Bệnh nhân Vũ Duy T., 29 tuổi ở Hà Nội được đưa vào BV đa khoa Nông nghiệp cấp cứu trong tình trạng chảy máu nhiều vùng bìu, lộ tinh hoàn 2 bên do bị rơ mooc cần cẩu móc trúng.
Kết quả chẩn đoán bệnh nhân có vết thương phức tạp lóc da bìu lộ tinh hoàn hai bên, tổn thương tinh hoàn trái, được chỉ định mổ cấp cứu.
Ths.BS Nguyễn Đình Lâm và BS Lương Thành Đạt, khoa Ngoại tổng hợp đã phối hợp mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ kiểm tra thấy vết thương lóc da bìu 6x8 cm, lộ tinh hoàn 2 bên, trong đó tinh hoàn trái lộ hẳn ra ngoài. Bệnh nhân được cắt lọc vết thương, khâu phục hồi màng tinh hoàn trái, cố định lại tinh hoàn trái, đặt dẫn lưu và đóng vết mổ.
BS Lâm chia sẻ, trong quá trình phẫu thuật, ngoài việc đóng vết thương, cần phải cố định tinh hoàn để tránh biến chứng quan trọng nhất là xoắn tinh hoàn sau chấn thương.
Vết thương bìu - tinh hoàn là một tổn thương hở, trong đó bìu bị rách, có thể kèm hay không kèm theo tổn thương tinh hoàn. Chấn thương này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là 15-40 tuổi, chiếm khoảng 20% trường hợp.
Trong các trường hợp vết thương tinh hoàn, bên cạnh những thương tổn tại chỗ hoặc lan tỏa ở 1 bên tinh hoàn còn có 70% trường hợp tổn thương cả 2 tinh hoàn
Vết thương vùng bìu – tinh hoàn thường phức tạp đòi hỏi bác sĩ lâm sàng cần phải cẩn thận trong chẩn đoán, khi phẫu thuật cần thăm dò, cắt lọc mô hoại tử, dẫn lưu nhằm bảo tồn tối đa mô tinh hoàn. Tất cả các trường hợp vết thương tinh hoàn độ trung bình trở lên đều cần phải mổ thám sát.
Vết thương vùng sinh dục có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như khả năng tình dục. Một số trường hợp, vỡ mào tinh, xoắn tinh hoàn, đứt ống dẫn tinh, tổn thương dương vật, niệu đạo.
Do đó khi gặp chấn thương, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời nhằm hạn chế tối đa những biến chứng cho chấn thương gây ra đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản và khả năng tình dục ở nam giới.
Tác giả: Minh Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet