Ong vò vẽ được biết đến là loài ong nguy hiểm nhất thế giới, có độc tính rất cao. Người bị ong này đốt có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Thế nhưng nhộng ong vò vẽ lại không có độc và là món ăn cực kỳ bổ dưỡng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe và trị bệnh.
Vườn nuôi ong vò vẽ. |
“Đây là món ăn tuổi thơ thích nhất của mình. Vị béo ngậy của nhộng ong non khiến đám trẻ con như mình trước đây ăn bao nhiêu cũng không chán, rang lá chanh hay nấu cháo đều ngọt lịm”, chị Thanh Mai (ở Hà Nội) chia sẻ. Thấy chợ mạng rao bán nhộng ong vò vẽ, chị Mai liền đặt mua 1kg về để chế biến cho các bạn nhỏ trong nhà thưởng thức.
Không chỉ chị Mai mà ngày càng nhiều người lùng mua nhộng ong vò vẽ về chế biến thành thức ăn hàng ngày trong gia đình. Chính vì vậy mà từ lâu, người dân tại nhiều tỉnh phía Bắc đã nuôi loài động vật nguy hiểm này để lấy nhộng ong bán kiếm thêm thu nhập. Người nuôi phải đi tìm và nhân giống ong vò vẽ, xây dựng trang trại để nuôi ong vò vẽ lấy nhộng bán. Được biết, công việc này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân.
|
Tổ ong vò vẽ trên cây và khi thu hoạch. |
“Dân chúng tôi thấy người ta đi đốt trên rừng bắt nhộng vò vẽ về bán thì nhiều rồi, nhưng sống chung với ong vò vẽ như thế này thì đây mới gần đây”, ông Nguyễn Văn Thành ở xóm 2 Nghĩa Thuận, Thái Hoà (Nghệ An) chia sẻ. Hiện tại ông Thành đang sở hữu trang trại nuôi ong vò vẽ rộng hơn 500m2 được bao quanh cẩn thận, với hơn 100 tổ ong có giàn treo ngay ngắn, rất đẹp mắt.
Theo ông Thành chia sẻ, lúc đầu ông lặn lội khắp các khu rừng trong và ngoài huyện để tìm ong. Những tổ ong bằng cái chén, cái bát ăn cơm được ông cắt về nuôi, treo ở dưới tán cây bưởi, cây cam hoặc làm “nhà” cho chúng dưới tán keo quanh vườn. Sau đó, các đàn ong cứ lần lượt đến vườn nhà của ông Thành để “xây dựng tổ ấm”. Lúc đầu bắt về chỉ to hơn nắm tay, nhưng sau ba tháng chăm sóc tổ ong đã lớn hơn rất nhiều, đến kỳ thu hoạch có những tổ nặng tới 10kg, cho thu hoạch từ 1-1,5kg nhộng.
|
|
Thành phẩm nhộng ong. |
Thực tế, ong vò vẽ rất dễ nuôi bởi không cần cho ăn uống gì mà chúng tự đi kiếm mồi. Ngoài thức ăn tự nhiên, ông Thành còn mua thêm cá biển, thịt lợn về treo ở các gốc cây bổ sung thêm cho ong để mang lại lợi nhuận cao hơn. Không tốn quá nhiều công chăm sóc mà đàn ong của gia đình ông Thành vẫn cho nhộng để bán quanh năm. Khi một tổ xây được 3 tầng, ông liền cắt đi, chỉ để lại một tầng cho chúng khỏi bỏ đi. Sau đó, bầy ong sẽ lại tiếp tục đẻ trứng, xây tổ suốt bốn mùa.
Tuy vậy để cắt được tổ, những người nuôi ong như ông Thành phải hết sức cẩn thận. Bởi ong vò vẽ để yên sẽ không sao, nhưng khi đụng vào tổ của chúng, cả đàn ong 1000 con sẽ bay ra tấn công. Do đó ông Thành phải mặc quần áo bảo hộ rồi cắt tổ ong cho vào bao tải, sau đó lại treo bao tải chứa tổ ong vào chỗ cũ đợi ong kéo quân về rồi buộc tải mang về, treo vào vị trí bất kỳ ở vườn nhà.
Cứ đến mùa thu hoạch nhộng ong (tháng 6 - 8 hàng năm, vì đây là mùa ong làm tổ), các thương lái sẽ đến tận nhà thu mua với giá khoảng 200.000 đồng/kg cả vỏ, 300-400.000 đồng/kg nguyên nhộng. Vì vậy, mỗi tổ ong có thể kiếm được từ 300.000 đồng đến 1,3 triệu đồng tùy to hay nhỏ. Như gia đình ông Thành, với hơn 100 tổ ong vò vẽ nuôi trong vườn nhà, dự kiến sẽ thu về từ khoảng 60-100 triệu đồng. Công việc này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông và nhiều bà con xung quanh làng cũng làm nghề này.
|
|
Nhiều món ngon từ nhộng ong được coi là đặc sản. |
Theo anh Cường (một thương lái chuyên kinh doanh lẻ - sỉ nhộng ong), trước đây, người dân thường lấy nhộng để làm thức ăn hàng ngày và bán cho một số hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, thương lái Trung Quốc bắt đầu tìm mua với giá cao khiến nghề này phát triển. Thương lái cũng “săn lùng” nguồn hàng để bán ra thị trường và xuất sang Trung Quốc.
Tại Hà Nội, không khó để tìm được các hàng bán nhộng ong trên phố. Theo anh Cường, sau khi mua nhộng anh đóng thùng chuyển theo xe xuống dưới xuôi, nhận rồi rao bán cho khách ở các tỉnh, xuất về các cửa hàng bán đặc sản tại phố Tràng Tiền, Hàng Buồm… Anh cũng bán nhộng ong online đã nhiều năm, lượng khách thân quen rất đông. Do đặt hàng nhà anh nhiều, đã tin tin tưởng về chất lượng nên tới mùa là khách lại háo hức hỏi.
“Nhà mình phục vụ theo nhu cầu của khách, nếu khách mua cả tổ ong có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng tùy kích cỡ. Khách chỉ mua nhộng bóc nõn mình sẽ tự tay gỡ nhộng, bỏ túi hút chân không để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi chuyển tới tay khách. Nhộng ong mình bán theo trọng lượng, 400.000 đồng/kg”, anh Cường kể.
Nhộng ong có thể chế biến thành rất nhiều món đặc biệt, đầu tiên mua về sẽ trụng nhộng ong bằng nước sôi và rút phần ruột đen trong bụng chúng ra. Sau đó rửa lại bằng nước muối pha loãng cho thật sạch một lần nữa là có thể mang đi chế biến. Món được nhiều người thích nhất vẫn là nhộng rang lá chanh, chiên nước mắm hoặc nướng với lá nhàu, nhộng nấu cháo có vị ngọt ngậy, bổ dưỡng. Xác tổ ong được dùng làm vị thuốc Bắc hoặc ngâm rượu chữa các bệnh về xương cốt, rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay, nhiều nhà hàng ẩm thực đều đã đưa món cháo ong vào thực đơn để du khách thưởng thức.
Tác giả: HÀ ANH
Nguồn tin: phununews.nguoiduatin.vn