Chia sẻ trong buổi ra mắt sách Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, tác giả Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Kanazawa, Nhật Bản, có những bàn luận về triết lý giáo dục.
- Theo ông, lịch sử giáo dục Việt Nam thay đổi triết lý như thế nào?
- Câu hỏi này có thể phát triển thành hàng chục luận án tiến sĩ, nhưng tôi chỉ phát biểu ngắn gọn như sau: Qua các khảo sát do tôi thực hiện có thể thấy trong tất cả văn bản liên quan giáo dục Việt Nam không hề xuất hiện thuật ngữ “triết lý giáo dục”, ngay cả chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Kanazawa, Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa không có triết lý giáo dục. Dù nó thể hiện công khai bằng văn bản hay ở thông điệp khác nhau, nền giáo dục nào cũng có triết lý riêng và thay đổi theo từng thời kỳ.
Triết lý giáo dục gồm hai thành tố chủ yếu. Một là “hình ảnh xã hội tương lai” - xã hội mơ ước - mà nền giáo dục ấy muốn hướng tới. Triết lý giáo dục phải “gọi tên” được xã hội ấy và chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của nó.
Hai là, “hình ảnh con người mơ ước” mà nền giáo dục đó muốn tạo ra. Đây sẽ là những con người cải tạo xã hội hiện thời để tạo ra xã hội mới - tương lai với những đặc trưng được phác thảo ở trên. Đồng thời, họ cũng sẽ phải là những người bảo vệ xã hội ấy.
Nếu căn cứ hai điểm này, lịch sử từng thời kỳ, chúng ta sẽ có triết lý giáo dục riêng.
Sau cuộc cải cách năm 1947, người Nhật gọi nền giáo dục của họ là dân chủ. Mục tiêu giáo dục không phải đào tạo những “thần dân trung quân ái quốc”, mà là công dân có đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Vì chúng ta không làm rõ được triết lý giáo dục, việc đưa ra nhóm các phẩm chất, năng lực mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nảy sinh chuyện tranh luận không đi đến hồi kết. Người cho rằng nên thêm phẩm chất, năng lực này, người thì bảo bớt đi.
- Không có triết lý giáo dục rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp giáo viên ra sao?
- Ở Nhật, người ta không quá quan tâm giáo viên giáo dục như thế nào, họ xem cuối cùng những ứng biến của người dạy có mâu thuẫn triết lý đề ra hay không.
Nếu Bộ GD&ĐT có triết lý giáo dục của mình, trường học, giáo viên sẽ có triết lý riêng. Tất cả có hòa hợp hay không cần sự tham chiếu cuối cùng, tức là triết lý giáo dục được thể hiện trong Luật giáo dục.
Ở Nhật Bản, những người thành công thường chỉ trích giáo dục trong nước, người khen chủ yếu ở nước ngoài. Họ chỉ trích vì cho rằng trường học là một thiết chế tạo ra những con người khuôn mẫu trong giáo dục, tạo ra những bậc thang tiêu chuẩn để kiểm tra đánh giá nên cá tính riêng sẽ mai một.
Ở Việt Nam, tất cả hiện trường giáo dục đều có nhiều nguyên nhân, trong đó có triết lý.
Ví dụ, một giáo viên dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng nếu trả lời được công việc của mình sẽ tạo ra con người như thế nào thì sẽ tự tin, không hoang mang.
Nhiều người nói lương giáo viên tăng, chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, tôi nghĩ không đơn giản như vậy. Đó là điều kiện cần nhưng không đủ. Tôi biết nhiều giáo viên giàu nhưng họ không tiến bộ về chuyên môn.
Phân tích về tâm lý học, đó là động lực trong và động lực ngoài, nếu chỉ cần động lực ngoài là tăng lương thì không giải quyết được vấn đề căn bản. Vì nếu giáo viên không hình dung được xã hội tương lai, họ sẽ lúng túng trong việc đào tạo con người.
- Vậy hàng loạt hiện trường giáo dục đều có nguyên nhân xuất phát từ không rõ ràng trong triết lý giáo dục?
- Chính vì giáo viên hoang mang về sứ mệnh của mình, chúng ta đụng vào đâu cũng gặp vấn đề. Tôi nói vui chúng ta đang cải cách giáo dục theo cách cưa chiếc xe Mercedes thành công nông. Vì sao lại có sự so sánh như vậy?
Tôi hình dung nếu mang một chiếc Mercedes vào sử dụng thì cần mở đường rộng hơn cho nó chạy. Nhưng với cách làm hiện nay, nó giống như việc ta đang gò chiếc Mercedes cho vừa với lối đi nhỏ và cuối cùng biến nó thành công nông.
Nhiều người có vẻ không đồng ý với cách so sánh trên vì hơi quá, nhưng bản chất của việc cải cách giáo dục là việc biến các giá trị mới thành phổ biến. Chúng ta bị chi phối bởi tư duy chỉ đi tìm những điều phù hợp nên sẽ bị môi trường làm thoái hóa cái mới được đưa vào.
Ví dụ thông tư 30 là cách đánh giá học sinh dựa vào định tính thay định lượng, nhận xét thay cho điểm là hướng đi đúng, nhưng khi khi thực hiện ở nước ta tạo ra nhiều rắc rối.
Mô hình trường học mới VNEN có tư tưởng tốt nhưng khi đặt vào Việt Nam lại không phát triển được vì người ta chỉ chú ý đến các yếu tố kỹ thuật mà bỏ qua yếu tố môi trường và không nỗ lực cải tạo môi trường.
Để thực hiện tốt chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”, điều tiên quyết là cho giáo viên tự chủ nội dung giáo dục. Nhưng gần đây, Bộ GD&ĐT lại đưa thông tư đi ngược xu hướng đó và bị dư luận phản đối. Đó là thông tư quy định “không dạy nội dung ngoài SGK”.
Nếu giáo viên không được tự chủ nội dung giáo dục, có nhiều bộ SGK cũng chỉ như một bộ.
Hơn nữa, để thực hiện cải cách, chúng ta cần tạo cơ hội tốt nhất cho sự phát triển chứ không phải giám sát. Một trong những điều khiến giáo viên ngại cải cách vì người quản lý của họ chỉ giám sát và kiểm tra, không hỗ trợ.
Tác giả: Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn