Trong nước

Bão số 2: Có người chết, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm

Bão số 2 dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Chủ tịch tỉnh Nghệ An nói rõ, địa phương nào để thiệt hại về người do thiếu chủ động trong ứng phó với bão, chủ tịch huyện đó phải chịu trách nhiệm.

Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 2 đã diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, rạng sáng mai, bão sẽ áp sát Thanh Hoá - Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên sức gió cấp 9, giật cấp 10-11. Sớm là 1h, muộn thì 7h sáng mai bão sẽ cập bờ.

Ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, các tàu thuyền nhỏ đã được neo đậu an toàn. Ảnh: Lê Dương


Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh VP UB quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào nước ta, dù bão không lớn song có thể có gió giật, lốc xoáy, trong khi công trình dang dở nhiều.

Ông cho biết, để sẵn sàng ứng phó với bão số 2, lực lượng quân đội và dân quân tự vệ đã sẵn sàng 3.000 người cùng 3.000 phương tiện.

Thanh Hóa: Di dời dân khỏi khu vực dễ sạt lở

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh có Công điện số 7, gửi các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.

Ngư dân ở Thanh Hóa cuốn ngư cụ để tránh bão


Cụ thể, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền tìm nơi tránh bão.

Ngư cụ được người dân che đậy, chằng buộc cẩn thận


Riêng các huyện miền núi, chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Tính đến hết ngày 15/7, toàn bộ 7.375 phương tiện nghề cá của tỉnh, trong đó có 5.690 phương tiện đang hoạt động trên biển đã được thông tin về diễn biến của cơn bão số 2 và vẫn duy trì liên lạc bình thường với đất liền.

Tại Hậu Lộc, nhiều tàu thuyền đang mắc cạn. Nhưng theo người dân trong ngày hôm nay họ sẽ đưa tàu thuyền vào bến neo đậu an toàn


Trong đó có 3.978 phương tiện với 6.126 lao động đang khai thác gần bờ; 1.712 phương tiện với 11.297 lao động đang hoạt động ở vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet sáng nay dọc khu vực ven biển như: Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn... các tàu thuyền đã cơ bản vào nơi trú ẩn. Một số phương tiện tàu thuyền đang mắc cạn, dự kiến trong ngày những tàu thuyền này cũng sẽ vào nơi trú ẩn an toàn.

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh đã gửi đi công điện khẩn về việc phòng, tránh, ứng phó với bão số 2. Yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và đảm bảo an toàn các bến cảng, du lịch, hoàn thành trước 17h hôm nay. Cương quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng về lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa lũ gây ra chia cắt nhiều ngày.

Nghệ An: Bão có người chết, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm

Sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo, địa phương nào để thiệt hại về người do thiếu chủ động trong ứng phó với cơn bão, chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm.

Yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp phải nêu cao trách nhiệm, thường trực 24/24h.

Tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh quán triệt, tập trung mọi phương án để chủ động ứng phó với bão số 2. Lệnh cấm biển phải được thực hiện nghiêm túc. Phương án PCBL, di dân vùng sạt lở, ngập úng, phòng chống lũ quét ở miền núi, ven sông suối phải được triển khai trước 17h chiều nay.

Nghệ An có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Cùng với việc "cấm biển" từ chiều nay, Nghệ An cũng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi, giao thông trọng điểm khi có bão lớn, lũ ống lũ quét...

Hà Tĩnh: Tất bật buộc chặt tàu thuyền

Từ tối qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện mưa kéo dài, tại các huyện ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Đề phòng bão số 2 đổ bộ, ngư dân đã bắt đầu di chuyển tàu thuyền vào nơi an toàn.

Tại âu cảng Cửa Sót. Ảnh: Lê Minh


Theo đại diện Ban quản lý Cảng cá Hà Tĩnh, đến 8h sáng nay, tại âu cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) có hơn 160 tàu thuyền nội tỉnh và 25 tàu thuyền vào neo đậu tránh bão.

Từ sáng sớm, rất nhiều ngư dân đã có mặt tại cảng Cửa Sót để neo buộc lại tàu thuyền, di chuyển các vật dụng thiết yếu từ thuyền lên bờ để đề phòng bão đổ bộ bất ngờ.

Ngư dân tất bật chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2 tại âu cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim vào sáng nay. Ảnh: Lê Minh


Một ngư dân trú bão tại âu thuyền Cửa Sót cho hay, do lo ngại bão lớn nên nhiều ngư dân đã đưa thuyền vào âu neo đậu từ hai ngày nay, một số tàu thuyền đánh bắt xa bờ cũng tất bật cập cảng biển gần nhất để trú bão.

Ngư dân neo buộc tàu thuyền. Ảnh: Lê Minh


Do ảnh hưởng bão, các tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to với lượng 250-350mm; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên phổ biến 100-200mm; các khu vực khác của Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình-Thừa Thiên Huế 50-150mm.

Sau khi bão đổ bộ sẽ hình hành gió đông nam gây mưa dài ngày cho khu vực Đông Bắc Bộ. Các tỉnh Hoà Bình, Sơn La sẽ có mưa lớn khi áp thấp đi qua.

Quảng Ninh: Hơn 5.000 du khách mắc kẹt

Dù trọng tâm vào 3 tỉnh Bắc Miền Trung, song dự báo vùng có gió mạnh trên cấp 6 mở rộng khắp từ Hải Phòng - Quảng Bình.

Các tàu cá buộc chặt với nhau để tránh hư hại tại cảng cá Hòn Gai. Ảnh: Phạm Công


Ghi nhận tại cảng tàu cá Hòn Gai sáng nay, hàng nghìn tàu đánh cá của ngư dân đã vào trú bão.

Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ Nội địa Quảng Ninh cho biết, từ hôm qua, phía Cảng vụ đã chỉ đạo lực lượng hỗ trợ tàu thuyền ngư dân vào bờ tránh bão.

"Các tuyến tàu tại Tuần Châu và Vân Đồn đã ngừng hoạt động. 13h chiều nay sẽ thực hiện lệnh cấm tàu du lịch chở khách", ông Thắng nói.

Được biết, hiện trên các đảo thuộc huyện Vân Đồn và Cô Tô đang có hơn 5.000 du khách, trong đó có 30 khách quốc tế. Riêng đảo Cô Tô có 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế mắc kẹt trên đảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện yêu cầu các đơn vị nắm chắc thông tin về khách du lịch mắc kẹt trên đảo, tích cực tuyên truyền, thông tin kịp thời đến du khách. Đồng thời bố trí chỗ ở ổn định, an toàn, không tăng giá dịch vụ, tạo điều kiện cho du khách có thể lưu trú chờ tình hình thời tiết tốt hơn.

Các tàu cá tập trung neo về cảng để tránh bão


Các ngành, địa phương kiểm tra công tác trực ban, 4 tại chỗ, kiểm tra công trình thủy lợi, hồ đập.

Đối với các dự án đang thi công phía đồi, cần rà soát kỹ, có giải pháp di dời kịp thời các hộ dân dưới dự án; TP Cẩm Phả di dời khẩn cấp 64 hộ dân đang sống tại khu chung Dương Huy đã xuống cấp, di dời các lán trại tại các công trình gần kè đất, đá và phía đồi.

Hải Phòng: Thành phố đã có công điện gửi các sở ngành và các đơn vị liên quan về công tác phòng chống cơn bão số 2.

Mặc dù không trực tiếp đổ bộ vào Hải Phòng nhưng địa phương nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Chủ tịch TP yêu cầu bằng mọi biện pháp phải liên lạc thông báo cho các phương tiện đang đánh bắt trên biển về nơi trú ngụ an toàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ động quân số nhân lực và thiết bị để trực ứng cứu khi có mưa lớn, sóng mạnh nếu báo số 2 đổ bộ vào.

Đến 12h trưa nay, khu vực Vịnh Bắc bộ đang có gió mạnh cấp 6, sóng biển cao 2m. Dự báo tối và đêm nay, vùng ven biển từ Quảng Ninh có gió giật cấp 6-8 sau tăng lên cấp 9, biển động mạnh.

Huỷ nhiều chuyến bay


Nhiều chuyến bay đã bị huỷ trong chiều nay do ảnh hưởng của cơn bão số 2.
Các hãng hàng không khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến và đi từ các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin của các hãng nhằm chủ động lịch trình đi lại.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP