Trong tỉnh

Nghệ An: Xây dựng đô thị thông minh - nắm bắt thời cơ, phát triển bứt phá

Ưu tiên trọng tâm ứng dụng và phát triển CNTT, tạo mũi nhọn cho nền tảng xây dựng Nghệ An thành trung tâm CNTT vùng Bắc Trung Bộ, xây dựng thành công Chính quyền điện tử, đô thị thông minh (ĐTTM), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị - đó là những mục tiêu mà tỉnh Nghệ An đang nỗ lực hướng tới.

Khi CNTT là bệ đỡ

Nghệ An là địa phương nằm trong nhóm đầu của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông. Theo kết quả ứng dụng CNTT tại tỉnh này năm 2016 thì chỉ số ICT Index xếp thứ 6/63 tỉnh thành, tăng 1 bậc so với năm 2015 (7/63) và bằng bậc so với năm 2014 (6/63). Có thể nói, CNTT đã và đang được đầu tư, ứng dụng rộng rãi trong tất cả các sở ban ngành và thành phố/huyện của Nghệ An. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, thành phố của địa phương này đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, phù hợp với mục tiêu và quy hoạch đề ra, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho việc tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nghệ An

Nghệ An hướng tới điều hành giao thông bằng công nghệ thông minh (Ảnh: Trọng Đức)

Đơn cử như, đến nay Nghệ An đã có 5.659 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên hệ thống cổng dịch vụ công tỉnh Nghệ An. Việc vận hành chính thức cổng dịch vụ công của tỉnh góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình giao dịch giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, Nghệ An cũng đã thiết lập hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến gồm 26 điểm cầu, kết nối các cơ quan “đầu não” tỉnh đến 21/21 UBND cấp huyện. Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GT&VT tỉnh Nghệ An cho biết: 3 năm qua, Sở đã triển khai thực hiện chương trình quản lý ứng dụng công nghệ bản đồ số và di động trong công tác quản lý, giám sát, bảo trì đường bộ. Việc vận hành chương trình này đã giúp cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời, chính xác đồng thời có những giải pháp khắc phục, xử lý nhanh chóng, có hiệu quả.

Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu thì việc ứng dụng CNTT ở Nghệ An vẫn còn không ít những thách thức. Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ nhưng vẫn còn yếu. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và huyện, thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đạt kết quả so với quy hoạch đề ra. Đặc biệt, năng lực phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác quản trị, ra quyết định chưa được hình thành.

Công tác báo cáo số liệu còn mang tính thủ công, một phần hỗ trợ qua hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh chưa được cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu mang tính tổng hợp cao về tình hình hiện tại hoặc dự báo xu hướng của các vấn đề có phạm vi toàn tỉnh/toàn ngành để có thể nhanh chóng ra quyết định… Hơn nữa, việc sử dụng CNTT của người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công ở Nghệ An còn ít. Điều này cần phải tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn hoặc có quy định bắt buộc người dân khi sử dụng các thủ tục hành chính mà đã đưa lên dịch vụ công mức độ 3 - 4 thì phải truy cập vào trang web dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Nghệ An để thực hiện…

Nghệ An

Nghệ An hướng tới điều hành giao thông bằng công nghệ thông minh (Ảnh: Trọng Đức)

Xây dựng đề án Đô thị thông minh có tính tương tác cao

Việc xây dựng ĐTTM chính là cơ hội để Nghệ An tận dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt và nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng Nghệ An hiện đại, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Bởi vậy mà trên cơ sở những “lợi thế” sẵn có và khắc phục những điểm yếu hiện Nghệ An đang triển khai Đề án xây dựng ĐTTM giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025. Có thể nói, ĐTTM với một hạ tầng dùng chung có thể được tận dụng tối đa giữa các lĩnh vực, sẽ cho phép sự chia sẻ đầy đủ về thông tin dữ liệu giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu hiện nay của Nghệ An.

Nghệ An

Nghệ An sẽ lựa chọn triển khai đầu tiên là TP. Vinh để triển khai đề án đô thị thông minh (Ảnh: Trọng Đức).

Triển khai thành công ĐTTM đồng nghĩa với việc người dân sẽ được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như: dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe... Còn doanh nghiệp được hưởng thụ môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, sử dụng hiệu quả hạ tầng… Ông Phan Nguyên Hào – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Nghệ An cho biết, hiện Nghệ An đã hoàn thành dự thảo Đề án xây dựng ĐTTM và đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến.

Nói về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh: Việc xây dựng đề án ở đây không phải là xây dựng đề án tách biệt độc lập mà xây dựng đề án dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT đồng bộ, tích hợp và theo lộ trình lâu nay đã, đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Xây dựng Đề án ĐTTM không phải dành riêng cho một đơn vị nào, song trong quá trình thực hiện sẽ lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm và một số địa phương để ưu tiên xây dựng trước. Cụ thể, Nghệ An sẽ lựa chọn triển khai đầu tiên là TP. Vinh, tiếp đó là các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa và huyện Nam Đàn. Đối với các ngành, Nghệ An sẽ chọn lĩnh vực dịch vụ, du lịch, quy hoạch xây dựng, y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự… Thực hiện tốt đề án sẽ tạo điều kiện để Nghệ An thu hút đầu tư, du lịch... phát triển.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP