Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu đơn vị giáo dục giãn cách các khoản thu để không gây áp lực cho phụ huynh, nhất là trường hợp khó khăn. |
Nỗi lo đầu năm học mới
Chị Nguyễn Hoàng P. - có con trai lớn học tiểu học, con nhỏ học mầm non tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An – chia sẻ: Mỗi dịp năm học mới, riêng tiền sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập cho con đã tốn khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là khoản tiền “tất yếu” mà gia đình đã chuẩn bị và dự tính trước. “Điều chúng tôi lo lắng là các khoản thu theo thỏa thuận. Ví dụ như khoản tiền xã hội hóa, qua tìm hiểu thì phụ huynh tự nguyện đóng góp tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Nhưng nhiều năm qua, ai cũng ngầm hiểu là có một mức tiền tối thiểu và không ai đóng thấp hơn mức đó. Bản thân tôi cho con đi học cũng rằng mình nên có trách nhiệm góp sức, hỗ trợ với nhà trường. Quan trọng là khoản tiền đó có được chi đúng mục đích và vì học sinh hay không”, chị P. chia sẻ.
Trước đó, năm học 2019 – 2020, một số phụ huynh phản ánh việc nhà trường vận động tài trợ giáo dục hoặc các khoản tiền theo thỏa thuận, thu hộ như tiền học liệu, học tin học, STEM, học kỹ năng sống… Trong khi việc thu tiền này trên thực tế không được công khai rõ ràng, hoặc không có trong hướng dẫn nào của Bộ và của Sở GD&ĐT Nghệ An.
Đơn cử Trường Mầm non Bình Minh (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) từng bị phản ánh trong năm học 2019 - 2020 có nhiều khoản thu trái quy định, trong đó có tiền học liệu, tiền nước uống và tiền lao công. Phòng GD&ĐT Cửa Lò sau đó kiểm tra và phát hiện một số khoản thu sai quy định. Cụ thể, trường tự đặt khoản thu tiền vệ sinh, lao công; không công khai danh mục các sản phẩm, danh mục tài liệu, học liệu theo chương trình giáo dục mầm non đã được thẩm định; thu sai tiền bảo hiểm thân thể. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tự đặt ra tiền học phí, tài liệu trẻ làm quen Tiếng Anh, Giáo dục kỹ năng sống nhưng không đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan quản lý. Với những sai phạm trên, Phòng GD&ĐT Cửa Lò đã phê bình Trường Mầm non Bình Minh và yêu cầu trả lại cho phụ huynh học sinh các khoản thu sai quy định.
Tại thành phố Vinh, khoản tiền học STEM hoặc tin học được nhiều phụ huynh quan tâm và có không ít băn khoăn về số tiền học/tiết hoặc có sự chênh lệch giữa các trường. Về vấn đề này, cô Lê Thị Bắc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cửa Nam 1 chia sẻ: Nhà trường đang phối hợp với một học viện trên địa bàn đưa chương trình LEGO Education vào dạy thí điểm. Thời gian đầu, trung tâm sẽ dạy miễn phí cho học sinh mỗi lớp/1 buổi. Sau đó, nếu học sinh có nhu cầu sẽ đăng ký trên tinh thần tự nguyện với giá 35.000 đồng/buổi/em... Việc dạy học này là theo nhu cầu phụ huynh và mức phí và các trung tâm đề nghị.
Đối với môn Tin học, theo thầy Lê Văn Trung – Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) cho biết đây là nhu cầu của nhiều phụ huynh, học sinh, đặc biệt là trong xu thế hiện nay. Nhà trường đã trang bị máy móc, thiết bị đầy đủ, hiện đại bảo đảm phục vụ dạy học cho học sinh toàn trường, nhưng lại thiếu giáo viên. Vì vậy, nhà trường phải hợp đồng giáo viên để dạy học môn này, và thu tiền của học sinh để chi trả lương. Nhưng quá trình triển khai đang gặp vướng mắc nên sau đó nhà trường đã dừng thu để chờ hướng dẫn.
Trường Mầm non Bình Minh (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) từng bị phê bình vì thu sai nhiều khoản vào năm học 2019 – 2020. |
Công khai, minh bạch các khoản thu
Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, với đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, vì vậy, các em được miễn học phí và hỗ trợ tiền bán trú theo chế độ 116 của Thủ tưởng Chính phủ. Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn từng bị phản ánh về tình trạng thu không hợp lý tiền lao động, tiền quỹ trường, quỹ lớp. Dù chỉ một vài trường hợp hi hữu, song ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh đối với nhà trường.
Năm học 2020 – 2021 này, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Nghệ An, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn đã tham mưu UBND huyện ra văn bản hướng dẫn triển khai các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cho biết: Chúng tôi yêu cầu các đơn vị giáo dục thực hiện minh bạch, công khai các khoản thu chi. Đối với khoản thu theo thỏa thuận, nhà trường phải căn cứ tình hình thực tế từng địa phương, đưa ra mức thu hợp lý, không cào bằng. Về xã hội hóa nên linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp như xã hội hóa sức dân, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ. Phòng cũng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nếu có.
Để hạn chế tình trạng lạm thu, thu sai đầu năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản chấn chỉnh các khoản thu, chi. Trong đó, lưu ý các khoản đóng góp thỏa thuận gồm thu tiền dạy thêm, học thêm; Tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc trẻ vào các ngày nghỉ trong các trường mầm non công lập; Hoạt động giáo dục nghề phổ thông trong các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX; Tổ chức bán trú trong các trường mầm non, tiểu học công lập, nước uống của học sinh và tiền dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học. Các khoản đóng góp tự nguyện gồm: Tài trợ cho các cơ sở giáo dục; kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; quỹ Đoàn, Đội. Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục giãn thời gian thu, không gộp nhiều khoản thu trong 1 thời điểm, đặc biệt là với trường vùng khó khăn.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, quan điểm của Sở là quán triệt đến từng cơ sở về các khoản thu, chi theo quy định và kiểm tra nghiêm túc việc triển khai ở các nhà trường. Trong quá trình thực hiện, nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lạm thu ở các nhà trường. Đối với các khoản thu theo thỏa thuận, tự nguyện, nếu cơ sở giáo dục thực hiện thu khi chưa có sự đồng ý của phụ huynh học sinh thì phải trả lại.
Tác giả: Ngọc Sơn
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại