Do sống “nhầm” trên đất tỉnh khác nên 270 hộ dân ở xóm 10, xã Quỳnh Lộc đến nay vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ |
Nhưng trớ trêu, khi xác định địa giới hành chính thì họ đang ở trên đất thuộc xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Người Nghệ - đất Thanh
Vì nhân khẩu do tỉnh Nghệ An quản lý nhưng đất lại thuộc tỉnh Thanh Hóa nên đằng đẵng nhiều năm nay, 270 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), gây bao hệ lụy, thiệt thòi cho người dân và “đau đầu” cho chính quyền. Khi được hỏi chuyện “người Nghệ An đất Thanh Hóa”, bà Nguyễn Thị Liễu than: “Chúng tôi đang phải sống chênh vênh giữa hai bên. Sống đây mà như người ở trên trời rơi xuống ấy!”.
Mặc dù trời nắng như nung, bà Liễu vẫn dẫn chúng tôi đi xem các khu vực phân giới giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa. Bà kể, bố mẹ chồng của bà (là ông Nguyễn Vịnh năm nay 96 tuổi, bà Văn Thị Vì năm nay 86 tuổi) là thế hệ ra khu vực khe Nước Lạnh đầu tiên hồi năm 1964.
Bây giờ, ông bà đã “gần đất xa trời” nhưng vẫn chưa thấy mảnh đất mình đổ bao mồ hôi, công sức được mang tên chính chủ. Khi con bà muốn vay tiền để đi xuất khẩu lao động, về xã Quỳnh Lộc không vay được, sang xã Trường Lâm mới vay được 50 triệu đồng nhưng theo hình thức tín chấp, muốn vay nhiều không được vì không có sổ đỏ thế chấp.
Ông Nguyễn Quốc Văn kể, năm 1964, ông được 8 tuổi, từ trong quê cũ theo bố mẹ ra vùng này khai hoang lập xóm. Thời ấy, khu vực này hoang vu, ngay cả người Thanh Hóa đến khoảng năm 1976 mới đến ở khu vực liền kề. Vì nhân khẩu ở xã Quỳnh Lộc nhưng đất lại thuộc xã Trường Lâm nên nhà ông chưa được làm sổ đỏ.
Ông Văn tỏ vẻ thất vọng: “Hỏi xã Quỳnh Lộc, xã nói đất ở đâu thì ở đó làm sổ. Hỏi xã Trường Lâm thì được trả lời nhân khẩu không thuộc xã nên nhiều vấn đề phức tạp khó giải quyết”. Còn ông Lê Văn Đối chia sẻ, khi bán đất sản xuất, gia đình ông bị “định giá” không có quyền đòi hỏi gì, vì không có giấy tờ nên đất bị coi là đất hoang.
Dài cổ chờ sổ đỏ
Ông Nguyễn Văn Trường, Thôn trưởng thôn 10 xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, cho biết, từ những năm 1950, các thế hệ người Quỳnh Lưu đã ra khu vực khe Nước Lạnh, vùng giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa để khai hoang, sản xuất. Nhưng thời điểm ấy chỉ sản xuất đơn thuần.
Năm 1964, thực hiện chủ trương giãn dân của huyện Quỳnh Lưu, khoảng 26 hộ dân xã Quỳnh Dị chính thức ra đây khai hoang. Thời điểm ấy, việc phân chia ranh giới chưa rõ ràng nên các gia đình khai hoang và định cư ngay trên vùng đất này. Những năm sau có thêm các gia đình khác đến, rồi sinh con đẻ cái và lập nên xóm. Đến nay, xóm - thôn 10 có 437 hộ dân, trong đó có khoảng 270 hộ ở trên đất Thanh Hóa.
Ông Trường cho biết thêm, năm 1985 và năm 1990 có chủ trương nhập số dân Nghệ An sống trên đất Thanh Hóa sang “làm người Thanh Hóa” nhưng người dân không chịu. Rất nhiều lần họp HĐND, người dân đã kiến nghị về việc cấp sổ đỏ nhưng “chưa thấu”. Trong khi đất ở chưa làm được sổ đỏ thì đất sản xuất đã bị thu hẹp.
Trước đây, thôn có 60ha đất sản xuất nhưng bị Khu công nghiệp Hoàng Mai (Nghệ An), Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và một số công ty “lấy” dần nên hiện chỉ còn khoảng 6ha. Thế hệ trẻ lớn lên đi ra ngoài làm việc, còn những người lớn tuổi bây giờ không biết làm gì vì không còn đất. Ông Trường mong mỏi: “Chúng tôi đang “mắc” giữa hai tỉnh. Nguyện vọng bấy lâu và bức thiết nhất của người dân chúng tôi là mong các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, sớm cấp sổ đỏ cho chúng tôi”.
Sớm giải quyết dứt điểm
Ông Cao Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, thông tin, vấn đề cấp sổ đỏ cho người dân sống trên địa bàn thôn 10 xã Quỳnh Lộc vượt quá thẩm quyền của xã. Khi nào cấp trên thống nhất, có văn bản yêu cầu thì xã Trường Lâm sẽ phối hợp xã Quỳnh Lộc tổ chức làm các hồ sơ liên quan để hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân. Xã cũng đã kiến nghị cấp trên cần giải quyết dứt điểm về ranh giới hành chính. Một là bàn giao đất cho tỉnh Nghệ An, hai là bàn giao con người về xã Trường Lâm để quản lý vì liên quan đến nhiều vấn đề khác như trật tự xây dựng, các chế độ chính sách…
Ông Nguyễn Hữu Túy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, cho biết, do đất thời xưa ranh giới không rõ ràng nên huyện Quỳnh Lưu đưa dân ra khai hoang đã nhầm sang đất Thanh Hóa. Vì một số lý do về pháp lý và nguyện vọng của người dân nên đến nay vẫn chưa cấp được sổ đỏ, dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn như không có sổ đỏ thế chấp để vay vốn ngân hàng; các gia đình chính sách, khó khăn không được hưởng chế độ hỗ trợ về nhà ở; gặp khó khăn trong xây dựng nhà mới...
“Vừa rồi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ra tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính. Và nguyện vọng của người dân là điều chỉnh địa giới hành chính về cho Nghệ An”, ông Nguyễn Hữu Túy cho hay.
Tác giả: DUY CƯỜNG
Nguồn tin: dttc.sggp.org.vn