Có đoạn đường đã bong tróc hết phần nhựa đường. Xe đầu kéo, xe tải cỡ lớn ngày đêm vẫn hoạt động (ảnh nhỏ). ẢNH: V. ĐỒNG |
Đường nát bét do đâu?
Theo chủ trương của nhà nước, năm 2007, huyện Con Cuông đã vận động 42 hộ dân là đồng bào Đan Lai từ bản Búng, bản Cồn, bản Cò Phạt từ trong rừng sâu của Khu bảo tồn sinh quyển Pù Mát (thuộc địa bàn xã Môn Sơn, cách trung tâm huyện hơn 20km và gần 3 giờ đi thuyền máy) ra tái định cư tại xã Thạch Ngàn. Năm 2010, con đường được khởi công xây dựng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây cũng như người Đan Lai mới đến định cư.
Bắt đầu từ ngã ba Đồng Tâm (xã Thạch Ngàn), chúng tôi đi trên “đường tái định cư” đến bản Bá Hạ (bản cuối của xã Thạch Ngàn, giáp xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp). Tuyến đường dài 19km, nền đường rộng 6m, mặt đường (phần nhựa) rộng 3,5m xuất hiện rất nhiều đoạn nứt nẻ, trồi, sụt. Có đoạn, đường bỗng dưng “cuộn sóng” nổi nhựa và đất đá tạo thành rãnh sâu. Có đoạn, đường bong tróc, nhựa “bay” hết chỉ trơ lại đất đá.
Dân bản ở dọc con đường này cho biết, năm 2014, đường được đưa vào sử dụng. Thời gian đầu, con đường rất đẹp vì được rải nhựa thay cho “bụi mù mùa nắng, bùn lầy mùa mưa” trước kia. Nhờ thế, việc đi lại, làm ăn, buôn bán của người dân rất thuận lợi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, con đường bắt đầu “trở chứng”, xuất hiện nhiều điểm, nhiều đoạn hư hỏng.
Trao đổi với chúng tôi, một người dân cho biết: “Bây giờ, con đường nát hết rồi. Ban ngày đi còn nhìn thấy những điểm sụt lún trên đường để tránh, chứ ban đêm thì nơm nớp vì sợ sập bẫy ổ, hố đường bị sụt suống. Ngoài nỗi sợ ấy, người dân còn phải lo né những xe tải cỡ lớn chở đầy thùng keo quăng quật phía sau do bị xóc trên đoạn đường lồi lõm. Có người dân phải dừng lại chờ cho xe đi qua mới dám di chuyển tiếp”.
Một người dân khác thì bức xúc: “Xe tải vẫn cứ rầm rộ chạy ngày đêm. Một số xe đầu kéo chở mía, chở keo chạy rầm rầm khiến con đường này càng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường đã bong hết lớp nhựa đường, còn trơ lại đá”.
Khó xử lý xe tải trọng chạy trên đường?
Ông Ngân Xuân Nhung - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến đoạn đường trên bị hư hỏng, sụt lún là do xe đầu kéo, xe tải cỡ lớn di chuyển từ ngã ba Đồng Tâm đến điểm cuối ở bản Bá Hạ để chở keo, mía qua huyện Anh Sơn. “Chúng tôi ghi nhận đoạn đường bị hư hỏng, sụt lún bắt đầu từ tháng 2/2019. Đây là mùa bán keo nên hàng loạt xe tải ồ ạt vào thu mua và chở đi. Để kiểm tra tải trọng cũng như hạn chế tải trọng của các xe, chính quyền xã không đủ thẩm quyền. Xã cũng đã có văn bản gửi UBND huyện và Công an huyện để có hướng xử lý rốt ráo vấn đề này”, ông Nhung nói.
Điều đáng nói, khi Thanh tra giao thông, Công an huyện Con Cuông tuần tra, kiểm soát thì lại không thấy bóng dáng xe đầu kéo, xe tải cỡ lớn nào hoạt động. “Khi các lực lượng chức năng không có mặt ở đoạn đường này, các xe cỡ lớn lại hoạt động trở lại. Nếu cứ tiếp tục thế này thì đoạn đường này sẽ hỏng hết trước khi xã đón người dân Đan Lai đợt 2 đến định cư ở đây”, một người dân nói.
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông thông tin, đường nằm trong khu tái định cư dành cho người Đan Lai là đường cấp 6 với tải trọng cho phép 13 tấn. Đường có tổng mức đầu tư là 47 tỷ đồng (nguồn từ UBND tỉnh Nghệ An 4 tỉ đồng, còn lại Trung ương cấp). Chủ đầu tư là UBND huyện Con Cuông. Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông Bắc miền Trung (trụ sở đóng tại TP Vinh) đảm nhiệm thiết kế và có tới bốn nhà thầu thi công con đường này.
Ông Tuấn nói: “Việc đường này bong tróc, sụt lún… chúng tôi đã nắm được và đã đề nghị phía công an và các cấp ban, ngành vào cuộc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cho làm barie hạn chế chiều cao của các xe vào vùng nguyên liệu để chở keo, mía. Đồng thời, xin quỹ bảo trì để sửa lại con đường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, nếu không xử lý được vấn đề xe trọng tải cỡ lớn đi trên đường này thì có sửa lại đường cũng bằng không”.
Ông Ngân Xuân Nhung - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết, ngày 16/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông. Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát. “Năm 2007, đã có 42 hộ với 192 nhân khẩu đến đây sinh sống. Hiện tại đã có 54 hộ với hơn 300 nhân khẩu. Dự kiến tháng 6/2019 sẽ có thêm 35 hộ dân người Đan Lai tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông sẽ được di dời ra khu tái định cư này”, ông Nhung nói. |
Tác giả: Vũ Đồng
Nguồn tin: giadinh.net.vn