Trong tỉnh

Nghệ An: Khu đất vàng bến xe khách cũ - ngân sách thất thu lớn nếu không đấu giá

Khu đất vàng rộng gần 10 ngàn mét vuông mặt đường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là bến xe khách đang bị bỏ hoang nhiều năm nay, trong đó phần nhỏ diện tích mặt tiền đang được cho thuê để kinh doanh xe máy.

Công sản hay tài sản tư nhân ?

Trước đây, khu đất được giao cho doanh nghiệp nhà nước - Xí nghiệp Bến xe khách Nghệ An làm bến bãi (được thành lập ngày 29/05/1995, là đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An). Thực hiện cổ phần hóa, năm 2004, Xí nghiệp chuyển thành Công ty CP Bến xe khách Nghệ An đã đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 30/7/2004. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm này được thực hiện theo Nghị định 64/2002/NĐ-CP. Năm 2014 Công ty CP Bến xe Nghệ An cổ phần hóa 100%, trong đó cổ đông tổ chức nắm giữ 26,08%, cổ đông cá nhân năm giữ 73,92%. Nhà nước thoái vốn, Công ty trở thành doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn, không còn một đồng vốn của nhà nước .

Điều đáng nói, giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên không được tính vào giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định tại Điều 17, Nghị định 64 về quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa: "2. Giá trị quyền sử dụng đất: a) Trước mắt, vẫn áp dụng chính sách thuê đất và giao đất theo quy định hiện hành.". Cũng theo Nghị định 64, QSDĐ chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp nếu thời điểm đó Công ty CP Bến xe Nghệ An sử dụng đất để kinh doanh nhà và hạ tầng.

Ngày 31/12/2008, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 475/QĐ-UBND.ĐC cho Công ty CP Bến xe Nghệ An thuê khu đất nói trên với diện tích 9.667,8m2. Như vậy, doanh nghiệp không được giao mà chỉ được thuê đất trả tiền hàng năm, mục đích làm bến xe khách. Quyết định của UBND Nghệ An tuân thủ đúng quy định tại Điều 35 Luật Đất đai 2003; Luật Sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 1998; Điều 17 Nghị định 64. Ngày 21/01/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An ký với doanh nghiệp hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận số AL508679 ngày 02/04/2009.

Khu đất bến xe cũ đang để hoang là tài sản công, không phải là tài sản của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh Nghệ An quyết định di dời bến xe khách Vinh. Doanh nghiệp đã được tạo điều kiện thuê "đất sạch" sát mặt Quốc lộ 1A, tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh, chỉ cách bến cũ khoảng 5 km với diện tích lên tới 44,920 m2, rộng hơn 4,6 lần diện tích bến xe cũ. Ngoài hạng mục sân bãi đậu xe rộng hơn bến xe cũ, doanh nghiệp còn lập quy hoạch chi tiết đầu tư các hạng mục khác như nhà xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, nhà nghỉ phục vụ khách bình dân, nhà công vụ cho cán bộ, công nhân viên, nhà hàng cao cấp, khách sạn du lịch, trung tâm thương mại 5 tầng, khu vui chơi giải trí, thể thao... Có thể thấy, Công ty CP Bến xe Nghệ An đã được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Như vậy, từ nguồn gốc đến quá trình biến động cho thấy khu đất bến xe cũ đang để hoang là tài sản công, không phải là tài sản của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Ngân sách thất thu lớn nếu không đấu giá

Dù đã chuyển đến khu đất mới, doanh nghiệp vẫn không trả lại đất ở bến xe cũ và đề xuất đầu tư dự án nhà ở và trung tâm thương mại nhưng không qua đấu giá. Tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 447 tỷ đồng.

Ngân sách sẽ có khoản thu rất lớn, lại lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nếu đấu giá QSDĐ hay đấu thầu dự án. Hiện nay, đất mặt tiền đường Lê Lợi, thành phố Vinh có giá không dưới trăm triệu đồng mỗi m2.

Hầu hết diện tích khu đất đang để hoang, một phần nhỏ được sử dụng không đúng mục đích. Nguồn lợi từ việc khai thác tài sản công lẽ ra phải vào ngân sách nhà nước nhưng hiện vẫn chảy đều vào túi doanh nghiệp tư nhân. Tài sản công đang bị chiếm dụng, nguồn lợi phát sinh bị thất thoát?

Tại sao không thu hồi khu đất sau khi doanh nghiệp đã di chuyển hoạt động về bến xe mới? Có vướng mắc gì về pháp lý hay không?

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai 2013: "1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm: a)…; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; ". Khoản 2, Điều 38, Luật Đất đai 2003 cũng quy định tương tự như vậy.

Điều 82, Luật Đất đai 2013 quy định về thu hồi đất không phải bồi thường về đất: "Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây: 1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này; 2.; 3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này; ". Khoản 1, Điều 76 quy định về các trường hợp không phải bồi thường về đất, bao gồm đất thuê trả tiền hàng năm.

Ngoài ra, theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, sử dụng đất không đúng, không phù hợp với phương án sắp xếp cổ phần hóa thì phải trả lại cho Nhà nước.

Trường hợp này, có dấu hiệu rõ ràng việc người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đã "chuyển đi nơi khác", phần lớn diện tích để hoang, một phần nhỏ được cho thuê không đúng mục đích nên khó mà nói không có cơ sở pháp lý để thu hồi. Trong khi đó, về cơ bản, quyền lợi của doanh nghiệp đã được đảm bảo.

Tài sản công đang cho thuê không đúng mục đích

Không chỉ thất thu ngân sách, nếu không lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực sẽ tạo ra nhiều hệ lụy xấu có thể thấy trước. Nhiều tấm gương các chủ đầu tư không có năng lực, ôm dự án bất động sản gây thiệt hại lớn cho nhà nước cũng như người dân, thậm chí có thể gây mất an ninh trật tự ở điạ phương do huy động vốn không đúng quy định pháp luật, không thực hiện đúng thiết kế, chậm tiến độ, v.v…

Ở Nghệ An, từng có trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu đấu giá, Chính phủ yêu cầu thực hiện đúng pháp luật, nhưng địa phương vẫn chỉ định nhà đầu tư như dự án Tòa tháp Eurowindow ở số 2 đường Trần Phú, thành phố Vinh. Vụ việc này đã từng thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận vì giữa giá chỉ định và giá thị trường chênh lệch quá lớn.

Thời gian qua, kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều vấn đề ở trong quá trình cổ phần hóa, phổ biến tình trạng giữ đất để trục lợi từ quyền thuê đất nhà nước hoặc chờ cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi cổ phần hóa, có một số doanh nghiệp đưa ra phương án sử dụng không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh mà không chịu trả lại cho Nhà nước.

Đất của doanh nghiệp cổ phần hóa chủ yếu là đất thuê trả tiền hàng năm, theo quy định sẽ không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp thường giữ lại sau đó đi hợp tác góp vốn liên kết. Theo Điều 175 Luật Đất đai 2013 và trước đây là Điều 111 Luật Đất đai 2003, doanh nghiệp không được dùng đất thuê hàng năm để góp vốn liên doanh liên kết, nhưng hoạt động này đã biến tướng bằng các hình thức như góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng, … nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất.

Năng lực doanh nghiệp đề xuất đầu tư đất vàng

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 447 tỷ đồng, tuy nhiên năng lực của Công ty CP Bến xe khách Nghệ An là một dấu hỏi lớn (?) Có lẽ không quá khó để tìm được câu trả lời khi nhìn vào các dự án mà doanh nghiệp này thực hiện trong 10 năm qua đã thể hiện rõ.

Mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án Bến xe Bắc Vinh chỉ 76 tỷ đồng, khởi công từ ngày 19/09/2012. Tuy nhiên, phải mất gần 6 năm, ngày 11/04/2018, doanh nghiệp này mới hoàn thành được giai đoạn 1 của dự án, so với tiến độ chậm tới 4 năm.

Không lấy gì làm lạ khi hiện nay, các công trình giai đoạn 2 vẫn nằm trên giấy vì tổng mức đầu tư lớn hơn rất nhiều, lên tới hơn 197 tỉ đồng. Hệ lụy là hàng ngàn m2 đất bị bỏ hoang bao năm, người dân bị thu hồi, hết sức bức xúc. Không chỉ vậy, vấn đề xử lý môi trường, xử lý nước thải cũng đang có sự bất cập.

Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: "i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chru đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trưởng hợp do bất khả kháng".

Pháp luật về đầu tư cũng quy định rõ về các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng, ngừng hoạt động đầu tư hết sức rõ ràng.

Trong hơn 9 năm qua, Nghệ An đã thu hồi hơn 160 dự án, thu hồi toàn bộ hay một phần vì chậm tiến độ do năng lực yếu kém của nhà đầu tư. Tiến độ triển khai dự án như vậy thì liệu rằng Công ty CP Bến xe Nghệ An có vi phạm pháp luật hay không? Hơn ai hết, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nắm rõ vấn đề này nhất.

Hàng ngàn m2 đất bị bỏ hoang của Công ty CP Bến xe khách Nghệ An tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh

Những năm vừa qua, nhiều chủ doanh nghiệp cũng như lãnh đạo địa phương đã "ra đi" vì đất công. Điển hình là 2 cựu và một đương kim Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phải nhận những bản án khắc nghiệt do thiệt hại gây ra quá lớn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng ở Nghệ An cần vào cuộc quyết liệt hơn để việc sử dụng khu đất trên được xác định một cách rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật, tranh thất thoát, lãng phí.

Tác giả: Thái Quảng - Minh Tú

Nguồn tin: doanhnghieptiepthi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP