Trong tỉnh

Nghệ An: Những hệ lụy từ việc xây dựng thủy điện tràn lan

Đã nhiều năm nay tại Nghệ An mới xảy ra hiện tượng lụt lớn như vừa qua. Ngoài tác nhân là các cơn mưa lớn kéo dài do cơn bão số 4 gây ra, thì một phần không nhỏ là do xả lũ của các đập thủy điện, gây thiệt hại lớn đến tài sản, tính mạng cũng như cuộc sống của nhân dân địa phương.

Nhiều huyện bị ngập nặng

Mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương bị ngập nặng, chia cắt trên diện rộng do các cơn mưa kéo dài từ ngày 16/8 đến ngày 17/8/2018 với lượng mưa trung bình từ 100-300mm gây thiệt hại lớn đến người dân.

Hậu quả do lũ lụt gây ra tính sơ bộ tạm thời trên địa bàn toàn tỉnh có 6 người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, trải dài trên một diện rộng từ huyện Nghĩa Đàn, Qùy Hợp, Anh Sơn, Con Cuông cho đến Kỳ Sơn. Ngay cả một thị trấn vùng cao như thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cũng bị ngập sâu đến hàng mét.

Bão số 4 khiến nhiều nhiều miền Tây Nghệ An bị ngập nặng, giao thông chia cắt gây thiệt hại về người và tài sản

Các huyện phải huy động toàn lực lượng để di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ gia đình như huyện Kỳ Sơn phải di dời 103 hộ, Tương Dương di dời khẩn cấp 8 nhà, Qùy Hợp 76 hộ, Con Cuông 50 hộ… Mưa lũ cũng khiến 1928 nhà ở các huyện trên bị ngập sâu. Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, thậm chí bị chia cắt như quốc lộ 48 đoạn qua xã Nghĩa Xuân, Qùy Hợp, hay ở xã Lạng Khê huyện Con Cuông. Nhiều đoạn đường bị sạt lở, xói mòn các phương tiện không đi lại được. Nhiều tài sản có giá trị của nhân dân trên địa bàn bị lũ cuốn trôi, gây thiệt hại lớn cho cuộc sống bà con nơi đây.

Đâu là nguyên nhân?

Nghịch lý từ việc xây dựng thủy điện tràn lan và hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính, không tính toán về mặt thủy lợi dẫn đến những hệ lụy khôn lường của việc xả lũ?.

Theo Đài khí tượng thủy văn miền trung, lượng mưa do cơn bão số 4 gây ra trên địa bàn Nghệ An trung bình từ 100-300mm. Lượng mưa này không lớn hơn các năm trước là bao. Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng lũ lụt, ngập sâu trên diện rộng như vậy?.

Ảnh hưởng từ bão số 4 và các nhà máy thủy điện xả lũ khiến cho nhiều huyện vùng hạ lưu sông Lam bị ngập trong nước

Trong một thời gian ngắn Nghệ An phải gánh chịu hai cơn bão liên tiếp, bão số 3 và số 4. Sau cơn bão số 3 lượng nước trên các sông trên địa bàn dâng cao. Chỉ một thời gian ngắn lại tiếp tục phải gánh chịu cơn bão số 4. Bão số 4 đã gây ra các cơn mưa to và rất to trên diện rộng, kéo dài từ ngày 16/8 đến ngày 17/8, khiến mực nước trên các con suối, khe đâng cao chảy xiết đổ về sông.

Bên cạnh đó các đập thủy điện lại thi nhau xả lũ, khiến các con sông chảy cuồn cuộn gây lũ lụt chỉ trong một thời gian ngắn. Điển hình là thủy điện Bản Vẽ. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến chiều tối ngày 18/8, các đập thủy điện vẫn đang trong quá trình vận hành xả lũ. Tại hồ thủy điện Bản vẽ trên địa bàn huyện Tương Dương thì mực nước thượng lưu lúc 16h45 ngày 18/8 đạt 198,67/200,0m, lưu lượng nước về hồ 2.829m3/s, lưu lượng xả 2.491m3/s, trong đó lưu lượng chạy máy 323m3/s và lưu lượng xả tới 2.168m/s.

Vô hình chung việc xả lũ cùng với các cơn mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước trên dòng sông Lam dâng quá nhanh, khiến cho nhân dân ở lưu vực và hạ lưu hồ chứa thủy điện Bản Vẽ và các cơ quan chức năng trở tay không kịp. Đến trưa ngày 17/8 hai bên đường bờ kè sông Lam đã ngập sâu, chìm trong biển nước, còn các địa phương bên dưới cũng ngập sâu hàng mét nước. Thiệt hại nặng nề cả về tài sản nhân dân, giao thông bị chia cắt nghiêm trọng.

Thủy điện Bản Vẽ, lớn nhất tỉnh Nghệ An xả lũ, dòng nước trắng xóa ầm ầm đổ xuống khu vực hạ lưu.

Thực tế việc xây dựng các thủy điện chỉ là giải pháp tức thời nhằm giải quyết “cơn khát” năng lượng khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về cơ bản nếu thực hiện đúng và hợp lý, kết hợp về mặt thủy lợi thì thủy điện cũng mang lại nhiều mặt tích cực. Chẳng hạn như về tưới tiêu cho nông nghiệp, thủy điện đóng vai trò điều hòa nguồn nước cho nông dân canh tác, hay phát triển nuôi trồng thủy, hải sản…

Nhưng bên cạnh đó nó cũng để lại hậu quả nặng nề về mặt môi trường, như tiêu diệt một số loài thủy sản, tàn phá rừng đầu nguồn hay là một tác nhân gây “động đất kích thích” khi sức chứa long hồ lớn, ở nơi lòng đất yếu, nhiều vết nứt gãy, túi khí…

Nhưng cái tàn phá nặng nề nghiêm trọng hơn là khi các chủ đầu tư xây dựng thủy điện trong quá trình vận hành sản xuất điện chỉ chạy theo lợi nhuận kinh tế mà không tính đến việc điều tiết nước, tích trữ nước một cách hợp lý. Chẳng hạn họ luôn tích trữ nước ở mức cao hơn so với quy định để duy trì, vận hành tối đa các tổ máy phát điện để thu lại lợi ích về mặt kinh tế một cách lớn nhất có thể, bất kể mùa khô hay mùa mưa. Từ đó gây ra các tình trạng, hiện tượng hạn hán vào mùa khô, hay lũ lụt do xả lũ khi mưa lớn, lượng nước đổ về lòng hồ quá nhanh cho vùng hạ lưu các nhà máy thủy điện.

Hệ lụy từ trận lũ lụt lịch sử trong cơn bão số 4 đã để lại hậu quả nặng nề, bên cạnh những nguyên nhân bất khả kháng do thiên tai thì không loại trừ nguyên nhân việc vận hành sản xuất điện, tích trữ nước tại các hồ thủy điện và xả lũ.

Như cơn bão số 4 vừa qua, tại địa bàn Nghệ An, chỉ trong vòng hai ngày khi mưa to kéo dài, liên tục, thủy điện Bản Vẽ lại đồng thời xả lũ đã lập tức gây nên tình trạng lũ lụt nhanh chóng tại vùng hạ lưu. Hậu quả khiến cho giao thông bị chia cắt, nhiều nơi ngập sâu hàng mét, các cơ quan chức năng và nhân dân trên địa bàn trở tay không kịp, thiệt hại cả về tính mạng và tài sản, hoa màu, thủy sản, gia súc của bà con.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Khâm Kha - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương cho biết, do mưa to kéo dài cộng với thủy điện Bản Vẽ xả lũ nên mực nước vùng hạ lưu dâng quá nhanh, đến trưa ngày 17/8 đã gây ngập sâu đường hai bên bờ kè sông Lam, huyện phải dốc toàn lực lượng để ứng cứu bà con trên địa bàn nhưng một số nơi vẫn không kịp.

Hệ lụy từ trận lũ lụt lịch sử trong cơn bão số 4 đã để lại hậu quả nặng nề cho tỉnh Nghệ An, bên cạnh những nguyên nhân bất khả kháng do thiên tai gây nên thì cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan do con người. Cụ thể là việc vận hành sản xuất điện, tích trữ nước tại các hồ thủy điện và xả lũ.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, kiểm tra và chấn chỉnh ngay việc vận hành các nhà máy thủy điện để đảm bảo lợi ích lâu dài, ổn định và an toàn cho cuộc sống nhân dân nơi đây.

Tác giả: Tuấn Anh – Lê Quyết

Nguồn tin: Báo Thương hiệu & Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP