"Từ giữa tháng 3, thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải về neo đậu ở Guam, các chiến đấu cơ Trung Quốc đã quấy rối trinh sát cơ Mỹ ít nhất 9 lần trên khu vực Biển Đông", Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á Reed Werner nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 19/5.
Ngoài ra, Werner còn cáo buộc Trung Quốc có hành vi "quấy nhiễu" tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin khi nó hoạt động gần một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua Biển Đông hồi tháng 4. Ông cho biết trong lần chạm mặt này, một tàu hộ tống Trung Quốc di chuyển "theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp", nhưng không tiết lộ chi tiết.
Đây là lần đầu tiên quan chức Lầu Năm Góc công bố thông tin về những cuộc chạm mặt này. "Chúng tôi nhận thấy xu hướng hiện nay là rất đáng lo ngại", Werner nói, thêm rằng ông không rõ các hành động quấy rối của Trung Quốc từ giữa tháng 3 có gia tăng so với trước đây hay không.
Chính phủ Mỹ đã gửi phản đối chính thức qua kênh ngoại giao về những lần chạm mặt không an toàn này và qua "kênh cá nhân" trong một trường hợp. "Chúng tôi có các trao đổi ngoại giao thường xuyên", Werner nói.
Ông giải thích rằng Mỹ tiếp tục chứng kiến hành vi gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành. "Trong khi các nước co vào bên trong để đối phó dịch bệnh, Trung Quốc lại vươn ra bên ngoài", Werner nói.
Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á cáo buộc Trung Quốc thực hiện hành vi "cưỡng ép, gây bất ổn và lợi dụng thương mại" ở khu vực. "Họ tiếp tục chèn ép và bắt nạt các nước khác", ông nói, chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại Nhà Trắng năm 2015 rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại Biển Đông.
"Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại các hoạt động gia tăng và mang tính cơ hội của Trung Quốc nhằm chèn ép các nước láng giềng và thúc đẩy yêu sách hàng hải bất hợp pháp của họ ở Biển Đông, trong khi khu vực và thế giới đang tập trung giải quyết Covid-19", trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong một thông cáo gần đây.
Oang tạc cơ B-1B Lancer thuộc Không đoàn Ném bom 28 tiếp cận máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker trong chuyến bay 32 tiếng tại khu vực Thái Bình Dương, ngày 30/4. Ảnh: USAF. |
Lầu Năm Góc nhấn mạnh quân đội Mỹ sẵn sàng đáp trả những thách thức đó để bảo vệ lợi ích quốc gia. Quân đội Mỹ ngày càng tìm cách tăng cường hiện diện ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải ngừng hoạt động do nCoV xâm nhập.
Hải quân Mỹ trong những tháng gần đây tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Lầu Năm Góc cũng liên tục triển khai oanh tạc cơ và một hạm đội tàu ngầm đến khu vực Tây Thái Bình Dương trong nỗ lực tăng cường hiện diện và phát đi thông điệp mạnh mẽ với Trung Quốc.
Sau một chiến dịch tự do hàng hải gần đây của Mỹ, đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc, nói Washington nên tập trung vào chiến đấu với Covid-19 thay vì triển khai các hoạt động quân sự.
Các vụ chạm mặt tại Biển Đông gần đây diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng liên quan tới đại dịch Covid-19. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích sai lầm của Trung Quốc trong xử lý đại dịch và gây ra khủng hoảng toàn cầu, trong khi Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc, yêu cầu Washington không "chính trị hóa" đại dịch.
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đề nghị các bên đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định của khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông.