Đó là hoàn cảnh của cô Đặng Thị Phượng (sinh năm 1963 ở thôn Lộc Thuận, xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Cô Phượng bị ung thư vú di căn xương đang rất cần tiền điều trị.
Căn bệnh quái ác có thể đã có khả năng cứu được nếu cô Phượng phát hiện ra sớm hơn. Mầm bệnh ủ quá lâu, không có triệu chứng khác thường, chỉ đến khi vô tình trong một lần lao động, va chạm vào khối u và đi khám, cô mới biết mình mắc bệnh hiểm nghèo.
Cô Phượng còn mẹ già 80 tuổi phải nhờ hàng xóm trông giúp mỗi khi đi chữa bệnh. |
Cách đây 1 năm, khi đang cuốc đất ở ruộng, vô tình cán cuốc đập vào ngực phải, lúc đó cảm giác đau điếng người. Sờ thấy có một cục cứng, cô Phượng chỉ nghĩ đó là do va đập. Cô dùng đủ thứ dầu nóng để xoa bóp nhưng cả tuần sau cũng không giảm bớt mà có dấu hiệu tăng và nóng sốt.
Bệnh viện Quy Nhơn nghi ung thư chứ không phải do tác động ngoại lực và chuyển cô đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Sau khi cô Phượng được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u mới biết ung thư vú đã di căn đến xương.
Suốt nhiều tháng ròng, cô Phượng được truyền nhiều đợt hóa chất và tia xạ để bảo toàn tính mạng. Thời gian sống ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Từ một người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày, cô Phượng không còn thời gian kiếm tiền, sức khỏe suy giảm, kinh tế kiệt quệ.
Cả gia tài của hai mẹ con vỏn vẹn 1,5 sào ruộng cấy, ngoài lúc làm việc nhà, cô nhận đi làm cỏ thuê và những việc lặt vặt để kiếm thêm chút ít trang trải cuộc sống. Hai mẹ con ăn uống tằn tiện, chắt bóp từng đồng bạc lẻ. Cứ ngỡ đó là số tiền sau này lo cho mẹ già, ngờ đâu cô Phượng lại là người sử dụng trước.
Cô Phượng bên người mẹ già yếu của mình |
Đơn xin hỗ trợ của cô Phượng |
Số tiền 10 triệu đồng cóp nhặt trong nhiều năm qua không đủ để lo cho những chi phí chữa bệnh đắt đỏ. Có những lúc túng quẫn quá, cô nghĩ sẽ bỏ cuộc vì không biết sẽ kiếm đâu ra tiền. Nhưng nghĩ cảnh mẹ già gần 80 tuổi không người chăm sóc, cô Phượng lại cố gắng vay mượn hy vọng mình không ra đi trước mẹ. Số nợ hiện lên tới 70 triệu đồng và khó khăn trước mắt là không còn tiền để kéo dài sự sống.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Phượng buồn rầu cho biết: “Tôi lúc này không biết tiếp tục hay buông, nghĩ hoài cũng không có cách nào thoát. Phải chi tôi có một mình thì dễ, đằng này còn mẹ già yếu. Nhiều lúc ở bệnh viện mà thương mẹ ở nhà một mình, chân tay đau nhức, ăn uống phải nhờ hàng xóm. Tôi chỉ sợ mình ra đi trước mẹ thì khổ thân mẹ già. Mà tôi rầu lắm, nhiều khi ở bệnh viện vừa đau đớn vừa tủi thân, lúc nằm một chỗ phải nhờ chị em trong phòng giúp đỡ”.
Mọi đóng góp có thể gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Cô Đặng Thị Phượng, thôn Lộc Thuận, xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. ĐT: 0989 699 865 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet