Trong tỉnh

Nghệ An: Sau 2 năm phá hơn 200 ki ốt, thị xã Cửa Lò lại cho dân vào bờ biển làm du lịch kiểu tranh tre nứa lá

Cách đây 2 năm, khi chuẩn bị vào mùa du lịch, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã tập trung huy động lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ, phá bỏ hơn 200 ki ốt dịch vụ ăn uống dọc bãi biển phía Đông đường Bình Minh để kêu gọi nhà đầu tư. Đây là khu dịch vụ thu hút đông đảo du khách trong nhiều năm qua...

Cửa Lò làm du lịch kiểu phá các ki ốt rồi làm tranh tre nứa lá. Ảnh: VT

Sau 2 năm phá hơn 200 ki ốt, bãi biển Cửa Lò không có gì mới

Hiện nay, thực tế sau 2 năm, qua 2 mùa du lịch, thị xã Cửa Lò phá các ki ốt kinh doanh ăn uống ở bãi biển, hiện nhà đầu tư chẳng thấy đâu, ngược lại chính quyền các phường lại cho các hộ dân thuê mượn lại diện tích mặt biển này đưa container và tranh tre nứa lá đến đây dựng lều lán làm du lịch, gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân.

Nhiều người dân ở đây phản ánh, việc các hộ dân trước đây đang kinh doanh yên ổn, mùa du lịch khách đến Cửa Lò là đến ăn uống ở các ki ốt này, mục đích vừa hứng gió trời, ngắm sóng biển và thưởng thức các đặc sản biển… Tuy nhiên, khi chưa kêu gọi được nhà đầu tư, để có mặt bằng sạch thị xã Cửa Lò đã phá hơn 200 ki ốt này vào đúng thời điểm chuẩn bị khai trương mùa du lịch năm 2022. Nhân dân cho rằng việc phá dỡ này là quá vội vàng, lẽ ra phải để kinh doanh xong mùa du lịch thì mới phá dỡ hoặc kêu gọi nhà đầu tư vào rồi thì mới giải phóng mặt bằng thì hợp lòng dân hơn. Đằng này, khi phá xong thì hết mùa du lịch, khiến cho nhiều hộ kinh doanh ở đây hụt hẫng, rơi vào thế mất công ăn việc làm, mất thu nhập trong mùa du lịch.

Luồng, kè được huy động đến bãi biển để làm du lịch, rất dễ gây cháy nổ ở bãi biển phía Đông đường Bình Minh, phường Thu Thủy. Ảnh: VT

Theo quan sát của phóng viên, sau 2 năm phá dỡ hơn 200 ki ốt, diện tích dọc bờ biển phía Đông đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò vẫn chưa có gì thay đổi và mới mẻ. Ngược lại, bãi biển sau khi phá dỡ, dọn dẹp sạch sẽ, có mặt bằng sạch lại được chính quyền các phường cho các hộ dân thuê mượn lại làm dịch vụ vui chơi, kinh doanh ăn uống theo kiểu mùa vụ để lấy tiền xã hội hóa, gây phản cảm, bức xúc cho nhiều hộ dân.

Phá xong lại cho dân thuê mượn làm du lịch “kiểu tranh tre nứa lá”

Theo tìm hiểu, việc các hộ dân được phép ra bờ biển phía Đông đường Bình Minh kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải khát và phải đóng một khoản kinh phí nhất định là có. Sau khi có thỏa thuận với chính quyền và phải trả một khoản phí, các hộ dân ở đây đã đưa container, kè, luồng, nứa xuống bãi biển phía Đông đường Bình Mình làm lều, lán, dựng các cột bằng kè thay ô để kinh doanh, buôn bán… Việc phá các ki ốt dọc bờ biển rồi lại cho dân mượn lại dựng lều, bạt bằng tranh tre, nứa lá, container để kinh doanh, buôn bán đang rất phản cảm, khiến nhiều người không đồng tình. Bởi lẽ, việc phá đi nhằm kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng mới, khang trang hơn chưa thấy đâu, chỉ thấy dọc bờ biển toàn tranh tre, nứa lá, mùa nắng nóng dễ gây cháy nổ. Chưa nói đến việc phá các ki ốt đi, rồi lại "vẽ" ra cho dân thuê mượn làm lều lán kinh doanh nhằm lấy tiền xã hội hóa thì có đúng quy định của pháp luật?.

Để làm rõ việc quy hoạch khu bờ biển phía Đông đường Bình Minh và việc phá hơn 200 ki ốt đi rồi lại cho dân thuê lại khu vực bờ biển này để kinh doanh dịch vụ, chúng tôi đã liên lạc với ông Bùi Nguyễn Quang Tiêu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND thị xã Cửa Lò để làm việc. Tuy nhiên, ông Tiêu đã thoái thác không trả lời và đề nghị phóng viên làm văn bản gửi cho thị xã Cửa Lò để giao cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Được biết, sau khi phá xong hơn 200 ki ốt, có mặt bằng sạch, ngày 7/9/2023, UBND thị xã Cửa Lò đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh. Vị trí 1 có diện tích 60,8 ha; vị trí 2 diện tích 12,8 ha. Tính chất, chức năng của quy hoạch là khu lâm viên ven biển, khu vực tắm biển, dịch vụ du lịch biển, vui chơi giải trí, ẩm thực được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch tỉnh Nghệ An và du khách thập phương... Thế nhưng, hiện nay qua 2 năm, khu vực bãi biển phía Đông đường Bình Minh vẫn chưa được đầu tư gì, mà chỉ thấy các hộ dân ra làm lều quán tạm bợ bằng mái kè, container để kinh doanh, buôn bán.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò xác nhận: Sau khi chính quyền phá các ki ốt kinh doanh dịch vụ dọc bờ biển phía Đông đường Bình Minh, trong khi chờ các nhà đầu tư vào quy hoạch, chính quyền có tạo điều kiện cho một số hộ dân vào làm các dịch vụ checkin, bán nước giải khát dọc bờ biển, vừa có dịch vụ phục vụ du khách, vừa có thu nhập cho bà con. Các dịch vụ này chỉ hoạt động năm một, khi nào nhà đầu tư vào thì thị xã Cửa Lò và phường sẽ thu hồi không phải đền bù, giải phóng gì cả.

Bãi biển được chính quyền dọn dẹp, phá dỡ các ki ốt, rồi cho các hộ dân thuê lấy tiền làm du lịch mùa vụ. Ảnh: VT

Trước đây, trên địa bàn phường có hơn 100 ki ốt dọc bãi biển phải phá dỡ, bỏ đi để kêu gọi nhà đầu tư vào làm khang trang bờ biển, thu hút khách du lịch. Các hộ dân đang kinh doanh ở các ki ốt phải di chuyển ra phía Tây đường Bình Minh để xây dựng lại nhà hàng kinh doanh, buôn bán.

Còn phía Đông đường Bình Minh sau khi tháo dỡ, thị xã Cửa Lò đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh. Hiện vẫn chưa có nhà đầu tư vào thực hiện dự án như quy hoạch, do đó vào mùa du lịch, chính quyền mới thỏa thuận với các hộ dân cho thuê mượn để kinh doanh dịch vụ theo năm một. Năm tiếp theo mà chưa đấu thầu, chưa có nhà đầu tư thì các hộ dân vẫn tiếp tục kinh doanh. Tiền thu được của các hộ dân là tiền xã hội hóa nộp vào ngân sách Nhà nước để làm vệ sinh, chỉnh trang đô thị… Việc cho các hộ dân được kinh doanh dọc bờ biển phía Đông đường Bình Minh làm theo các quy định từ thị xã Cửa Lò xuống đến phường Thu Thủy. Số tiền thu đối với các hộ kinh doanh là bao nhiêu thì ông Phạm Thanh Hải không tiết lộ.

Một số hình ảnh ghi nhận tại bãi biển Cửa Lò, phía Đông đường Bình Minh sau khi tháo dỡ các ki ốt:

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP