Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều dự án xử lý rác thải đầu tư theo kiểu "chắp vá"?

Trước tình trạng nhiều địa phương vùng nông thôn, miền núi tỉnh Nghệ An đang phải sống trong cảnh ô nhiễm vì rác thải, mấy năm gần đây địa phương đã bố trí nguồn vốn để xử lý theo kiểu công nghệ đốt.

Vậy nhưng, sau một thời gian ngắn, những công trình hàng tỷ đồng sử dựng ngân sách của nhà nước đã sớm bộc lộ hạn chế, tình trạng ô nhiễm vẫn gia tăng và có nguy cơ mất kiểm soát.

Đầu tư “chắp vá” ở huyện Đô Luơng

Theo tìm hiểu của của chúng tôi, bãi rác tập trung của huyện Đô Lương được phê duyệt xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Quy mô bãi có diện tích 4,2 ha. Hệ thống bãi rác xử lý gồm 4 ô chôn lấp rác với diện tích 22.652 m2, khối tích chôn lấp theo thiết kế là 142.713 m3.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, bãi chôn lấp rác thải tập trung của huyện Đô Lương trở nên quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định do quy mô không đáp ứng lượng rác thải của 33 xã, thị trấn. Vì vậy, với quy mô diện tích như vậy chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tập kết, xử lý cho 14 đơn vị xã, thị trấn và rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.

Được biết, về phương án thu gom, UBND huyện đã phối hợp với Công ty CP hợp tác đầu tư và phát triển Môi trường Đô Lương vận chuyển rác thải lên bãi rác tập trung của huyện đặt tại xã Hồng Sơn.

Theo phản ánh của người dân xã Hồng Sơn, kể từ khi huyện Đô Lương xây dựng bãi tập kết rác thải tại địa phương này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh từ bãi rác gây ra.

Sử dụng công nghệ đốt, chôn lấp đang khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng hơn (ảnh chụp tại bãi rác tập trung của huyện Đô Lương tại xã Hồng Sơn)

Đặc biệt, hàng chục hộ dân ở xóm 9, xã Hồng Sơn sinh sống gần bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có khoảng 10 hộ dân với 40 nhân khẩu đang hàng ngày bị bãi rác này “tra tấn” vì ô nhiễm trong suốt thời gian qua.

Không những sống chung với không khí ô nhiễm, ruồi nhặng, người dân ở đây còn phải sống chung nguồn nước bẩn chảy từ bãi rác vào vườn nhà. Để đối phó với nguồn nước chảy từ bãi rác, họ đã phải chung tiền đào những mương nhỏ để “nắn dòng” nước đen không cho chảy vào vườn nhà. Tất cả các hộ ở đây phải trữ nước mưa để dùng trong nhiều tháng liên tục suốt thời gian qua.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, quá tải của bãi rác thải tập trung huyện Đô Lương tại xã Hồng Sơn vào cuối năm 2020, huyện Đô Lương đã bố trí kinh phí hơn 4 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án xây dựng hệ thống lò đốt rác thải tại xã Hồng Sơn. Công trình nhanh chóng cũng rơi vào nhà thầu là Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế có địa chỉ tại xóm 8, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) trúng thầu thi công.

Theo ghi nhận của phóng viên trong những tháng đầu năm 2022, bãi rác Đô Lương hiện đã quá tải, khối lượng rác được đổ tập kết, chôn lấp tại đây đã rất lớn. Phía dưới, các hố gom nước rỉ rác bèo Tây mọc um tùm nhưng vẫn lộ rõ một màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng rất lớn.

Nhà thầu “một mình một chợ” các gói xử lý rác thải

Cũng tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, vào tháng 10/2020, Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế “một mình một chợ” trúng gói thầu dự án xây dựng và mua sắm hệ thống lò đốt rác thải với nguồn vốn hơn 3,6 tỷ đồng.

Đáng quan tâm, qua quá trình “mục sở thị” ở bãi rác thải tập trung của 02 huyện Đô Lương và Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An các công trình phục cho quá trình đốt rác mà Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế trúng thầu thi công xây dựng đều “y sao” như nhau.

Riêng ở huyện Quỳ Hợp, bản “y sao” về công nghệ thi công, yêu cầu kỹ thuật…đều được “bê nguyên” từ huyện Đô Lương từ các thông số cho đến vật liệu đầu vào.

Cụ thể, tại hạng mục xây dựng nhà đốt rác: Kích thước18x8 (m), nhà khung thép, nền Bê tông lót móng đá 4x6 M100# dày 10 cm, Móng BT đá 1x2, M200#; kết cấu cột, vì kèo bằng thép hình, sơn chống gỉ; mái lợp tôn mạ màu dày 0.45mm, xà gồ thép hộp sơn chống gỉ; nền đổ bê tông cốt thép đá 1x2, M200#.

Tại dự án xây dựng lò đốt rác ở huyện Đô Lương do Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế trúng thầu thi công, hệ thống thiết bị được lắp đặt...cho có hạng mục

Còn phần phần thiết bị hồ sơ yêu cầu mua sắm hệ thống lò đốt rác công suất 700kg rác thải sinh hoạt/giờ (Độ ẩm tiêu chuẩn 20%). Thiết bị lò đốt rác vận hành theo công nghệ khí hóa chất thải áp suất âm, cấp khí tự nhiên, rác thải cháy.

Cả 02 điểm xử lý công nghệ đốt rác ở huyện Đô Lương và Quỳ Hợp đều có yêu cầu hạng mục triển khai lắp trạm cân 15T: Kích thước: 3.47x10.1 (m); Bê tông lót đá 4x6 M100#; Móng bê tông cốt thép M250#; Dầm bê tông cốt thép M250; Dốc lên xuống trạm cân dài 3m đổ nền bê tông đá 1x2 Mác 250 dày 0,2m; Lắp đặt thiết bị trạm cân điện tử có tải trọng 15 tấn.

Cũng trong một diễn biến liên quan, vào ngày 20/12/2021, với mức bỏ giá hơn 3,2 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế cũng đã được công nhận trúng thầu gói thầu cải tạo và nâng cấp hệ thống lò đốt rác thải y tế tại Trung y tế huyện Quế Phong. Ở gói thầu này cũng có duy nhất Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế đều tham gia và trúng thầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, kể từ khi thành lập vào năm 2014 đến nay, Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế tham gia 130 gói thầu, trong đó trúng 82 gói, trượt 1 gói, 4 chưa có kết quả, 2 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu mà nhà thầu thầu này được giao triển khai các gói đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa…trong thời gian qua lên tới hơn 346 tỷ đồng.

Tác giả: NGỌC THÁI

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP