Trong tỉnh

Nghệ An: Hoang hoá một khu công nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp khảo sát, lựa chọn địa điểm để đặt “đại bản doanh” nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, họ không dám mạo hiểm đầu tư vào KCN Thọ Lộc.

Khu công nghiệp Thọ Lộc hoang hóa, xuống cấp.

Dù được đầu tư, quy hoạch trở thành một khu công nghiệp (KCN) bề thế, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên, 10 năm nay hạ tầng giao thông tại KCN Thọ Lộc (Nghệ An) còn nhiều vướng mắc, khiến những doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất vào đây “loay hoay”, không thể tìm được lối ra do hạ tầng không đồng bộ.

10 năm “chết yểu”

Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 7023/QĐ-UBND quy hoạch chi tiết KCN Thọ Lộc tại các xã Diễn Lộc, Diễn Thọ, huyện Diễn Châu với quy mô 1.159,71 ha. Đây cũng là một phần diện tích nằm trong quy hoạch phát triển khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An, thu hút các ngành nghề như: cơ khí chế tạo phụ tùng, sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác, lắp ráp kỹ thuật số; chế biến nông - lâm - thuỷ sản; sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, giày da, điện tử, điện lạnh cao cấp, thiết bị điện, đồ điện chất lượng cao…

Vậy nhưng, mãi đến năm 2017, KCN Thọ Lộc mới có nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu của Công ty CP Bao bì quốc tế ECO với số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng đi vào hoạt động, giải quyết cho gần 500 lao động. Dù trước đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp về đây khảo sát, lựa chọn địa điểm để đặt “đại bản doanh” nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, họ không dám mạo hiểm đầu tư vào KCN Thọ Lộc.

“Khi được giới thiệu, chúng tôi thấy thuận lợi cho việc làm nhà máy sản xuất thủy sản. Tuy nhiên, qua khảo sát KCN, chúng tôi thấy thiếu nhiều yếu tố, nhất là hạ tầng giao thông nên đành phải rút lui”, một DN chế biến nông thủy sản từng có ý định đặt nhà máy tại KCN này cho biết.

Nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật của KCN quá xuống cấp, chưa đồng bộ và đặc biệt là hệ thống đấu nối giao thông đường bộ để vận chuyển hàng hóa còn nhiều trắc trở, mặc dù chỉ cách QL1A vài km. Cụ thể, con đường N2 nối QL1A vào KCN Thọ Lộc dài hơn 2km lại bị giao cắt với đường sắt Bắc – Nam thi công dở dang rồi bị treo từ nhiều năm nay.

Doanh nghiệp muốn lưu thông phương tiện, con người qua lại phải qua điểm giao cắt đường sắt nên gặp nhiều phiền hà, rắc rối. Trong khi đó, để xây dựng cầu vượt đường sắt Bắc - Nam nối vào KCN Thọ Lộc phải mất nguồn vốn hàng trăm tỷ mới triển khai được.

Khi nào được tháo gỡ?

Trước tình trạng hàng nghìn m2 đất “bờ xôi, ruộng mật” của người dân “nhường” lại để Nhà nước xây dựng KCN Thọ Lộc, nhưng hơn 10 năm không phát huy hết hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào đây cũng đang “ngồi trên đống lửa” mong ngóng động thái từ các cấp chính quyền.

Bởi, nhà đầu tư cho rằng, với địa thế như KCN Thọ Lộc không được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông hiện đại thì chưa biết bao giờ diện mạo vùng quê này mới phát triển như quy hoạch được đặt ra. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào đây cũng đã không ít lần gửi văn bản “cầu cứu” tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN Thọ Lộc để họ yên tâm sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, từ đó đến nay cũng đã hơn 10 năm, nhưng tình trạng trên vẫn không thay đổi. Trước thực trạng trên, vào ngày 21/9/2018, tỉnh Nghệ An có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét tiếp tục chấp thuận cho thành lập đường ngang nội bộ có thời hạn. Tuy nhiên, ngày 13/11/2018, Bộ GTVT trả lời trong trường hợp này tại KCN Thọ Lộc phải xây dựng cầu đường bộ vượt đường sắt hoặc hầm chui theo quy định pháp luật hiện hành. Câu chuyện tỉnh Nghệ An phải loay hoay tìm giải pháp để thu hút đầu tư vào KCN Thọ Lộc cũng từ đó rơi vào bế tắc.

Mãi đến ngày 13/5, tại kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII mới thông qua chủ trương thực hiện Dự án cầu vượt đường sắt tại đường N2 trong Khu kinh tế Đông Nam với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng.

Được biết, công trình cầu vượt đường sắt này có chiều dài khoảng 720 m, được thiết kế, thi công kỹ thuật bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, thiết kế theo tiêu chuẩn TCXDVN104-2007, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, dự án phải chờ sang năm 2022 mới được thi công xây dựng.

Tác giả: ĐIỀN BẮC

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP