Trong tỉnh

Nghệ An đầu tư hạ tầng để "săn đón" dự án FDI

Năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nghệ An được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19.

Thu hút loạt dự án triệu USD

Trong quý I/2022, Nghệ An là địa phương đứng trong Top đầu của cả nước về thu hút FDI (trong tháng 01/2022 đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội). Tính từ đầu năm đến ngày 22/2/2022, Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng số vốn đăng ký là 954,67 tỷ đồng. Điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 5 dự án với số vốn tăng lên 9.292,24 tỷ đồng, nâng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10.246,91 tỷ đồng. Đến thời điểm này Nghệ An đã có 102 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 2.077,3 triệu USD.

Khu công nghiệp Vsip Nghệ An

Tỉnh Nghệ An tập trung thu hút đầu tư tại Khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các khu công nghiệp (KCN), trong đó ưu tiên 3 KCN gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), KCN WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và KCN Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Đáng chú ý, trong số những dự án đầu tư đầu năm có những dự án có quy mô lớn. Điển hình như dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc) tại KCN WHA, được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào dây chuyền sản xuất công nghệ cao.

Nhà máy Cấu kiện điện tử Everwin tại KCN VSIP Nghệ An (200 triệu USD); KCN Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng); điều chỉnh mở rộng giai đoạn II KCN WHA thêm 354,5 ha…

Tại KCN VSIP Nghệ An đã thu hút trên 30 dự án đầu tư (trong đó có 14 dự án FDI) với diện tích đất cho thuê 131,34 ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 49,9%, tỷ suất đầu tư bình quân của dự án thứ cấp trong KCN VSIP Nghệ An đạt khoảng 115,08 tỷ đồng/ha.

Có thể thấy, hiện nay dư địa để thu hút nguồn vốn FDI của Nghệ An còn khá lớn, nhất là tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc thu hút nguồn vốn FDI chưa đạt như mong đợi, môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả cải cách hành chính chưa cao.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết, đây là thời điểm tốt nhất để thu hút dòng vốn FDI, tuy nhiên không chỉ riêng Nghệ An mà hiện nay nhiều tỉnh cũng đang tập trung đẩy mạnh thu hút FDI dựa trên những lợi thế so sánh. Vì thế để không bị vuột mất cơ hội thu hút đầu tư tỉnh cần phải có những giải pháp trọng tâm và quyết liệt hơn để kịp thời đón dòng vốn. Cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa; tăng cường hỗ trợ các dự án đã, đang và sẽ hoạt động tại Nghệ An, bởi đó là kênh truyền thông hữu hiệu nhất đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài...

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án FDI tại địa phương

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 nên Nghệ An đã chuyển trạng thái xúc tiến đầu tư vốn FDI qua các hình thức trực tuyến. Thị trường truyền thống mà Nghệ An tìm tới là các nhà đầu tư Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông…

Trong khi đó, ông Jun Hyun Soo, Tổng giám đốc Công ty SangWoo - Hội trưởng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, trong cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp Hàn Quốc vào cuối tháng 10/2021 cho hay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 28 dự án có vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc với tổng vốn cam kết đầu tư là 158,13 triệu USD, với đa dạng ngành nghề như may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông... thu hút khoảng hơn 15.000 lao động đang làm việc.

Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn xem Nghệ An là thị trường truyền thống để tìm hiểu, khảo sát và tiến tới đầu tư nhiều dự án lớn...”, ông Jun Hyun Soo bày tỏ.

Cũng theo ông Lê Tiến Trị, Nghệ An có chiến lược lâu dài, tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào KKT Đông Nam, các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các KCN VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1; triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, KCN WHA giai đoạn 2 và tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các CCN đang hoạt động và 60% các CCN đang xây dựng.

Nghệ An cũng xác định rõ các nhà đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào KKT Đông Nam; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm, tập đoàn đa quốc gia, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu.

Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong quý I/2022, Nghệ An có 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, xếp thứ hai với 400 triệu USD, chiếm trên 19% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Long An, Phú Thọ…

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP