Mảnh đời rách hồi sinh
Cái tên cô Tần “Điên” gắn với chị mấy chục năm ròng. Nhưng chị có tên đàng hoàng, một cái tên bình dị là Nguyễn Thị Tần (sn 1968, tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Cái tên cô Tần “Điên” gắn với chị mấy chục năm ròng. Nhưng chị có tên đàng hoàng, một cái tên bình dị là Nguyễn Thị Tần (sn 1968, tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Chị Tần ngồi với nỗi nhớ con.
Ngôi nhà mới khang trang ngay bên cạnh căn nhà cũ, nơi hơn 20 năm trời xảy ra đầy rẫy những bi kịch cuộc đời của người đàn bà không chồng, hay nói cách khác đầy xót xa là có nhiều người “Chồng” nhưng lại chẳng có một ai cho đúng nghĩa, người đàn bà từng một thời sinh 7 đứa con, nhưng chưa một lần được làm mẹ này vẫn sống một mình, thi thoảng nhớ con, nhớ người, nhớ một cái gì đó rất mơ hồ, xa xôi thì chị lại cười một mình. Một cái cười như để xua tan bão giông số phận bủa vây lấy chị gần nửa đời người.
Căn nhà mới, nước sơn còn mới, lại được phủ màu hồng như màu của hạnh phúc. Nhưng chị có hạnh phúc không, chị có vui vẻ không.
Hình như điều đó chưa phủ bóng xuống cuộc đời chị. Căn nhà vẫn trống hoác như căn còi tồi tàn ngày trước, ngoài chiếc bàn gãy chân, chiếc ghế băng cũng gãy chân hình như chị xin được của hàng xóm.
Hết! Trắng trơn như bàn tay người phụ nữ nửa đời người vẫn cô độc trong chính căn nhà của mình, lẻ loi như chính ngọn đèn dầu chị thắp hằng đêm để đuổi lũ người mà chẳng khác gì bầy ác thú vẫn rình rập quanh nhà để “Gửi” chị một đứa con. Trống vắng như chính tâm hồn không của cải, không mong chờ, không biết bấu víu vào đâu của chị.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới toanh thơm mùi vôi vữa mà bà con lối xóm và chính quyền địa phương chung tay xây dựng cho chị trên khoảnh đất sát bên căn chòi ngày trước, chị bảo: "Chị không còn điên nữa", không biết có phải chị nói theo cái cách của người điên nói về mình hay không, bởi chị có giấy xác nhận có dấu hiệu bị tâm thần, được hưởng trợ cấp người tâm thần mỗi tháng 180 ngàn đồng. Chị nói mình như thế. Cũng có lẽ, bởi nhìn mắt chị không còn là đôi mắt dại đi khi nhìn thấy bóng đàn ông các đây gần 4 năm về trước, cái dạo mà báo chí đổ xô lặn lội đến tìm hiểu về cuộc đời đầy bi đát của chị với 7 đứa con không biết mặt cha, và 7 đứa con mỗi đứa một phương trời.
Chị không còn điên nữa. Có lẽ thế. Bởi khi trò chuyện với chúng tôi, chị nói rõ ràng lắm, mạch lạc lắm. Đôi lúc ánh mắt còn hằn lên những nỗi niềm khôn tả về cuộc đời cơ cực của mình trong hơn 25 năm đầy bi ai ấy.
Và đôi khi, chị nhìn mông lung ra phía trước sân nhà, nơi có khoảng trống mênh mông không gì bù đắp nổi. Chị lại bảo: “Giá gì có đứa con về nó dọn nhà cho đỡ!”, rồi thở dài vì nuối tiếc, thở dài vì niềm ao ước có lẽ rất xa với mình.
Nhưng niềm ao ước của chị không phải là không thể thực hiện được, bởi trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã xác minh được lai lịch cả 7 đứa con mà chị bắt buộc phải bán đi từ lúc mới sinh ra. 2 đứa con lớn nay cũng đã trưởng thành.
Đó là 2 đứa con đầu của chị. Đứa lớn đã 25 tuổi, đứa nhỏ hơn cũng 18 tuổi. “Chúng nó về thăm mình mấy lần rồi. Đứa nào cũng khóc. Mình cũng khóc. Nhưng mình đâu có nuôi được chúng nó, giờ đâu bảo nó nuôi lại mình được!”, chị mím môi cười gượng.
Cái cười đầy cam chịu và xót xa. Hẳn là thế rồi. nhưng nếu chúng biết sự chẳng đặng đừng, bất đắc dĩ không còn sự lựa chọn nào khác mới buộc phải đưa chúng đi để lấy ít tiền, vào cái thời mà chị không tỉnh táo, chị còn đang sống giữa bầy yêu râu xanh đội lốt người chỉ chực nhảy bổ vào chị mà xâu xé, mà thỏa mãn, rồi để mặc chị bơ vơ với nỗi niềm của mình, bỏ mặc chị một mình quằn quại với những mầm sống lớn lên từng ngày trong cơ thể, phủi bỏ mọi trách nhiệm gây ra.
Nếu những đứa con chị hiểu được điều đó, chắc hẳn chúng sẽ không trách chị, không oán hờn chị, không quay mặt bỏ đi khi nhận một người mẹ nhiều tủi hờn như chị.
2 đứa con đầu là Nguyễn Trọng Thiện (SN 1989) và sau là Nguyễn Thị Thương (SN 1996) đã trưởng thành, đã quay về, nhận chị. Chị bảo chúng đi làm ở trong miền nam ấy, thi thoảng mới về thăm chị được mấy ngày rồi lại đi.
Chúng gửi tiền về cho chị. chị không nhận vì bảo chị có tiền rồi. Trong khi chị vẫn nghèo xơ xác như cái chòi năm xưa, rách xơ tướp như miếng xơ mướp hết hạn sử dụng. Nhưng chị còn có bà con lối xóm, còn họ hàng và cả chính quyền địa phương đã không bỏ rơi chị trong lúc cùng cực nhất.
Chị được một suất hộ nghèo, cộng thêm tiền trợ cấp người tâm thần, mỗi tháng cũng được mấy trăm nghìn. Coi như đủ tiền đong gạo. kiếm đồ ăn, chị hái đám rau lang ngoài vườn trồng được, mỗi ngày bán dăm ba bó kiếm 20 nghìn. Vậy là đủ. chị đâu cần gì hơn.
Ở cái xóm dựa lưng vào vách núi mà chị đang nương tựa này, đời chị coi như cũng đã an bài. An bài trong sự khó nhọc, an bài trong nỗi ám ảnh, an bài trong một hy vọng rất nhỏ là tìm thấy được 5 đứa con con lại giờ không biết đang lưu lạc ở phương trời nào nữa.
7 đứa con, đó là kết quả của những “Mối tình” ép buộc, những mối tình một đêm, những mối tình bà chị chẳng biết mặt người đàn ông của mình, những mối tình mà chị là người lĩnh hậu quả, những đứa trẻ ra đời là “Nạn nhân”.
Chị còn nhớ thời hoa niên của mình không. Mênh mông lắm, nhưng chị vẫn nhớ. Vẫn nhớ rõ mồn một như vừa xảy ra ngày hôm qua. Bởi nó đã từng ám ảnh chị ngay cả trong những giấc mơ, ngay cả trong lúc thức.
Và nó vẫn hiển hiện trước mắt chị kia, chỉ cách đó dăm bước chân nơi chỗ chị ngồi mà thôi. Đó là căn chòi không cửa ngõ, thông thống vào mỗi mùa trở gió, nơi mà hằng đêm chị oằn mình chống chịu trong tấm chăn dưới thân thể những gã đàn ông.
7 đứa con, thì 5 đứa dứt chị ngay từ khi mới lọt lòng. Có người trách chị đem bán con mình, có người thương chị nên đồng cảm với hành động của chị. Nhưng nếu họ ở trong hoàn cảnh của chị, họ sẽ làm gì. Câu hỏi ấy chẳng ai có thể trả lời được. Bán con, chẳng người mẹ nào muốn làm thế.
Nhìn chị ứa nước mắt khi nói về điều đó, có thể thấy trong lòng người đàn bà này đầy rẫy niềm ân hận. nhưng hoàn cảnh thế, chị buộc phải làm thế. Biết sao hơn được. Chuyện cứ thế trôi đi, nỗi khổ cứ thế đầy thêm, bi kịch cứ thế tiếp nối đến tận bây giờ.
25 năm bi kịch chưa dứt niềm đau trong lòng người mẹ
Hỏi chị có nhớ con không, có muốn gọi mấy đứa trở về không, chị trả lời với đôi mắt mênh mông buồn: “Sau này chúng nó nhớ sẽ về, bây giờ không có tiền, không nuôi được!”. Nghe mà không khỏi xót xa! Hơn 25 năm trời, vậy mà ngày được làm mẹ của chị chỉ từng ấy. Mỗi đứa một phương trời, chị thì ngồi trông ngóng. Cái tuổi đã ở bên kia triền dốc cuộc đời, chị còn điều gì để mà mơ ước nữa, ngoài những đứa con sẽ quay trở về.
Bây giờ phần nào đó chị đã vượt qua được những bi kịch của cuộc đời mình. Căn nhà mới được chính quyền xã cùng với bà con lối xóm và họ hàng mới xây cho, đứng tên cậu con trai đầu. Chị bảo chị chẳng có gì, căn nhà này được xây từ chính tình người ở vùng đất này, thôi thì cũng phải có cái gì để lại cho con. Chị nâng niu căn nhà như nâng niu chính mạng sống của mình vậy.
Chị quét dọn hằng ngày, chỉ một vết xước cũng làm chị xót xa. Và ngày ngày, chị ngắm nó như ngắm những đứa con của mình. Chí ít, sau những va đập và bão giông cuộc đời, chị còn một chút niềm tin, một điểm tựa sau cuối cho cuộc đời mình.
Phía sâu trong tâm hồn thăm thẳm, chắc chị cũng đã vui hơn vì mọi người không bỏ rơi chị, chính quyền không lãng quên chị. Và để chị còn được sống một cuộc sống thanh thản và bình yên những ngày tháng sau này.
Ngôi nhà của chị Tần mới xây.
Chị Nguyễn Thị Xuân, hàng xóm nhà chị Tần cho biết: “Cuộc đời cô ấy là chuỗi ngày đau khổ. ở đây ai cũng thương nhưng sức người có hạn. Từ khi cô Tần có nhà mới, cửa nẻo chắc chắn hơn, đêm đến chúng tôi cũng được tròn giấc hơn, không còn giật mình vì tiếng chó sủa hờ, tiếng bước chân những người đến tìm cô ấy nữa. Giờ chúng tôi cũng chỉ mong cô ấy có một cuộc sống tốt hơn thôi, đời cô ấy cũng khổ nhiều rồi. Người dân địa phương chúng tôi đều cầu mong cô ấy có được ngày đoàn tụ. Để một lần cô ấy có thể cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc bên những đứa con!”.
Tác giả bài viết: Tiêu Dao
Nguồn tin: Chuyên trang Phụ nữ và Đời sống