Một khoảng rừng giàu với các tán cây sa mu thuộc rừng phòng hộ địa bàn xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: P.V |
Nghệ An được biết đến là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với 1.160.242,4 ha rừng và đất lâm nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Nghệ An trong những năm qua luôn được chú trọng, tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng từ giữa năm 2016 ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, việc giải quyết những vụ việc có tính chất tồn đọng vẫn tiếp tục phải thực hiện. |
Vụ chặt phá rừng phòng hộ ở huyện Tương Dương, được được đoàn liên ngành của huyện phát hiện từ tháng 2/2017; xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền, có độ cao trung bình từ 1.400m đến 1.500m so với mực nước biển. Địa bàn hai xã này trong những năm qua đã từng xẩy ra những vụ việc nổi cộm liên quan đến hành vi chặt phá lâm sản trái pháp luật. Trong đó điển hình là vụ việc lâm tặc đốn hạ 49 cây pơ mu đã được lực lượng chức năng làm rõ trong năm 2014.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Tương Dương thực hiện kiểm đếm, thu hồi tang vật để phục vụ công tác điều tra tại xã Tam Hợp. Ảnh: P.V |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Tương Dương đã kịp thời báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, trong tháng 3/2017, Thường trực Huyện ủy Tương Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức mở rộng điều tra trên toàn tuyến biên giới Việt Lào thuộc địa bàn xã Tam Hợp và xã Lưu Kiền. Ngày 27/3/2017, Công an huyện Tương Dương đã ra Quyết định số 41 khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng.
Mở rộng điều tra, các lực lượng liên ngành đã xác định tổng số lượng gỗ bị chặt hạ gần 300m3. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy, các cây đã bị chặt hạ hầu hết vẫn chưa được đưa ra khỏi rừng, có một số cây tụt rơi xuống khe sâu, có một số rỗng ruột; và tất cả đều trong tình trạng bị rữa mục thân, vỏ; các gốc cây bị đốn hạ nay đã có cây cối và lớp thực bì bao phủ. Cùng với các lối vận chuyển gỗ trên sườn núi mà đối tượng vi phạm tạo nên để trượt gỗ đã bị bùn đá, cây cối lấp đầy; lực lượng liên ngành xác định, đây không phải là một vụ chặt phá rừng mới; mà xẩy ra trước thời điểm thực hiện đóng cửa rừng, khoảng vài năm trước đây.
Một gốc pơ mu đã bị đốn hạ từ vài năm trước tại rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Lưu Kiền. Ảnh: P.V |
Cũng thời điểm từ tháng 2/2017, tại huyện Quỳ Hợp, cơ quan chức năng đã phát hiện hiện tượng người dân các xã Nam Sơn đốt, phát rừng trái phép trên diện tích được Nhà nước giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Về bản chất của hoạt động đốt, phát rừng ở xã Nam Sơn, là nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ rừng tự nhiên sản xuất sang trồng rừng nguyên liệu.
Với chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy và UBND huyện Quỳ Hợp đã giao lực lượng chức năng trên địa bàn nhanh chóng vào cuộc. Qua xác minh, đã xác định diện tích rừng bị đốt, phát có trạng thái chủ yếu là rừng tự nhiên phục hồi, thuộc nhóm IIB với các loại cây chủ yếu là: ràng ràng, dẻ, ba soi, tre, nứa… Bên cạnh đó, đã xác định được đối tượng vi phạm, với tổng số 16 hộ dân đều cư trú trên địa bàn xã Nam Sơn.
Còn tại huyện Tân Kỳ, từ cuối năm 2014, trên vùng giáp ranh giữa huyện này với huyện Yên Thành, thuộc địa bàn xã Kỳ Tân đã xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ. Riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Tân Kỳ đã kiểm tra xác định có nhiều hộ dân các xã Tây Thành, Quang Thành (Yên Thành) đã lén lút sang địa bàn xã Kỳ Tân xâm canh đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ quản lý, bảo vệ.
Ngày 26/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn đồng thời tổ chức 3 phiên tòa xét xử công khai các đối tượng vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Tại các phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn thừa nhận về hành vi phạm tội của mình. Tòa án nhân dân huyên Kỳ Sơn đã tuyên phạt 9 bị cáo từ 7 đến 24 tháng tù; buộc bồi thường các thiệt hại đã gây ra. |
Riêng với các vụ việc vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại hai xã Na Ngoi và Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố 4 vụ án với 12 bị can; trong đó ở Na Ngoi có 1 vụ, 1 bị can, Nậm Càn có 3 vụ, 11 bị can. Sau quá trình điều tra làm rõ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã chuyển 3 vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân huyện để truy tố các đối tượng có hành vi vi phạm ra trước pháp luật.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử về vụ phá rừng tại Kỳ Sơn ngày 27/9/2017. Ảnh: P.V |
Như vậy là chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến này, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp, các ngành có liên quan đã liên tục xử lý quyết liệt các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đây là những động thái hết sức chủ động, cần thiết nhằm thực hiện tốt công cuộc bảo vệ và phát triển rừng, gìn giữ an ninh trật tự trên toàn địa bàn tỉnh.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Nghệ An