Nhân ái

Người vợ lặng nhìn chồng nằm từng ngày đợi được chết: 'Chỉ mong có chút tiền bỏ não vô lại, để khi mất cơ thể cũng đầy đủ…'

Hơn một năm sau cơn bạo bệnh, chú Đoàn Văn Kha (51 tuổi) chỉ còn nằm bất động, teo tóp như que củi… Giờ đây, mọi gánh nặng thêm trĩu hơn trên đôi vai người vợ.

Mất hơn một giờ đồng hồ len lỏi qua chục con hẻm nhỏ, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà của cô Lê Thị Thủy (47 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam). Trong mái che xập xệ, cô đang ngồi tỉ mẩn đút từng muỗng cháo cho chồng.

Đã hơn 1 năm nay, sau cơn tai ương bất ngờ, chú Kha chỉ còn nằm một chỗ, cơ thể đã “lồi xương” và não sụn sâu vào trong… mọi sinh hoạt hằng ngày đều dựa hẳn vào bàn tay người vợ như thế!

Nghĩa vợ tình chồng trong cơn bạo bệnh

Hai vợ chồng cô Thuỷ cưới nhau được hơn 28 năm, có 3 người con, 1 trai 2 gái. Hai vợ chồng vốn chăm làm lụng, khi về chung nhà thì người đi cày thuê, người ở mướn nên cũng đủ nuôi mấy đứa con sống qua ngày. Ngày đó, ngôi nhà nhỏ tuy nghèo nhưng luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.

Thế mà, một ngày đột chú Kha lên cơn tai biến, chưa kịp đưa lên bệnh viện thì đã rã cả người. Bác sĩ chuẩn đoán chú bị xuất huyết não, bại liệt toàn thân, cần phải đưa sọ não nuôi bên ngoài.

Người vợ hằng ngày vẫn tận tuỵ chăm sóc chồng, dù ông đã nằm im một chỗ, gầy xọp đi như que củi.

“Lúc ở trên viện, trong túi cô còn có 3 trăm ngàn. Cô chạy vạy mượn khắp nơi mới đủ tiền viện phí. Mà y rằng ông trời như giáng xuống đầu cô biết bao nhiêu chuyện một lúc vậy. Chồng thì thế, đứa con trai lớn cũng gặp tai nạn, trí não không bình thường” - cô Thuỷ nhớ lại.

Chẳng biết trông cậy vào ai, vì lúc đó người con trai cũng đổ bệnh, hai cô con gái lấy chồng, cuộc sống bấp bênh còn phải ở lại nhà cha mẹ. Cô Thuỷ đành đưa chồng về nhà, đếm từng ngày chờ chết.

“Tưởng chú không qua nổi rồi. Do não đã rất mềm và dễ tổn thương lắm. Mấy lần tay chú động đậy, lỡ va vào gần như vỡ mạch máu, có thể tử vong ngay lập tức” - cô nghẹn ngào.

Từ đó, người vợ không bao giờ dám rời mắt khỏi chồng. Mỗi lần bận chuyện lại phải cột sợi dây từ tay chú vào đầu giường giữ lại. Chú Kha nằm mãi trên giường, teo tóp dần với vô số vết lở loét trên người, lúc tỉnh lúc mê như người vô hồn.

Cô con gái út dù đã lấy chồng nhưng hoàn cảnh nghèo khó vẫn ở với ba mẹ, không đỡ đần được gì hơn.

Chú Kha giờ chỉ còn đếm từng ngày chờ được chết.

“Chỉ mong có chút tiền bỏ não vô lại, để khi mất cơ thể cũng đầy đủ…”

Đều đặn, 5 giờ sáng, cô Thuỷ lại phải thức dậy. Công việc đầu tiên là nấu chút cháo rồi chăm chút đút từng muỗng cho chồng. Chú khó ăn, thức ăn vào miệng có khi không nuốt nỗi, nhiều lần cô xót đến bật khóc.

Rồi thì cho chú đi vệ sinh, tắm rửa bằng nước ấm,… Cứ thế, hết một ngày. Ban đêm, cô Thuỷ lại trải chiếc ghế xếp nằm cạnh, “để có lỡ có chuyện gì cô còn xử lí kịp”. Công việc “bắt đắc dĩ” ấy dẫu nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ cô than phiền.

“Gặp hoàn cảnh như cô thì người vợ nào cũng làm vậy thôi. Vì cái duyên nợ mà, nên bẩn hay khổ mấy cũng làm được, cô chẳng ngại gì cả”.

Cô Thủy nghẹn ngào mỗi lần nghĩ tới hoàn cảnh gia đình.

Ngày trước, dư dả chút thời gian, cô lại nhận trông thêm mấy đứa trẻ với mức lương 3 triệu/tháng. Nhưng giờ đây, phải ở nhà túc trực chăm sóc chồng thì mọi chi phí sinh hoạt gần như rơi vào kiệt quệ.

“Nhiều lúc chú nói rằng chú còn khỏe, nếu cô nằm xuống còn lo được, chứ giờ con gái có chồng, con trai không ổn định, chú nằm một chỗ thì ai lo cho cô. Chú tủi hoài, cứ mong sao cho đi với ông bà luôn chứ làm khổ bà quá”.

Lần nào chú khóc, cô Thủy lại gắng động viên, thì thầm vào tai chồng: “Ông cứ yên tâm, dù có thế nào xảy ra, tui sẽ lo chu toàn cho ông mà…”.

Một ngày cứ thế trôi qua. Người phụ nữ héo hắt, ngồi thu mình quanh bốn góc giường, ánh mắt dần mờ xa xăm mỗi khi nghĩ về tương lai. “Mình nghèo không có tiền chạy chữa nữa đâu. Giờ chỉ mong chú khỏe hơn, còn không thì có chút tiền đưa chú đi bệnh viện bỏ não vô trở lại để lỡ chú có ra đi thì cơ thể cũng đầy đủ…”, rồi cô bật khóc.

Căn nhà tềnh toàng che nắng che mưa giờ đây càng trở nên u buồn hơn.

Với mong muốn đỡ đần khó khăn cho gia đình cũng như để kéo dài sự sống cho chú Kha, rất mong sự chung tay san sẻ của các nhà hảo tâm. Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ: Lê Thị Thủy, thôn 5, Trà Lang - Tam Ngoc - Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Số điện thoại liên lạc: 01662 970 402, gặp chị Nhiên (con gái út của cô Thuỷ). Hoặc STK: 4201205074694, Đoàn Thị Nhiên, ngân hàng Agribank TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tác giả: Huân Bùi

Nguồn tin: saostar.vn

  Từ khóa: bệnh tật ,quảng nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP