Nói về nhạc sĩ Trần Vương là nói về một con người đa tài, ông viết báo, sáng tác truyện ngắn, ký, viết sử địa phương, nhưng thành công nhất vẫn là lĩnh vực âm nhạc.
Nhạc sĩ Trần Vương (1939 - 2021) |
Cuộc đời nhạc sĩ Trần Vương trải qua những năm chống Mỹ gian khổ, thời kỳ bao cấp với muôn vàn khó khăn và thời kỳ đổi mới. Dù trong hoàn cảnh nào ông cũng sống hết mình với niềm đam mê văn học nghệ thuật. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp khóa 1 - Trường Mỹ thuật Âm nhạc, Trần Vương về giảng dạy âm nhạc tại Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An. Năm 1980, ông chuyển sang làm ở Phòng Văn hóa huyện Con Cuông. Sau một thời gian nỗ lực sáng tác và hoạt động phong trào, Trần Vương được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông trong nhiều năm.
“Cây đa Cồn Chùa” có thể xem là một trong những sáng tác âm nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Trần Vương. Bài hát ca ngợi về chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, thành lập tháng 3/1931 ở Môn Sơn, Con Cuông. Trong ca khúc này, ông đã sử dụng điệu lăm, giai điệu dân ca Thái hàng tổng, để sáng tác vì tính giai điệu cao. Lúc đầu, ca khúc được viết bằng lời Việt, rất ít bà con yêu thích, sau đó nhạc sĩ Lê Hoàng và một vài người khác dịch sang tiếng Thái nên đã nhanh chóng phổ biến trong các bản làng vùng miền núi Nghệ An.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Trần Vương để lại hơn 30 ca khúc về mảnh đất thượng ngàn Con Cuông. Như ông chia sẻ khi còn sống, mỗi ca khúc là một gợi nhớ về những địa điểm văn hóa, lịch sử, là những kỷ niệm được cất lên bằng giai điệu về Con Cuông kiên cường, anh dũng trong những năm tháng chiến tranh và xây dựng đời sống mới. Trong số đó, có nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân như: “Bài ca bia Ma Nhai”, “Cây đa Cồn Chùa”, “Hào khí Trà Lân”, “Pù Mát vào xuân”, “Du thuyền thượng nguồn sông Giăng”, “Cây khèn bè”, “Tình ca sông Lam”, “Cô gái về bản”, “Đêm rượu cần”, “Nam Đàn trong trái tim tôi”, “Phố huyện Con Cuông”, “Ngẫu hứng cầu Giăng”, “Đi xao mư ni”...
Ông đã sáng tác ca khúc về 13 xã, thị trấn ở Con Cuông, sau này ông sắp xếp và liên kết lại thành “Liên khúc Con Cuông”. Một trong những bài hát hay nhất của ông về Con Cuông là ca khúc “Tình ca Con Cuông”, có thể xem đây là bản Con Cuông ca, được đài Truyền thanh Truyền hình huyện lấy làm nhạc hiệu. Các bài hát về Con Cuông đã được in trong 2 tập nhạc “Trăng ngàn” và “Rừng xuân nhớ Bác”. Nhiều ca khúc được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Gần như đi đến bản làng nào là Trần Vương có ca khúc về bản làng đó.
Có thể nói, Trần Vương là người nhạc sĩ của bản làng, của cuộc sống chân chất thôn dã. Suốt đời ông gắn với những suối sâu, đèo cao, gắn với cuộc sống người dân ở những bản làng xa xôi, với những giá trị văn hóa độc đáo. Ca khúc của Trần Vương luôn gắn với những giai điệu của núi rừng Con Cuông và miền Tây xứ Nghệ, với những điệu khắp, điệu lăm, nhuôn, xuối dường...
Đối với nhạc sĩ Trần Vương, nghệ thuật phải gắn với thực tiễn cuộc sống muôn màu của những người lao động, với văn hóa cộng đồng nên khi sáng tác một ca khúc nào đó, dù đề tài đơn giản thì ông cũng phải lặn lội tìm hiểu đến “chân tơ kẽ tóc”. Nhạc sĩ Trần Vương là người khiêm nhường, ham học hỏi và biết lắng nghe. Nhạc sĩ Lê Hoàng, người học trò, người bạn vong niên với ông kể: Ca khúc “Em đi chăm vườn rừng” lúc đầu có tên là “Em đi chăm nương rẫy”, tôi góp ý với nhạc sĩ: “Thầy ơi, thời nay Đảng, Nhà nước không còn khuyến khích phát nương làm rẫy nữa mà phải thâm canh, trồng rừng, nên đặt tên ca khúc như vậy là không hợp với thời đại, thầy nên đổi tên khác thì hay hơn. Nhạc sĩ Trần Vương rất phấn khởi trước góp ý ấy của tôi. Sau một hồi thảo luận, chúng tôi thống nhất đặt tên ca khúc là “Em đi chăm vườn rừng”.
Nhạc sĩ Lê Hoàng tâm sự tiếp: “Tôi và nhạc sĩ Trần Vương gắn bó với nhau đã lâu, chúng tôi cùng trải qua một thời vất vả, gian khó mà hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ngày ấy, khi có sáng tác mới là nhạc sĩ Vương đem cho tôi hát, tôi cũng là người dịch sang tiếng Thái những ca khúc của nhạc sĩ. Chúng tôi đã cùng nhau đi dự không biết bao nhiêu là cuộc thi cấp trung ương, cấp tỉnh, trải qua hàng trăm buổi buổi diễn khắp nơi trong huyện, trong tỉnh. Tôi còn nhớ, ngày xưa Phòng Văn hóa huyện có một cái đài cassette có thể thu âm, sau khi sáng tác, nhạc sĩ đưa cho chúng tôi tập xong thì ông đem thu âm tác phẩm vào băng. Nhạc cụ là kèn, là trống, là đàn ghi ta rất thô sơ. Băng sẽ được phát trong những ngày lễ hội, đại hội hay đón tiếp các bạn Lào sang thăm...”.
Ngoài sáng tác âm nhạc, Trần Vương còn là tác giả của tập truyện và ký “Đóa hoa rừng” (Nxb Nghệ An, 2004). Tác phẩm ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe, chuyện người thật, việc thật của những nhà giáo ngày ngày lặng thầm gieo từng con chữ nơi vùng cao heo hút. Bút ký “Đóa hoa rừng”, viết về cô Lương Thị Hiền, một cô giáo dành tất cả tình yêu thương cho những đứa trẻ nghèo vùng cao, đã đạt giải Nhì cuộc thi viết về gương những người yêu trẻ do Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng. Hồi ký “Bác về thăm trường miền núi chúng tôi” ghi lại lời kể của cố nhà giáo Vi Văn Phúc về lần đón Bác Hồ đến thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An năm 1961.
Nhạc sĩ Trần Vương cũng là người có công biên soạn nhiều cuốn sách quý như: “Con Cuông - Vùng sinh thái hấp dẫn, di tích độc đáo”; “Lịch sử về Con Cuông, cửa ngõ miền Tây Nam xứ Nghệ”; “Lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông”. Đặc biệt, cuốn “Con Cuông - Vùng sinh thái hấp dẫn, di tích độc đáo” không chỉ có giá trị bản địa mà còn là một tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Để hoàn thành cuốn sách này, ông đã mất gần 40 năm miệt mài đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu những truyền thuyết dân gian được truyền miệng và sử sách ghi chép về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người nơi đây. Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu về danh lam, thắng cảnh, hang động, di tích kỳ thú ở huyện Con Cuông như: Cây đa Cồn Chùa, thành Trà Lân, bia Ma Nhai, eo Vực Bồng, hang Thắm Nàng Màn, suối Nước Mọc, thác Bộc Bố, khe Kèm, Cửa Rọ...
Ngoài ra, Trần Vương còn là một nhà báo với nhiều tác phẩm đăng trên các tờ báo lớn như: Nhân dân, Lao động, Nguyệt san Quân đội, Giáo dục thời đại, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Sông Lam... Nhờ một phần không nhỏ hiệu ứng từ những bài viết của ông mà Con Cuông đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh như ngày nay.
Có thể kể thêm một số giải thưởng cao quý về văn học, nghệ thuật mà ông đã đạt được, như: 4 giải Nhì trung ương cho các tác phẩm: “Cây khèn bè”, “Trăng ngàn”, “Đì xao mư ni”, “Chuyện đóa hoa rừng”, 01 giải nhì cấp tỉnh cho tác phẩm: “Chân dung Nhà giáo Ưu tú người Đan Lai”. Ghi nhận công lao đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước đã trao tặng những danh hiệu cao quý: Huy hiệu 30, 40, 45, 50, 55 năm tuổi đảng; Huy chương Chiến sĩ Văn hóa; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Dù là một nhạc sĩ khá nổi tiếng nhưng trong những năm cuối đời ông vẫn sống trong căn nhà cấp bốn cũ kĩ với đồng lương hưu ít ỏi. Vượt lên muôn vàn khó khăn về vật chất, ông đã cống hiến cho đời với một tâm hồn vô tư, thơ trẻ mà chưa bao giờ đòi hỏi. Cuộc đời của nhạc sĩ Trần Vương là một tấm gương về sự trong sáng, giản dị.
Nhạc sĩ Trần Vương đã về với đại ngàn, với sông sâu, núi thẳm mà nghe tiếng chim muông, tiếng gió ngàn réo gọi. Bản làng nhớ thương ông, những con suối vắng, những nẻo đường xa đã từng lưu dấu chân ông nhớ thương ông; những dấu chân ấy là những nốt nhạc mãi gieo vào không gian núi rừng xứ sở, gieo vào sâu thẳm lòng người. Ngày ngày, những ca khúc của nhạc sĩ Trần Vương vẫn vang vọng trong từng bản làng, trên từng đỉnh núi, vẫn ngân nga cùng tiếng suối reo.
Tác giả: Hữu Vinh
Nguồn tin: vanhoanghean.com.vn