Trong tỉnh

Nhiều bất cập tại dự án nạo vét sông Cấm

Quá trình thực hiện hạng mục nạo vét sông Cấm mất an toàn lao động khiến 1 người tử vong, người dân phản đối vì dự án tồn tại nhiều bất cập…

Từ lo lắng của người dân…

Vừa qua, tòa soạn Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận nhiều thông tin phán ảnh của các công dân tại khu vực các xã Nghi Quang, Nghi Tiến, Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An). Nội dung liên quan đến việc quá trình thực hiện công trình: Nạo vét tận thu bùn, đất phục vụ tiêu úng chống hạn trong hệ thống Thủy lợi Nam; hạng mục: Nạo vét sông Cấm đoạn từ hạ lưu sông Cấm đến thượng lưu công Nghi Quang tồn tại vô số vướng mắc, bất cập.

Là một trong những hộ dân xóm Quyết Tâm xã Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) nhiều tháng nay gia đình bà B. sống trong cảnh lo lắng khi nghề "kiếm cơm" của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc nạo vét trên sông Cấm.

Quá trình hút đất cát, họ hút sâu, thời gian dài ảnh hưởng đến dòng chảy, kéo theo đó, tôm cá không sống nổi nên trôi dạt đi chỗ khác hay bị chết đi. Dân chúng tôi sống nghề sông nước, mấy miệng ăn trong nhà trông chờ vào việc đánh bắt cá tôm trên sông Cấm nhưng từ khi họ làm đến giờ thì cực kỳ khó khăn.

Người dân lo lắng, bức xúc đối với quá trình thi công dự án.

"Không những vậy, quá trình hút cát, họ (đơn vị thi công - PV) còn tổ chức xả tràn nước kéo theo lượng bùn, cát chảy thẳng và luồng lạch gây cản trở dòng chảy khiến quá trình di chuyền đưa thuyền ra sông Cấm đánh cá bị ảnh hưởng. Nhiều thời điểm các thuyền không thể đi do bị bùn bồi lắng quá nhiều…" - bà B. cho biết.

Theo ông Nguyễn Bá Tịnh - Bí thư Chi bộ xóm Quyết Tâm: "Tôi là người đứng ra phản ánh các bất cập tới các cấp đầu tiên. Sở dĩ như vậy vì các lý do: Việc hút cát sâu, ngay sát khu tái định cư đường D4 tại xóm Quyết Tâm tiềm ẩn sạt lở cao. Không những vậy, các hộ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng khi hút sát bờ ao, với độ sâu hút từ 5-6m thì việc sạt lở bờ ao là không thể tránh khỏi. Tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần rồi…".

Xác nhận từ lãnh đạo một xã nơi có dự án triển khai cho biết, đã có nhiều lần người dân có phản ánh về các nội dung này lên xã cũng như trong các cuộc tiếp xúc cử tri Hội đồng nhân dân các cấp.

Đến những bất cập trong quá trình triển khai

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, sau khi được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền, ngày 04/3/2020, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam (Cty Thủy lợi Nam) có Quyết định số 118/QĐ-TLN về việc: Phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án Nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng thượng lưu Bara Nghi Quang.

Quyết định nêu rõ, tên công trình: Nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng thượng lưu Bara Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Chủ đầu tư là Cty Thủy lợi Nam, địa điểm xây dựng tại các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết và xã Nghi Quang. Cty Thủy Lợi Nam cũng là đơn vị lập phương án công trình này.

Nước thải chảy tràn, không có bể lắng lọc...

Cụ thể, dự án sẽ tiến hành nạo, vét, hút các loại đất cát tại sông Cấm có chiều dài khoảng 6.500m với khống lượng 710.416 m3. Khối lượng cát này sau khi hút lên sẽ được tập kết lên ô tô rồi chuyển đến vị trí tập kết đã được xác định trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Cty Thủy lợi Nam đã lập dự toán để triển khai công trình. Theo đó, tổng giá trị công trình lên tới 56,1 tỷ đồng, trong đó 51,3 tỷ là chi phí xây dựng công trình.

Đến ngày 29/5/2020, Chủ dự án cùng đơn vị tư vấn là công ty cổ phần môi trường Việt Anh đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng thượng lưu ba ra Nghi Quang. Báo cáo này nêu rõ các quy định cụ thể từ khi triển khai đến lúc hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, thực tế thực hiện đơn vị thi công đã không đảm bảo theo các quy định đã được ban hành, thông qua.

Theo báo cáo này, thời gian chỉ thi công vào các tháng mùa kiệt (khô cạn - PV) thực hiện dự án dự kiến từ tháng 5 đến ngày 15/8 hàng năm. Tuy nhiên, theo thông tin, dự án đã được tiên hành triển khai từ cuối năm 2021. Đến thời điểm tháng 4/2022, dự án vẫn được rầm rộ thi công.

Căn cứ ĐTM được duyệt, các khu vực bãi tập kết sẽ phải bố trí 1 hố thu rộng 100 m2, độ sâu 1,5m trước khi xả ra sông. Tuy nhiên, theo quan sát, tại vị trí bãi thải không hề có hạng mục này. Thay vì cát được hút lên ô tô vận chuyển đến bãi thãi, đơn vị thi công hút rồi trực tiếp dùng vòi dài hàng chục mét bơm thẳng đến bãi thải. Không những vậy, lượng nước thải được đơn vị này xả tràn ra xung quanh trước khi chảy ngược vào sông Cấm…

Quá trình thi công tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh.

Không chỉ dừng lại ở việc bất cấp trong thi công, quá trình triển khai dự án công tác an toàn lao động không được đảm bảo. Theo xác nhận từ người dân cũng như chính quyền địa phương đã có 1 nam công nhân bị tử vong trong quá trình thực hiện dự án. Nạn nhân được xác định là bị đuối nước, tử vong khi xuống neo thuyền vào thời điểm trước tết Nguyên đán năm 2022.

Thông tin từ ông Thái Văn Hùng - Giám đốc Cty Thủy lợi Nam: Cty Thủy lợi Nam đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ trước khi tiến hành triển khai. Hiện, Chủ dự án cũng đã ký hợp đồng với công ty Yên Lưu (Cty TNHH xây dựng thương mại Yên Lưu, có địa chỉ tại TP Vinh, Nghệ An - PV) triển khai thực hiện. Dự án được triển khai theo hình thức xã hội hóa, không lấy bất cứ nguồn ngân sách nào…

Việc thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa không thể là “chiếc gậy” để “chống” cho hàng loạt bất cập đã và đang diễn ra tại hạng mục nạo vét sông Cấm. Trách nhiệm trong tình trạng này thuộc về ai?... Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP