Trong tỉnh

Nghệ An: Thi công ẩu trên tuyến QL 46C

Thi công không có chỉ huy, sai thiết kết, mất an toàn…. Là những gì đang diễn tra tại công trình sửa chữa, nâng cấp Ql 46C đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Thời gian gần đây, Tổng cục đường bộ II đã liên tiếp tổ chức đầu tư sửa chữa các đoạn hư hỏng nền, mặt đường, lề và mương trên Ql 46C đoạn qua huyện Thanh Chương - Nghệ An. Quá trình thi công trên các gói thầu nói trên nảy sinh nhiều bất cập.

Tại gói thầu do công ty cổ phần 484 thi công đoạn km75, đi qua địa bàn xã Thanh Giang, theo ghi nhận của PV tại thời điểm có mặt, chỉ huy công trình không có mặt. Trao đổi qua điện thoại - Chỉ huy nhà thầu thừa nhận sự việc - vắng mặt tại công trình.

Phần lót mương chỉ sử dụng đá bây thay cho lớp đá 4x6cm.

Ghi nhận tại công trình khi các công nhân cùng máy móc đang tiến hành hạ cấu kiện làm mương nước, phần đáy mương đơn vị thi công sử dụng toàn bộ đá bây để lót, thay cho đá 4x6cm như thiết kế bình thường. Trả lời thắc mắc của PV, đại diện nhà thầu phân trần: "chỗ nào bùn, sục bọn anh chỉ rải đá 4x6cm, còn lại rải đá bây lót cho êm. Trường hợp rải đá 4x6cm mà cao lên 1 phân thì không thể cào xuống được… Vừa rồi, có anh Hoài Phó Cục trưởng (Cục đường bộ II - PV) với anh Hiếu lên đây bọn anh cũng đề xuất chỉ rải đá bây thôi…."

Cũng tại gói thầu này, trước đó quá trình vệ sinh mặt đường, để rải thảm đơn vị này đã dùng máy thổi bụi khiến người dân hết sức bức xúc.

"Công nghệ" vệ sinh mặt đường khiến người dân "tối tăm mặt mũi của cty CP 484.

Còn tại gói thầu do công ty cổ phần 470 thi công thuộc Km70, đi qua địa bàn xã Thanh Lâm. Cũng giống như đơn vị thầu 484, chỉ huy trưởng của công trình theo tìm hiểu là ông Đinh Viết Nam thời điểm công nhân đang đổ bể tông phần đáy không có mặt tại hiện trường. Ông Nam thừa nhận là đã về nhà ở thị trấn Thanh Chương, cách công trình khoảng 15km.

Mất an toàn tại gói thi công của Cty CP 470

Quá trình thi công tại đây cũng bộc lộ nhiều bất cập. Với hệ thống mương được đào để ghép tấm bản thành mương có chiều sâu từ 40-50cm với chiều rộng tương tự. Cùng với đó, phần lề đường cũng bị hạ thấp hơn so với mặt nền đường lên tới 30-35cm với bề rộng tầm 50cm tạo nên một khoảng trống, sâu dọc suốt đoạn đường đang thi công.

Thế nhưng, tại hiện trường đơn vị thi công không hề tiến hàng dựng cọc, giăng dây để cảnh báo an toàn. Chưa kể, việc tập kết cát, vật liệu, rồi các tấm bản không có bảo vệ, cảnh bảo rất mất an toàn đối với người tham gia giao thông.

Đáng chú ý, phần đáy mương do nhóm thợ đang thi công có dấu hiệu sai thiết kế. Theo đó, sau khi bê tông được nhóm thợ trộn cảm tính (do không có bảng cấp phối tỷ lệ) được đổ ào xuống nền đất mới được đầm sơ sài mà không có bất cứ lớp lót nào.

Phần đáy mương có dấu hiệu thi công sai thiết kế

Trả lời câu hỏi của PV về thiết kế phần đáy mương, ông Nam, khẳng định: Phần đáy mương có 2 phân vữa nghèo ở dưới và 7 phân bê tông ở trên thôi, chứ không đổ dày như các dự án khác.

Khi được phản ánh về thực trạng đổ không có phần vữa nghèo như thiết kế, ông Nam nói: "Tôi sẽ cho lột lên, bắt họ (thợ - PV) làm lại ngay vì khối lượng có đáng kể mấy đâu, tôi sẽ gọi trực tiếp cho đồng chí đang thi công ở đó…"

Vật liệu xây dựng tập kết lên cả lòng đường gây mất ATGT

Quá trình thi công các gói thầu trên đang bộc lộ vấn đề, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình trong quá trình sử dụng. Đề nghị Chủ đầu tư là Tổng cục đường bộ II, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo chất lượng công trình.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tác giả: Văn Nam

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP