, tọa độ, vị trí như Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 (có hiệu lực từ ngày 10/4/2020) vẫn còn diễn ra. Điều này đang khiến cho nguồn tài nguyên cát, sỏi dọc các sông trên địa bàn Nghệ An đang được đào bới, móc, hút một cách tràn lan, không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trước đó, chỉ tính riêng dòng sông Lam đoạn từ phía Cầu Bến Thủy (Tp Vinh) qua huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn lên huyện Thanh Chương, tình trạng các phương tiện khai thác cát, sỏi ở đây vẫn diễn ra tràn lan vào ban đêm.
Các tàu cát nép vào bờ để “xả hàng” vào sáng sớm tại 3 bến cát ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn) giáp ranh xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) diễn ra trong thời gian qua |
Nghĩa là, theo quy định tại Điều 9, Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông chỉ được thực hiện trong khung thời gian từ 7 giờ đến 17 giờ trong ngày nhưng nhiều tàu, xà lan… vẫn “móc ruột” sông Lam vào ban đêm.
Theo giới thạo đường sông nước thì đây cũng là thời điểm mà các phương tiện phục vụ khai thác cát, sỏi vô tư “đại náo” các đoạn sông do khung giờ “nhạy cảm” được nhiều đối tượng tận dụng tối đa.
Lúng túng xử lý?
Khai thác cát, sỏi trái phép, sai múi giờ theo như quy định tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP như trong thời gian qua trên sông Lam chảy qua địa phận tỉnh Nghệ An đang gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả xấu.
Tình trạng này không chỉ gây thất thu ngân sách, lệch dòng chảy dẫn đến sạt lở bờ sông, cuốn trôi đất đai hoa màu mà còn khiến tình hình ANTT trên sông nước bị xáo trộn nghiêm trọng.
Bởi thời điểm ban đêm là khung giờ mà nhiều đối tượng tận dụng tối đa để huy động phương tiện, nhân công để khai thác cát, sỏi. Hơn nữa, thời điểm này, lợi dụng khi lực lượng chức năng vắng bóng, đêm khuya thanh vắng, các đối tượng khai thác cát trái phép sẽ dễ dàng hoạt động.
Chưa kể, nhiều đối tượng liều lĩnh có thể bất chấp để tận thu cát, sỏi đưa về tập kết, “giấu hàng” để trốn tránh, đối phó với khung giờ theo Nghị định 23 đã quy định sẵn…
Các thủ đoạn đối phó của nạn khai thác cát trái phép là vậy nhưng qua thực tế quan sát, chúng tôi thấy công tác quản lý các quy định theo Nghị định 23 của Chính phủ tại Nghệ An vẫn chưa được triển khai đồng bộ.
Dọc tuyến sông Lam đoạn từ Tp Vinh lên huyện Thanh Chương vẫn còn nhiều điểm mỏ chưa lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi.
Mặt khác, việc xác định ranh giới khu vực khai thác cũng như cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông dọc trên sông Lam đoạn chảy qua địa phận nói trên vẫn chưa được triển khai nghiêm túc.
Theo đại diện phòng quản lý khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Nghệ An) thì sau khi Nghị định 23/2020/NĐ-CP có hiệu lực, tỉnh Nghệ An hiện nay cũng đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, thực hiện công tác chấn chỉnh tình trạng này.
Vậy nhưng, để triển khai nghiêm túc tinh thần chỉ đạo Nghị định 23 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông thì địa phương vẫn còn lúng túng xử lý trước thực trạng vấn nạn khai thác cát, sỏi diễn ra vào ban đêm như trong thời gian qua.