Biếm họa về nạn "con ông cháu cha" trên truyền thông Trung Quốc. Ảnh: Sina
Hồi cuối tháng 4, Trung Quốc đã ra quyết định cấm toàn bộ vợ chồng, con cái của các quan chức nước này mở công ty riêng hoặc tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Quyết định trên được Tổ chỉ đạo Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, đưa ra, nhằm chấm dứt tình trạng con ông cháu cha, lợi dụng quan hệ để mưu lợi của các quan chức, theo China Daily.
"Tình trạng con cháu quan chức nhận được những biệt đãi bất thường là một hình thức tham nhũng phổ biến ở Trung Quốc, và chính phủ cần phải ngăn chặn điều này trước khi hậu quả trở nên nghiêm trọng", Zhu Lijia, giáo sư quản lý nhà nước tại Học viện Quản trị Trung Quốc, nói.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một loạt quan chức cấp cao Trung Quốc bị "ngã ngựa" với cáo buộc tham nhũng, cùng với nhiều họ hàng thân thích, con cái.
Sau khi cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang bị điều tra, bắt giữ và kết án chung thân về hành vi tham nhũng, báo chí Trung Quốc đề cập rất nhiều đến Chu Bân, con trai của ông này. Lợi dụng quyền hành rất lớn của cha, Chu Bân nắm trong tay một đế chế kinh doanh khổng lồ, thao túng nhiều công ty và lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Tại Tứ Xuyên, "căn cứ địa" quyền lực của họ Chu, Chu Bân gần như nắm trọn các dự án về thủy điện, năng lượng, cậy vào quyền lực của cha để chèn ép tất cả các đối thủ cạnh tranh, thu về những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD. Cùng điều hành đế chế kinh doanh này với Chu Bân là những họ hàng, thân thích khác, chẳng hạn như mẹ vợ Chiêm Mẫn Lợi hay Chu Phong, cháu trai của Chu Vĩnh Khang.
Hồi tháng 6, Chu Bân bị kết án 18 năm tù vì tội nhận hối lộ. Vợ của Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp cũng phải ngồi tù 9 năm với tội danh tương tự.
Trong một tuyên bố đưa ra hồi năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng nhiều quan chức, lãnh đạo nước này đã lạm dụng quyền lực, ưu đãi con cháu, họ hàng vì mục đích tham nhũng, theo Reuters.
"Một số người biển thủ công sản dưới danh nghĩa thực hiện cải cách, còn một số khác tìm cách sử dụng bất hợp pháp nguồn lực nhà nước để làm tha hóa các quan chức cấp cao. Nhiều người vi phạm quy định, vung tiền sắm các khu nhà nghỉ dưỡng xa hoa, đưa vợ con đi ăn chơi bằng công quỹ", báo cáo của ủy ban này nhấn mạnh.
Cơ quan này cũng cho rằng nhiều tập đoàn, công ty nhà nước phớt lờ các quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tự mình quyết định việc bổ nhiệm chức danh để "kéo bè kết phái".
Một trong những trường hợp điển hình cho hiện tượng xây dựng bè phái, bổ nhiệm người thân này là Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng trung ương Đảng, người vừa bị kết án chung thân vì tội nhận hối lộ.
Cùng với con đường thăng tiến của mình, Lệnh Kế Hoạch đã nâng đỡ một loạt người thân giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền hoặc các công ty, tập đoàn lớn. Anh trai ông ta là Lệnh Chính Sách được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây, còn em trai Lệnh Hoàn Thành là chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Hối Kim Lập Phương. Cả hai người này đều đã bị bắt hoặc bị điều tra với các cáo buộc liên quan đến tham nhũng.
Vợ của Lệnh Kế Hoạch là Cốc Lệ Bình giữ chức tổng giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Young Business China, và buộc phải từ chức sau khi chồng bị điều tra. Em trai bà này là Cốc Nguyên Húc được bổ nhiệm làm phó giám đốc công an Hắc Long Giang, và bị điều tra vào tháng 12/2004.
Con trai duy nhất của Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Cốc, một công tử ăn chơi khét tiếng ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, Lệnh Cốc thiệt mạng trong một vụ tai nạn siêu xe trên đường cao tốc vào năm 2012.
Từ 'nha nội' tới 'quan nhị đại'
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho rằng tình trạng ưu tiên "con ông cháu cha" có nguồn gốc từ thời Cách mạng Văn hóa cách đây 40 năm, khi những người trẻ tài giỏi, có trình độ trong các tập đoàn, tổ chức nhà nước bị đưa về nông thôn để cải tạo, để lại vị trí cho con cháu của các lãnh đạo.
Theo bình luận viên Wang Xiangwe của SCMP, tình trạng "con ông cháu cha" có nguồn gốc sâu xa hơn như thế trong lịch sử Trung Quốc. Từ thời phong kiến, cụm từ "nha nội" ban đầu được dùng để chỉ lính canh nha phủ, nhưng sau đó trở thành danh từ chung để chỉ con cái quan lại. Các nha nội này ăn vận hào nhoáng, nghênh ngang trên đường, đánh đập dân thường vô cớ, bắt cóc con gái nhà lành về làm thê thiếp, nhưng thường không bị trừng phạt nhờ thân phụ hoặc họ hàng làm quan to.
Thời nay, người Trung Quốc có một cụm từ khác để gọi con cái của các quan chức, đó là "quan nhị đại". Cụm từ này thường được dùng để chỉ những cậu ấm cô chiêu lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng của cha mẹ để làm giàu cho bản thân và gia đình.
Truyền thông Trung Quốc cũng đã nhiều lần đưa tin về các "quan nhị đại" sử dụng mối quan hệ ruột rà máu mủ của mình để "cưỡi tên lửa", ám chỉ việc họ được đề bạt, thăng tiến một cách nhanh chóng trong các cơ quan chính quyền để ngồi lên những chiếc ghế cao được bố mẹ xếp sẵn.
Năm 2013, Jiang Zhongyong, phó chủ tịch 29 tuổi của huyện Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, đã bị giáng chức xuống làm thư ký sau khi cộng đồng mạng nước này phát hiện ra bố anh ta, người từng giữ chức phó chủ tịch huyện, có thể đã can thiệp để con mình lên thay ghế một cách chóng vánh.
Jiang được tuyển dụng vào làm thư ký ở huyện Yết Dương vào tháng 3/2007, và chỉ 4 tháng sau đã được bổ nhiệm làm phó bí thư huyện đoàn, dù theo quy định anh ta phải công tác đủ 4 năm mới được đảm nhận vị trí này. Đến tháng 11/2011, Jiang được bổ nhiệm làm phó chủ tịch huyện khi mới 27 tuổi. Điều đáng chú ý là ông Jiang Junqu, bố của Jiang, ra quyết định bổ nhiệm này trước khi nhậm chức phó chủ tịch Ủy ban Chính hiệp của huyện để chờ nghỉ hưu.
Trước đó, ít nhất ba trường hợp "quan nhị đại" khác ở tỉnh Hồ Nam cũng đã bị cộng đồng mạng phát hiện.
Jiang Zhongyong nhậm chức phó chủ tịch huyện Yết Dương khi mới 29 tuổi. Ảnh: SCMP
Một khảo sát trực tuyến do Trung tâm Khảo sát Xã hội của tờ China Youth Daily thực hiện cho thấy gần 84% người Trung Quốc được hỏi nói rằng họ luôn muốn có một ông bố quyền lực để có thể thăng tiến trong công việc. 80% người tham gia khảo sát tin rằng phần lớn người trẻ ở nước này đều dựa vào các mối quan hệ gia đình để có được công ăn việc làm tốt.
Cũng theo kết quả khảo sát, khi gặp vấn đề lớn trong công việc, 36% người được hỏi nói rằng đó là do họ không có quan hệ gia đình tốt, và 25% khẳng định sẽ nhờ đến bố mẹ mình giải quyết rắc rối. Chỉ có 35% tuyên bố tự mình giải quyết vấn đề, và 10% cho rằng làm việc chăm chỉ là con đường dẫn đến thành công.
Khi kết quả này được công bố, cộng đồng mạng Trung Quốc có những phản ứng rất khác nhau. Nhiều người cho rằng điều này không có gì là lạ, bởi tâm lý "con ông cháu cha" đã ăn sâu bám rễ ở Trung Quốc. "Thật vô lý khi từ chối các mối quan hệ tốt nếu bạn có sẵn. Những người nào tỏ ra ngạc nhiên với kết quả này đều chỉ là giả vờ", một người khẳng định.
Một số người cho rằng đây là sự suy thoái đạo đức xã hội, đi ngược lại chuẩn mực trong cơ chế tuyển mộ nhân tài. "Thật khủng khiếp, hệ thống giá trị đảo lộn cả", một người nhận xét về kết quả khảo sát, theo WSJ.
Evan Osnos, bình luận viên của tờ New Yorker, cho rằng tình trạng biệt đãi "con ông cháu cha" là một mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. "Uy tín của hệ thống chính trị và kinh tế Trung Quốc luôn dựa một phần trên đánh giá cho rằng đó là một chế độ nhân tài tốt", Osnos viết. "Họ luôn nói rằng hệ thống được tạo ra để đề bạt, ưu đãi những nhân tài xứng đáng nhất".
Global Times, ấn bản của People’s Daily, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đề cập không úp mở đến vấn đề gai góc này, khi đánh thẳng vào nguyên nhân căn bản của vấn đề.
"Gốc rễ của nạn tham nhũng gia đình ở Trung Quốc chính là cấu trúc quyền lực không hợp lý", Global Times dẫn lời Li Yongzhong, cựu phó vụ trưởng Vụ Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc. "Người đứng đầu các cơ quan thường có cả quyền quyết định, thi hành lẫn giám sát, dễ dàng dẫn đến tình trạng lạm quyền".
Tác giả bài viết: Việt Dũng