Trong tỉnh

Người Thái ở Nghệ An hiến tế trâu trong đám tang

Để cúng tế người chết, người Thái một số huyện miền núi Nghệ An có tục hiến trâu. Sau khi làm lễ, con trâu bị hạ sát bằng rìu. Thịt trâu sẽ bày mâm cúng và để “nuôi khách” là những người đến dự đám tang.

Cảnh làm lễ sau khi trâu bị hạ sát trong đám tang người Thái ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thái Tâm

Ông Lương Viết Thoại ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Ngoài viết văn, ông còn nghiên cứu, sưu tầm về phong tục tập quán người bản địa và đã xuất bản một số sách về mảng này. Trong những sưu tầm của mình, ông dành sự quan tâm nhiều đến phong tục ma chay của cộng đồng người Thái địa phương. Một trong những nét đáng chú ý là tục hiến trâu cho người chết.

Ông Thoại với bút danh Thái Tâm chia sẻ rằng: Tang lễ là một biểu hiện rõ nhất cho những quan niệm tâm linh của người Thái. Ở huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, những địa phương có đông đảo người Thái cư ngụ. Đámg tang thường diễn ra trong khoảng 3 ngày với nhiều nghi lễ phức tạp. Hiến tế trâu là một việc không thể thiếu trong tang lễ.

Tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cũng có tục tế trâu. Sau khi có người qua đời, người ta liền nghĩ ngay đến việc phải kiếm một con trâu để cúng tế.

Theo tục lệ từ lâu năm của cư dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, tiền mua quan tài và trâu thường do người dân trong cộng đồng đóng góp theo quy ước chung.

Con trâu được chọn thường là trâu đực đen. Lớn bé tùy theo thời giá và lượng tiền thu được từ dân bản. Trâu được đưa về và sẽ hạ sát vào buổi chiều ngày thứ hai của tang lễ. Lúc này thầy mo chủ lễ bắt đầu phần lễ tiễn linh hồn người chết về trời. Trước khi hạ sát trâu, những người là con hoặc là em dâu rể của người quá cố sẽ đi quanh con trâu ba vòng.

Trước khi ra tay, đồ tể khấn xin rằng: “Trâu ơi, mày có nhiệm vụ phải chở theo người vừa qua đời về trời. Mày hãy làm nhiệm vụ đi nhé” rồi. Sau đó một nhóm người sẽ mổ thịt chia thành các phần gồm thịt, da, xương để đêm hôm đó, một nhóm được phân công nấu thịt, luộc da, xương biện cỗ cho những người đến dự đám tang vào sáng hôm sau.

Khi đưa người chết về khu rừng chôn, cất 2 người được giao việc sẽ khiêng theo cái đầu trâu để vào mộ người chết.

Các chàng rể bày mâm lễ tại một đám tang ở huyện Quế Phong

Tại huyện Quỳ Châu, từ đại dịch Covid-19, một số bản đã rút ngắn đám tang xuống còn 2 ngày, nhưng tục hiến trâu vẫn được giữ, dù có những e ngại rằng làm vậy là không văn minh, là sát sinh. Những người phản đối cho rằng, trâu rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Nhiều nơi, trâu vẫn phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp.

Cũng có ý kiến cho rằng việc hiến tế trâu là tập tục lâu đời khó bãi bỏ với lại, người dự tang lễ thường lên đến hàng trăm. Một con trâu cũng chỉ đủ phục vụ cho một đám ma.

Ông Lương Viết Thoại thì giải thích về tục hiến tế trâu trong tang lễ của người Thái dưới góc nhìn văn hóa. Theo quan niệm của người Thái thì “chết chưa phải là hết”. Cái chết chỉ là khi người ta hết hạn theo nhiệm vụ của Then cho phép ở trần gian. Chết thì về Mường Then (mường trời). Ở đó người ta cũng lao động, mưu sinh. Vì thế phải có con trâu để cày kéo. Hiến tế trâu là để người ta khi lên Mường Then cẫn có vật nuôi, cày ruộng, kéo gỗ.

Một con trâu trong lễ hiến tế ở lễ hội Đền Chín Gian, huyện Quế Phong

Ông Thoại cho biết thêm: Đối với người Thái, trâu còn có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh đối với dân bản, dân mường. Theo truyền thuyết “Lai Lông Mương” của người Thái miền Tây Nghệ An nói về thuở trời đất mới phân chia. Lúc ấy Trời cho loài người xuống hạ giới thì trâu cũng xin theo xuống giúp người làm ruộng. Người không quên công lao của trâu, chăm sóc vật nuôi này rất cẩn thận. Hàng năm, người còn làm lễ cúng vía cho trâu bằng một mâm cỗ tết riêng, với quan niệm là cảm ơn con trâu suốt một năm qua đã không quản giúp con người làm ra bao nhiêu là của cải, đồng thời cúng vía để giúp cho con trâu được khỏe mạnh, sinh sản tốt, tránh được rủi ro như dịch bệnh, rắn cắn, ngã vách đá hoặc đi ăn bị lạc không biết đường về... Tình cảm giữa người và trâu lúc sống đã vậy, lúc chết cũng vẫn gắn bó bên nhau.

Hiến tế trâu, còn gọi là chém trâu cũng từng xuất hiện trong một số lễ hội như đền Chín Gian ở huyện Quế Phong hay lễ hội Pu Nhà Thầu (huyện Kỳ Sơn).

Tác giả: Hữu Vi

Nguồn tin: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP