Trong tỉnh

Nghệ An nổi bật trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) được cấp ủy, chính quyền Nghệ An xác định rõ ngay từ đầu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và ưu tiên mọi nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng NTM. Từ đó, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới và đi vào chiều sâu.

Nhìn lại chặng đường suốt thời gian thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hẳn trong mỗi người dân Nghệ An đều cảm nhận rõ những đổi thay kỳ diệu ngay trong từng gia đình, từng ngõ xóm đến cộng đồng dân cư. Sự thay đổi đó được kết tinh từ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân. Tất cả đều hướng đến cốt lõi là dành những giá trị tốt đẹp nhất cho người dân.

Nông thôn mới góp phần đưa diện mạo nông thôn đổi thay.

Từ nền móng có được, năm 2023 UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, thường xuyên bám sát, kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại cơ bản đã được xóa nhòa, thay vào đó là sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực cao độ của nhiều địa phương, cứ thế từng bước gây dựng, vun đắp Nghệ An thành hình mẫu nông thôn mới trên phạm vi cả nước.

Trong toàn cảnh bức tranh nông thôn mới, “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vẫn là điểm sáng nổi bật. Nghệ An triển khai có hiệu quả, có điểm nhấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... “Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp” vẫn là nội dung mang tính trọng tâm, cốt lõi được các cấp, ngành thực hiện xuyên suốt, đồng bộ trong năm 2023, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2023 là 40,5 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 – 1,5%; có 212 thôn/bản đạt chuẩn NTM; có 485 sản phẩm được công nhận OCOP…

Ước lũy kế kết quả thực hiện trong năm 2023, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,61%); có 88 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 27,59%); có 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 3,76%); có 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (thành phố Vinh, thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu, Hưng Nguyên); bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17 tiêu chí/xã.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh Nghệ An dự kiến đạt 7 -7,3%, thu ngân sách ước đạt 17.771 tỷ đồng. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,55%…

Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt chiếm tỷ lệ cao nhưng có xu hướng giảm dần diện tích nhưng tăng nhanh năng suất, hiệu quả kinh tế thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Trên địa bàn Nghệ An đã hình thành nhiều vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung ứng dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, trồng cam xã Đoài, bí xanh, cà chua, rau xanh, lợn, gà...

Song song với nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu, ngành Nông nghiệp Nghệ An cũng chủ động tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời tích cực khâu nối, thu hút doanh nghiệp đầu tư gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ và chế biến sâu nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm và khai thác tối đa tiềm năng của đất.

Để NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An trở nên toàn diện, điều cần đạt trước tiên là quá trình xây dựng thôn bản trở thành nét đặc trưng về NTM của từng địa phương cụ thể. Xác định rõ điều đó, các cấp chính quyền đã tập trung thực hiện tốt quyết định 1541/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 của UBND tỉnh về xây dựng các tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM, vườn chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.

Nhìn chung bộ mặt của các thôn bản đã thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Trong tháng 11/2023, tổng số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM toàn tỉnh đạt 197 thôn, bản. Dự kiến hết năm 2023 con số sẽ lên 212 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nâng tầm giá trị nông sản.


Nói về sự nhập cuộc của người dân trên tiến trình xây dựng NTM và cùng đồng hành với cả hệ thống chính trị, ông Nguyễn Văn An – cư dân thôn 2, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hồ hởi cho biết: “Người dân chính là chủ thể và trực tiếp thụ hưởng thành quả của chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, chúng tôi tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, phục vụ việc đi lại, sản xuất”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tin rằng, các xã được chọn sẽ “về đích” NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đúng hẹn. Đây sẽ là nền tảng để các địa phương phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần thành công trên lộ trình xây dựng NTM của tỉnh Nghệ An theo đúng kế hoạch.

Tác giả: Trần Tú

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP