Mới đây, trong khuôn khổ các phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, tỉnh Nghệ An đã thông qua nhiều chủ trương đề án quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như Nghị quyết quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Mở rộng Khu kinh tế Đông Nam
Xác định rõ phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp không những góp phần thu hút nguồn vốn lớn cũng như công nghệ tiên tiến từ các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Bởi vậy, tại phiên họp thường kỳ diễn ra vào ngày 29/2 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất thông qua chủ trương đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Theo đề án, Nghệ An xác định mở rộng ranh giới Khu kinh tế Nghệ An theo các trục giao thông đối ngoại kết nối khu kinh tế như Quốc lộ 1A (đoạn tránh TP Vinh), Quốc lộ 7A, 7C, 46, 48D, 48B, đường bộ ven biển và 1 phần khu vực biển để đảm bảo quỹ đất phát triển lâu dài đến năm 2050 của Khu kinh tế Nghệ An.
Trong đó, khu vực 1 quy hoạch phát triển mở rộng về phía Tây và Tây Nam ranh giới Khu kinh tế Đông Nam; được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ- TTg ngày 11/6/2007, theo các trục giao thông Quốc lộ 7A, 7C, Quốc lộ 1A tránh Vinh, Quốc lộ 46 và mặt biển phía Đông.
Nghệ An hướng tới xây dựng Khu kinh tế Đông Nam trở thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ, góp phần tạo động lực mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới (Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Hoàng Mai) |
Còn khu vực 2 dựa trên quy hoạch các khu công nghiệp đã có (Đông Hồi, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn) sẽ được quy hoạch phát triển theo các trục giao thông Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, Quốc lộ 48D.
Tổng diện tích của khu kinh tế sau khi được mở rộng khoảng 104.269,94ha; trong đó có 93.319,94ha đất liền (bao gồm phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu 20.776,47 ha và diện tích tích mở rộng là 72.543,47 ha) và 10.950 ha mặt biển, bao gồm 57 xã, thị trấn, phường thuộc 10 huyện, thành phố, thị xã.
Khu kinh tế Đông Nam được mở rộng bao gồm 2 khu vực. Khu vực 1 có diện tích đất liền phát triển mới khoảng 43.629,71 ha và diện tích mặt biển khoảng 6.500 ha; ranh giới đất liền bao gồm 27 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Nam Đàn. Khu vực 2 có diện tích khoảng 30.113,76ha đất liền và 4.450ha mặt biển; bao gồm 9 xã, phường thuộc thị xã Hoàng Mai và 2 huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn.
Theo đề án, việc mở rộng ranh giới, diện tích Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An nhằm đảm bảo tạo quỹ đất đầu tư phát triển trong tương lai; xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm vùng Bắc Trung Bộ, tạo động lực mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng kinh tế trọng điểm cả nước.
Xác định rõ tính chất của khu kinh tế, đề án đã định hướng phát triển không gian; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển một cách cụ thể; đồng thời đề ra các nhóm giải pháp để tập trung thực hiện.
Hơn 230 tỷ đồng mở rộng sân bay Vinh
Cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Vinh với tổng mức đầu tư hơn 233,6 tỷ đồng.
Theo quyết định, dự án được thực hiện trên diện tích sử dụng đất hơn 5,97 ha thuộc địa phận xã Nghi Liên, TP Vinh và giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm nhà đầu tư. Nguồn kinh phí trên sẽ tập trung vào các hạng mục là cải tạo, mở rộng sân đậu máy bay để nâng tổng số vị trí đậu máy bay từ 6 lên 9, thời gian thực hiện trong 12 tháng.
Đại diện lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Vinh cho biết, khi nhận được quyết định này thì tổng công ty sẽ lập kế hoạch triển khai, cố gắng hoàn thành các thủ tục và khởi công trong năm nay. Dự kiến đến hết quý 2/2024 sẽ khởi công xây dựng dự án.
Được biết, quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh có quy mô, cấp sân bay 4E với tổng diện tích hơn 557 ha; công suất thiết kế dự kiến 8 triệu hành khách/năm và lớn thứ 6/14 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.
Cảng hàng không quốc tế Vinh là sân bay lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Tuy nhiên, hiện nay năng lực phục vụ vận tải bằng đường hàng không ở đây bị hạn chế |
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Vinh mới chỉ đáp ứng tối đa 6 máy bay, trong các dịp lễ, tết cần 8 đến 9 vị trí đỗ mới đủ đáp ứng nhu cầu.
Bên cạnh đó, đường cất cánh hiện hữu dài 2.400m được đầu tư sửa chữa từ năm 2003, chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A230/A231 giảm tải hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn như A350, B777, B787… dẫn đến không mở được các đường bay quốc tế có chặng đường bay dài.
Ngoài ra, chất lượng mặt đường cất, hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu, sửa chữa; chưa có hệ thống đường lăn song song ảnh hưởng đến thời gian cất, hạ cánh các chuyến bay…
Bởi vậy, việc mở rộng, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Vinh là yêu cầu tất yếu, cần thiết được tỉnh Nghệ An đặt ra để tập trung thực hiện nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn