Trong tỉnh

Nghệ An: Gỡ vướng vấn đề chênh lệch đền bù tại dự án thủy điện

Nghệ An là một địa phương có nhiều nhà máy thủy điện được triển khai xây dựng hoạt động, góp phần sản xuất lượng điện lớn hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, còn tồn tại một số bất cập sau nhiều năm chưa được xử lý, gây thiệt thòi cho những người nhường đất cho dự án.

Chợ tạm do các tiểu thương tại xã Ngọc Lâm tự dựng để phục vụ nhu cầu.

Dự án đã hoạt động, dân vẫn chưa được nhận đủ tiền

Một trong số đó là nhiều người dân nhường đất cho dự án thủy điện sau nhiều năm thì vẫn chưa được nhận số tiền chênh lệch giá trị đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến.

Dự án thủy điện Hủa Na triển khai thi công từ tháng 3/2008, công suất lắp máy 180MW, trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Dự án ảnh hưởng hơn 1.362 hộ dân, gần 5.300 nhân khẩu phải di dời đến 13 điểm tái định cư. Sau khi xây các điểm tái định cư, người dân bị ảnh hưởng được di dời đến nơi ở mới xây dựng khang trang. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được thực hiện. Sau hơn 5 năm triển khai, đến tháng 9/2013, nhà máy đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Nhưng sau 10 năm hoạt động, những hộ dân bị ảnh hưởng do dự án vẫn chưa được nhận tiền chênh lệch giá trị đất nông nghiệp giữa nơi đi nơi đến. Ông Thái Lương Quý, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, toàn xã có 197 hộ dân thuộc diện này.

Theo ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện, trước đây có vướng mắc về cách hiểu về Luật Đất đai, quá trình đền bù việc áp giá đền bù chênh lệch đối trừ nơi đi và nơi đến chưa được giải quyết. Trước đây thống nhất với phía nhà máy Hủa Na là đền theo từng loại đất, không có loại đất đó thì đền bù bằng tiền. Địa phương cũng tiến hành khảo sát tại dự án thủy điện Sơn La, đến nay Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ra quyết định đền bù theo hướng đất nông nghiệp nơi đến trừ đi đất nơi đi, nếu nơi đến ít hơn nơi đi thì sẽ đền bù cho dân bằng tiền theo giá đất, còn nếu đất nông nghiệp nơi đến nhiều hơn nơi đi thì người dân không phải trả tiền đất dư ra.

Hiện UBND huyện đang phối hợp Thủy điện Hủa Na rà soát lại để trình Hội đồng đền bù và các cấp ngành phê duyệt. Theo thống kê sơ bộ, số tiền chênh lệch nơi đi nơi đến toàn huyện khoảng hơn 38 tỷ đồng.

Tại Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, khởi công xây dựng tháng 8/2004 công suất 320MW trên sông Nậm Nơn thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, là nhà máy thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung; đã ảnh hưởng diện tích rất lớn gồm nhiều loại đất, trên địa bàn 9 xã thuộc 2 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương. Hơn 3.000 hộ dân/13.735 nhân khẩu trong khu vực lòng hồ thuộc 31 bản đã phải di dời đến nơi ở mới. Trong đó 2.127 hộ di dời, tái định cư về huyện Thanh Chương, lập nên 2 xã mới là Thanh Sơn và Ngọc Lâm vào 2009.

Riêng trên địa bàn huyện Quế Phong có 8 nhà máy thủy điện hoạt động, gồm: Sông Quang, Nậm Giải, Sao Va, Châu Thắng, Bản Cốc, Nhạn Hạc, Đồng Văn và Hủa Na (vừa qua đã bỏ thủy điện Tiền Phong và thủy điện Thông Thụ).

Ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho hay, việc cấp sổ đỏ đất ở và đất lúa đã hoàn thành cho các hộ dân. Nhưng việc đo đạc bàn giao thực địa đất sản xuất trước đây với thực địa hiện chưa đảm bảo nên chưa có đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Cơ quan chức năng đang đo đạc lại hiện trạng người dân sử dụng, sau khi hoàn chỉnh sẽ cấp sổ đỏ, sau đó mới có cơ sở để đối chiếu nơi đi nơi đến để đền bù cho dân.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết, với diện tích đất nông nghiệp do trước kia quá trình giao đất so với thực tế hiện tại có nhiều chênh lệch nên Sở TN&MT không duyệt để cấp sổ. Thủy điện đang phối hợp chính quyền địa phương rà soát, cân đối lại đất cấp cho các hộ dân, đảm bảo tất cả người dân phải có đất sản xuất. Việc cân đối đất cơ bản đã thực hiện xong, hiện đang niêm yết công khai sau đó trình Sở TN&MT phê duyệt.

Dự kiến tháng 9/2023 sẽ chi trả tiền cho dân

Ngày 13/2/2023, UBND tỉnh ra Quyết định 664 thành lập Tổ công tác giải quyết tồn tại, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn.

Cuối tháng 4/2023, Tổ công tác đã tổ chức đi kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương đang có vướng mắc trong công tác đền bù GPMB và các chủ đầu tư thủy điện gồm: Hủa Na, Bản Vẽ, Khe Bố.

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương (Tổ trưởng Tổ công tác) cho biết, với thủy điện Hủa Na, việc đền bù giá trị chênh lệch đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến đã giao UBND huyện Quế Phong chủ trì phối hợp Cty CP Thủy điện Hủa Na lập phương án xử lý cụ thể chi tiết cho từng nội dung với từng nhóm, từng đối tượng cụ thể, gửi Sở TN&MT xin ý kiến với từng nội dung trước khi lấy ý kiến người dân trước 20/5/2023. Sở TN&MT hướng dẫn Hội đồng bồi thường GPMB huyện tháo gỡ vướng mắc; UBND huyện chủ trì tuyên truyền, vận động, đưa ra lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể hoàn thành việc giao đất lúa nước cho 115 hộ chưa đồng thuận nhận ruộng lúa dự án giao để sản xuất.

Với công tác bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi nơi đến cho các hộ thuộc bị ảnh hưởng bởi thủy điện Bản Vẽ; với các hộ đã hoàn thành thủ tục pháp lý liên quan đất đai tại huyện Thanh Chương và không thuộc đối tượng đất trên cốt ngập của thủy điện Bản Vẽ, lập phương án bồi thường hoàn thành trong quý II/2023.

Với các hộ dân đang vướng mắc liên quan đến huyện Thanh Chương, tổng hợp và có kế hoạch hoàn thiện phương án.

Với vướng mắc tại dự án Khe Bố, UBND huyện Tương Dương kiểm tra, rà soát hồ sơ với 172 hộ thuộc các bản Đình Tiến, Đình Phong, Đình Hương, Đình Thắng có bù trừ chênh lệch nơi đi thấp hơn giá trị nơi đến. Và 95 thửa đất bị ảnh hưởng nhưng chưa được bồi thường hỗ trợ về đất; hồ sơ đã có từ 2008 và 2015 nhưng do người dân đi làm ăn xa, tranh chấp đất đai, nguồn gốc sử dụng đất chưa rõ ràng, tranh chấp địa giới hành chính; Sở TN&MT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt giá đất. Cty CP Phát triển Điện lực Việt Nam kịp thời hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ về đất trình UBND huyện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt giá đất trong quý II/2023.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó GĐ Cty Thủy điện Hủa Na cho biết, việc chi trả tiền chênh lệch sau một thời gian dài chưa thống nhất được phương án, huyện và Cty đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, sau đó xin ý kiến tỉnh, sau đó gửi xin ý kiến Bộ và xin ý kiến Chính phủ. Vừa qua, cũng đi một số dự án tái định cư do Nhà nước chỉ đạo để tham khảo, đã thống nhất được phương án cuối cùng là đối trừ nơi đến và nơi đi. Ông Sơn nhận định việc bà con nhường đất cho dự án đến nơi ở mới mà chưa được nhận đền bù chênh lệch là thiệt thòi.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, hiện đã tiến hành được 2/3 phần việc. Sau khi chốt được số liệu về diện tích đất sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo GPMB huyện, xin ý kiến Thường vụ thông qua về phương án thì sẽ có văn bản gửi Thủy điện Hủa Na đề nghị cấp tiền chi trả cho dân. Dự kiến tháng 9/2023 sẽ có thể chi trả tiền chênh lệch cho dân.

Tại 2 xã mới huyện Thanh Chương, nhiều công trình thiết yếu vẫn chưa được xây dựng. Theo ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, nhu cầu bà con mua bán nhiều nhưng không có chợ để họp. Xã đã vận động góp tiền dựng chợ tạm để người dân có chỗ họp chợ buôn bán. Đến nay, một số tiểu thương tự bỏ tiền ra làm lại khung chợ bằng sắt kiên cố hơn một chút để phục vụ buôn bán, tránh thiệt hại nếu mưa bão.

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP