Trong tỉnh

Nghệ An: Tạm dừng khai thác nước ngầm ở nơi nhà nứt, giếng cạn trơ đáy

Huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã tạm dừng khai thác nước ngầm đối với một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã Châu Hồng - nơi có hơn 100 ngôi nhà rạn nứt, gần 300 giếng cạn nước bất thường.

Chiều 15/5, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - cho biết, UBND huyện yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm tại khu vực bản Na Hiêng, Công, Na Noong, Poong (xã Châu Hồng). Thời gian tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm cho đến khi có thông báo mới.

Hố tử thần xuất hiện trong nhà dân tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp.

"Huyện giao UBND xã Châu Hồng phát thông báo này đến các tổ chức liên quan và ban cán sự các xóm, thông báo trên hệ thống loa phát thanh của UBND xã và các xóm, bản để nhân dân được biết và chấp hành. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân bơm hút, khai thác nước ngầm tại các xóm. Nếu các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục cố tình khai thác thì lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật", ông Trần Đức Lợi cho biết.

Cũng theo ông Trần Đức Lợi, sau khi sự việc xảy ra trên địa bàn xã Châu Hồng gây hoang mang cho người dân, UBND huyện Quỳ Hợp đã thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ vào cuộc tìm nguyên nhân.

"Hiện nay, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đang tiếp tục thu thập thông tin, đánh giá nguyên nhân hiện tượng bất thường xảy ra tình trạng sụt lún nhà cửa, mất nước sinh hoạt, xuất hiện hố tử thần tại xã Châu Hồng gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý người dân trong thời gian qua", ông Trần Đức Lợi chia sẻ.

Hàng trăm giếng nước tại xã Châu Hồng cạn trơ đáy.

Bên cạnh đó, UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo UBND xã Châu Hồng và các cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ sớm tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng trạm cấp nước sinh hoạt đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.

Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng - cho biết, hiện nay xã đã lập danh sách có khoảng hơn 10 hộ dân bị nứt nẻ nhà cửa khá nặng để di dời đến nơi ở mới an toàn.

"Xã đã xây dựng phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn cao; thành lập tổ giám sát tại thôn bản, cắt cử người để theo dõi thường xuyên, khi có dấu hiệu bất thường phải báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; yêu cầu người dân không tụ tập đông đúc ở những nơi có hiện tượng nứt nẻ nguy cơ mất an toàn…", ông Hóa nói.

Như Dân trí đã phản ánh, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022, có 114 ngôi nhà bị rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.

Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã hợp đồng với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, xác định rõ nguyên nhân; phát hiện, khoanh định các khu vực phát triển hang hốc karst trong đá carbonat và hầm lò khai thác; đề xuất các biện pháp phòng tránh hợp lý nhằm ngăn chặn các sự cố gây thiệt hại cho người và tài sản có thể xảy ra...

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP