Trong tỉnh

Nghi vấn chất lượng vật liệu tại Dự án hồ chứa nước Bản Mồng

Nghi vấn tại hợp phần chính của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) quy mô 4.500 tỷ đồng, nguồn vật liệu đầu vào để xây dựng công trình không đạt như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu, khiến người dân hoài nghi về chất lượng công trình.

Công trường xây dựng khu vực thân đập chính được cho là sử dụng đá và cát từ nhiều điểm chưa được kiểm định chất lượng

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng là một trong những dự án trọng điểm của Bộ NN&PTNT, nằm trong chương trình đầu tư kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An. Dự án quy mô lớn, được Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2009 với tổng số vốn 4.500 tỷ đồng. Công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 18.871ha ven sông Hiếu, trong đó tưới tự chảy 2.713ha, còn lại tưới động lực, cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt khoảng 22m3/s.
Công trình có 4 hợp phần gồm: Hợp phần công trình đầu mối, hệ thống kênh, công trình trên kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ chứa nước Bản Mồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) làm chủ đầu tư; Hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh, công trình trên kênh kèm theo (Sở NN&PTNT tỉnh nghệ An làm chủ đầu tư); Hợp phần công trình thủy điện do Tổng Công ty Cơ điện, xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi (AGRIMECO); Hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.

Một công trình có chất lượng tốt, trước hết nguồn vật liệu đầu vào phải đạt chất lượng tốt rồi mới đến năng lực cũng như kỹ thuật của các nhà thầu và công nhân. Chính vì thế theo quy định, trước khi xây dựng công trình chủ đầu tư cần kiểm tra các mỏ cát, để xác định hàm lượng bùn, hàm lượng tạp chất hữu cơ, đường kính hạt lớn nhất; nguyên vật liệu là đá xây dựng thì cần kiểm tra độ kháng nén của đá, độ sâu tầng phủ, phân bổ tầng kẹp mềm yếu... và các mỏ vật liệu này phải được chủ đầu tư đồng ý mới được sử dụng.

Quy định là thế, nhưng theo phản ánh, tại Hợp phần công trình đầu mối, hệ thống kênh, công trình trên kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ chứa nước Bản Mồng - do Ban 4 làm chủ đầu tư có nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn nguyên liệu đầu vào. Theo đó, đá và cát được lấy ở nhiều mỏ không đạt chất lượng như Bộ NN&PTNT yêu cầu.

Ngoài ra, tại công trường cũng có thể quan sát thấy nhiều mạch nước gỉ ra từ tường bê tông của khu vực chân và thân đập dù đã đổ bê tông kiên cố, một số đất đá ngổn ngang...

Tại một trạm trộn của công trình có đến 3 màu đá khác nhau, kích thước hạt không đều, nước của trạm trộn chảy lênh láng bên cạnh sông là nguồn nước nhiều người dân sử dụng...

Để làm rõ những phản ánh trên, PV đã liên lạc và đặt lịch hẹn làm việc với chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4, tuy nhiên đều không thể liên lạc được qua điện thoại, nhắn tin, cũng như trực tiếp tại trụ sở.

Vậy có hay không việc chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng nguồn vật liệu chưa được kiểm định của ngành chức năng mà sử dụng những vật liệu trôi nổi ? Việc sử dụng như thế có ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình cũng như sự bền vững của công trình thủy lợi có những quy định nghiêm ngặt về vật liệu hay không? Nhóm PV sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc.

Tác giả: Ngô Toàn - Zen Linh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP