Trong tỉnh

Nghệ An giảm nghèo chưa bền vững

Đánh giá quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An thừa nhận có nhiều vướng mắc, tiến độ giải ngân chậm.

Chính sách lớn chưa lan tỏa được như kỳ vọng tại khu vực miền núi Nghệ An. Ảnh: Ngọc Linh.

Vừa qua Báo NNVN triển khai chuyên đề “Nơi chương trình giảm nghèo mới vừa thoáng qua” nêu bật hàng loạt điểm nghẽn, nút thắt của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững tại địa bàn Nghệ An.

Nắm bắt diễn biến thực tế tại các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu… thấy rằng chính sách lớn chưa lan tỏa như kỳ vọng, điều này vô hình trung ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các đối tượng thụ hưởng, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm phần đa.

Có nhiều nguyên nhân, rào cản kìm hãm tiến độ chung. Thực chất chương trình có nhiều điểm mới, một số văn bản, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành còn chung chung, chưa rõ; nhiều huyện vừa làm vừa nghiên cứu văn bản; việc thẩm định, phê duyệt áp dụng cần nhiều bước, mất nhiều thời gian…

Để rộng đường dư luận, Báo NNVN đã làm Công văn, đăng ký nội dung gửi đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn để nắm rõ thực trạng, giải pháp cũng như lộ trình, định hướng trong thời gian tới.

Quá trình khâu nối, Sở LĐ-TB&XH đã cử ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội trực tiếp làm việc.

Mở đầu, ông Thúy khẳng định giảm nghèo bền vững là Chương trình MTQG triển khai trên phạm vi rộng với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, có nhiều đối tượng được thụ hưởng. Sở LĐ-TB&XH có tính chất tổng hợp và phụ trách trực tiếp một số nội dung, ngoài ra còn có Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở NN-PTNT…, về phía cấp huyện sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để chủ động xây dựng kế hoạch, trình phương án.

Người nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thúy nhấn mạnh, Chương trình bao hàm giai đoạn 2021-2025 nhưng thực chất đến khoảng giữa năm 2022 mới cơ bản thông suốt khi Chính phủ bàn giao vốn thực hiện. Từ mốc này các địa phương mới bám vào để làm, đồng nghĩa năm đầu tiên của giai đoạn gần như bõ bẵng. Cái khó tiếp theo là Văn bản, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành nhiều nội dung không đồng nhất.

“Chính sách không theo kịp thực tiễn” kéo theo kinh phí của nhiều Dự án, Tiểu dự án ứ đọng một chỗ, thực trạng có tiền nhưng không thể tiêu khiến các địa phương lúng túng, chẳng biết xoay xở ra sao. Chậm tiến độ thì bị chê trách, phê bình, ngược lại nếu làm lấy được sẽ khó tránh khỏi sai sót.

Thứ nữa là áp lực chất chồng khi cùng lúc phải “gánh” cả 3 chương trình MTQG, bên cạnh giảm nghèo bền vững là xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc sắp xếp đúng trình tự, không trùng lặp đối tượng là cả vấn đề. Khối lượng đặt ra quá lớn, nhiều nội dung bao hàm, dàn trải nhưng trình độ, năng lực, con người thực hiện quá hạn hẹp, nhất là cấp xã, thôn bản.

“Quá trình làm sẽ hoàn thiện dần, quan điểm trong chỉ đạo cái gì rõ thì làm. Phạm trù nào của cấp huyện, xã thì ở đó phải chủ động, nội dung nào liên quan đến cấp tỉnh thì tỉnh sẽ xử lý, nếu vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị lên Trung ương”, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An chia sẻ thêm.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 104/2023/QH15 trong đó cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của nhân sách Trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024.

Hướng mở đã có nhưng Nghệ An chưa nắm bắt được, ghi nhận đến tháng 7/2024 tiến độ giải ngân Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn còn chậm, tỷ lệ thấp, nội dung này được thể hiện qua Báo cáo số 529/BC-UBND của tỉnh này gửi Bộ LĐ-TB&XH mới đây.

Tác giả: Việt Khánh - Ngọc Linh

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP