Thế giới

Myanmar ngăn nam giới ra nước ngoài làm việc

Bộ Lao động Myanmar tạm thời đình chỉ việc tiếp nhận đơn đăng ký của nam giới Myanmar muốn làm việc tại nước ngoài, dẫn lý do cần thêm thời gian xác minh.

Quân đội Myanmar duyệt binh năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP ngày 3-5, chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ đã đình chỉ việc cấp giấy phép cho nam giới trong nước đi làm ở nước ngoài, trong bối cảnh luật nghĩa vụ quân sự mới được áp dụng.

Hồi tháng 2, chính quyền quân sự Myanmar công bố sẽ thực thi luật quản lý nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng đối với nam giới từ 18-35 tuổi, và nữ giới từ 18-27 tuổi, trong ít nhất hai năm.

Truyền thông đưa tin động thái này khi đó đã khiến hàng ngàn người Myanmar xếp hàng xin thị thực ở các đại sứ quán nước ngoài tại thành phố Yangon, cùng một số người khác vượt biên qua nước láng giềng Thái Lan để trốn tránh đi nghĩa vụ.

Trong khi đó, vào cuối ngày 2-5, Bộ Lao động Myanmar trong một thông cáo báo chí cho biết bộ này đã "tạm thời đình chỉ" việc chấp thuận đơn đăng ký ra nước ngoài làm việc của nam giới Myanmar.

Lý do cho biện pháp này là "cần thêm thời gian để xác minh quy trình cho việc rời đi dựa trên một số vấn đề khác", Bộ Lao động Myanmar thông tin.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế trích dẫn số liệu từ chính phủ, vào năm 2020 có khoảng 4 triệu người Myanmar làm việc ở nước ngoài.

Theo Hãng tin AFP, luật nghĩa vụ nói trên đã được chính quyền Myanmar soạn thảo vào năm 2010, nhưng chưa từng được thi hành.

Luật cũng quy định trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, thời hạn phục vụ quân sự có thể được kéo dài đến 5 năm, và những cá nhân không đi nghĩa vụ theo triệu tập có thể bị bỏ tù với thời gian tương tự.

Khoảng 13 triệu người trong diện được gọi nhập ngũ

Sau khi đảo chính vào năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, và vừa qua đã gia hạn tình trạng này thêm 6 tháng.

Chính quyền này cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ các cuộc nổi dậy đẫm máu do liên minh các nhóm vũ trang sắc tộc thực hiện.

Ngày 11-4, phát ngôn viên Zaw Min Tun của chính quyền quân sự Myanmar xác nhận quân đội Myanmar đã rút quân khỏi các vị trí tại một thành phố trọng điểm gần biên giới Thái Lan.

Theo một số tài khoản Telegram ủng hộ quân đội Myanmar, đợt tuyển quân đầu tiên theo luật đã có vài ngàn tân binh đang bắt đầu được huấn luyện.

AFP dẫn lời một người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar cho biết luật này cần thiết vì "tình hình đang xảy ra ở nước ta".

Theo lời người này, khoảng 13 triệu người sẽ đủ điều kiện để được gọi nhập ngũ, mặc dù quân đội Myanmar chỉ có khả năng huấn luyện khoảng 50.000 người mỗi năm.

Tác giả: NGHI VŨ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP