Đất sụt, 273 giếng cạn trơ đáy
Hiện tượng sụt lún đất, giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy khiến hàng trăm hộ dân ở 3 bản Na Hiêng, Công, Na Noong (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) sống trong nơm nớp, lo sợ.
Lấy tay bậy chiếc nắp đậy giếng nước đã rêu phong, ông Lô Văn Minh (SN 1967, trú bản Na Hiêng) cho biết, giếng đào sâu hơn 10 mét, nay đã trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, gia đình ông phải bỏ tiền lắp đường ống dẫn nước từ khe núi về tận nhà để sử dụng.
Người dân bản Na Hiêng, xã Châu Hồng phản ánh về tình trạng đồng loạt giếng nước cạn trơ đáy |
“Các giếng nước trong bản cạn dần rồi hết sạch nước luôn. Từ ngày có bản đến nay, chưa bao giờ có hiện tượng cạn giếng. Bà con đã nhiều lần kêu lên xã, nhưng cũng không được giải thích gì”, ông Minh nói.
Toàn xã có 279 giếng bị cạn kiệt nước. Theo ông Minh, hiện tượng này bắt đầu từ tháng 1/2020 và đến nay thì xuất hiện nhiều khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Những giếng nước trơ đáy |
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa tại bản Na Hiêng, nguyên mảnh ruộng chừng 500m2 đã phải rào kín, xung quanh có biển cấm vào vì sụt lún. Ông Vi Văn Hạnh (trú bản Na Hiêng) bảo, tại ruộng này có gần chục hố sụt lún, mỗi hố có chiều rộng khoảng 7 mét, sâu khoảng hơn 2,5 mét.
“Dân chúng tôi khổ lắm, từ năm ngoái đến nay, tại đồng ruộng xuất hiện liên tiếp các hố sụt lún, sâu lắm, chúng tôi không dám đến gần ruộng của mình. Gần đây thôi lại xuất hiện thêm 2 hố sụt lún, chúng tôi rất sợ”, ông Hạnh nói.
Hố sụt liên tiếp xuất hiện ở cánh đồng bản Na Hiêng |
Ông Hạnh cho rằng hiện tượng đất sụt, nhà nứt, nước giếng cạn là do hoạt động khai thác quặng thiếc gần đó. “Khi đào sâu xuống lòng đất, người ta phải hút hết nước mới khai thác được quặng, hoặc phải hút nước lên để đãi, rửa quặng. Lúc đó, dẫn đến tình trạng nước thủy tĩnh và kết cấu trong lòng đất bị thay đổi, nên những nơi bề mặt mỏng sẽ bị sụp xuống, các mạch nước ngầm cũng bị rút hết, dẫn đến nước giếng bị cạn”, ông Hạnh giải thích.
Nhà nứt, gạch bong
Ngôi nhà của bà Sầm Thị Nga (SN 1969, bản Na Hiêng) mới được xây dựng năm 2019, tuy nhiên từ cuối năm 2021 xuất hiện những vết nứt kéo dài. Ban đầu chỉ là những ‘đường sợi chỉ’ nhưng theo thời gian, vết nứt càng rộng hơn, dài ra khiến gia đình bà rất lo lắng, bất an.
Ngôi nhà mới xây dựng của bà Nga xuất hiện vết nứt dài |
Những vết nứt càng ngày càng lớn dần khiến bà Nga vô cùng bất an |
“Chúng tôi ở trong nhà của mình nhưng rất lo sợ. Không biết nhà sập lúc nào. Mỗi ngày vết nứt càng to ra, nhiều đêm không dám nằm ngủ vì không biết nhà sập lúc nào”, bà Nga lo lắng.
Bản Na Hiêng có hơn 140 hộ dân, nhà nào cũng xuất hiện tình trạng nứt tường, nền nhà, gạch nền bong tróc nham nhở. Có những hộ tường nhà nứt toác, vết nứt rộng cả gang tay.
Nền nhà lần lượt bong tróc nham nhở tại nhà dân ở bản Na Hiêng |
Không chỉ xuất hiện vết nứt ở nhà dân mà tại các trường học trên địa bàn xã Châu Hồng cũng cùng chung cảnh ngộ. Cô Trần Thị Hòa – Hiệu trưởng trường Mầm non xã Châu Hồng chia sẻ: “Toàn trường có 207 cháu và 17 giáo viên. Có hôm cô trò đang ngủ trưa thì nghe tiếng rạn nứt của tường. Ai nấy đều rất hoang mang, lo sợ. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thì sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Nhà trường cũng đã kiến nghị lên cấp trên tu sửa để đảm bảo cuộc sống cho cô trò”.
Bức tường bị nứt toác khiến cô Hòa vô cùng hoang mang, lo sợ |
Theo lời cô Hòa, cách đây gần 1 tháng, bắt đầu xuất hiện tình trạng nứt tường, bục gạch nền nhà. Dù công tác tại trường đã 13 năm nhưng đây là lần đầu tiên cô Hòa chứng kiến cảnh mất nước sinh hoạt, tường, nền nhà liên tiếp bị rạn nứt bất thường như vậy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học.
Chưa rõ nguyên nhân?
Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, hiện tượng sụt đất bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 1/2020 và đến nay đã có 13 hố sụt lún tại các cánh đồng của xã. Các hố sụt lún có đường kính trung bình từ 2,5 - 7 m, chiều sâu 1,5 - 2,5 m. Không chỉ sụt lún, tình trạng thiếu nguồn nước ngầm vẫn diễn ra 2 năm nay, khiến ruộng lúa cạn khô, giếng sinh hoạt của dân trơ đáy.
|
Hàng trăm hộ dân ở xã Châu Hồng xuất hiện sụt lún, nứt tường, nền nhà |
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022, hàng trăm hộ dân ở 3 bản Na Hiêng, Công, Na Noong và các trường học Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn bị rạn nứt tường, nền nhà, lún móng nhà, gạch nền bong tróc. Trụ sở UBND xã vừa mới xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2020 cũng ‘chịu’ cảnh nứt tường kéo dài.
“Từ năm 2021 đến nay, UBND xã đã gửi 14 báo cáo hiện trạng lên UBND huyện, đề nghị làm rõ nguyên nhân nhưng vẫn chưa có kết quả. Với những điểm sụt lún, xã đã làm rào chắn, khoanh vùng, đặt biển cảnh báo người dân, tránh nguy hiểm. Riêng vấn đề nguồn nước sinh hoạt (do các giếng nước đột ngột mất nước, bị cạn), tỉnh cũng đã có dự án lắp đặt ống cấp nước sinh hoạt cho người dân”, ông Hóa chia sẻ.
Một điểm sụt lún được xã làm rào chắn, đặt biển cảnh báo người dân |
Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cũng cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có 11 doanh nghiệp khai thác đá và quặng thiếc, trong có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Gần đây nhất, khi quy mô khai thác có sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại hơn, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất thì xuất hiện những hiện tượng bất thường như trên.
Trong năm qua đã có nhiều đoàn công tác từ huyện, tỉnh về kiểm tra nhưng đến nay nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nói trên vẫn chưa được xác định. Mới đây nhất, ngày 19/4, đoàn công tác Thường trực huyện ủy do ông Phan Đình Đạt, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế song vẫn không có kết quả khiến người dân vô cùng bất an.
Cách điểm sụt lún không xa là những mỏ khai thác quặng thiếc |
Ông Quán Vi Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo với các Sở, ngành và UBND tỉnh về hiện tượng trên. Cũng nhiều đoàn liên ngành lên kiểm tra, tuy nhiên, nguyên nhân của những hiện tượng này vẫn chưa được tìm ra. Chúng tôi đã đang làm đề cương phê duyệt, hợp đồng thuê Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát”.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: Báo Tiền phong