Chiều 10-5, TAND quận Bình Tân (TP HCM) tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm Phan Đức Hồng (bác sĩ đã nghỉ hưu) về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh" thuộc trường hợp làm chết người.
Tham gia xét hỏi, luật sư của bị hại yêu cầu bị cáo Hồng làm rõ mục đích vì sao không không đưa chị T. - nạn nhân tử vong khi làm phẫu thuật thẩm mỹ tại phòng mổ chui của ông ta - đi cấp cứu khi nạn nhân có nhiều biểu hiện bất thường.
Bị cáo Phan Đức Hồng tại tòa |
Cụ thể, cáo trạng của VKSND quận Bình Tân thể hiện từ khi chị T. bị sốc thuốc trong quá trình phẫu thuật nâng ngực đến lúc tử vong kéo dài 6 giờ nhưng Hồng không đưa đi cấp cứu. Lúc này, ông ta nhờ con gái mình cùng hồi sức tích cực cho chị T. bằng cách cho thở bình oxy, hút đờm dãi...
Bị cáo Hồng khai lúc đó nghĩ sẽ "có một điều kỳ diệu xảy ra". Bởi lẽ, với kinh nghiệm làm bác sĩ của mình, ông ta biết có trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim mà 3-4 giờ sau vẫn có thể sống lại.
Luật sư của bị hại nêu quan điểm rằng bị cáo nhận thức được hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn để mặc hậu quả xảy ra, cho thấy có dấu hiệu phạm tội "Giết người".
Theo quan điểm của luật sư, Hồng cùng con gái mình đã chở thi thể chị T. từ TP HCM về Trà Vinh (quê nạn nhân) trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên có dấu hiệu tội "Làm lây lan dịch bệnh" và "Xâm phạm thi thể". Thêm vào đó, luật sư còn nói rằng Hồng dương tính với chất ma túy.
Xem xét ý thức và hành vi khách quan của Hồng, đại diện VKS nhận định ông ta phạm lỗi quá tự tin. Kiểm sát viên nêu về ý thức, Hồng cho rằng mình có thể ứng biến cứu được nạn nhân nên việc luật sư của bị hại lập luận bị cáo có dấu hiệu tội "Giết người" là chưa đúng.
Đối đáp quan điểm của luật sư bị hại, đại diện VKS không đồng tình rằng Hồng làm lây lan dịch bệnh như luật sư nêu. Nguyên nhân, sau khi đưa thi thể nạn nhân về quê thì Hồng và con gái đều âm tính với COVID-19 nên không có căn cứ xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh".
Đại diện cơ quan thực hành quyền công tố nhận định việc Hồng đưa thi thể chị T. về quê của chị không có động cơ, mục đích xâm phạm thi thể và Hồng cũng đã liên hệ người nhà của nạn nhân.
Về việc dương tính với ma túy, bị cáo Hồng khai sau khi chị T. chết, vì quá căng thẳng nên ông ta đã dùng Morphin - một loại thuốc giảm đau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, thuộc họ thuốc phiện.
Trong quá trình điều tra, khám xét nhà Hồng, cơ quan điều tra cũng không phát hiện có ma túy. Do đó, VKS cho rằng không có căn cứ xử lý bị cáo này về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Trên cơ sở những nhận định này, đại diện VKSND quận Bình Tân đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hồng mức án từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh".
Sau khi hội ý, HĐXX nhận định do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên quyết định nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 15-5.
Tác giả: Ý Linh
Nguồn tin: Báo Người lao động