Kinh tế

Một số doanh nghiệp bất động sản 'nghỉ Tết sớm', chuyện gì đang xảy ra?

Cơn lốc sốt đất khiến người người lao vào kinh doanh đất đai. Khi thị trường này đóng băng, hàng loạt nhân sự thất nghiệp. Bề nổi của tảng băng chìm ngành bất động sản đã phơi bày...

Nhân sự trong nhiều công ty bất động sản đã bị sa thải, mất việc sau thời gian ngành này phát triển nóng - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Nơi nghỉ Tết sớm, nơi sa thải lao động

Hơn một tháng qua, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Phước Bình (ngụ TP.HCM) rơi vào cảnh thất nghiệp khi cả hai công ty bất động sản nơi vợ chồng làm việc đều sa thải nhân viên. Bình làm cho chủ đầu tư các dự án phân lô đất nền, còn bà xã là nhân viên môi giới của một sàn giao dịch bất động sản chuyên bán nhà phố, chung cư cho nhiều chủ đầu tư. Thị trường đóng băng, chủ đầu tư không bán được hàng nên sa thải gần 70% nhân viên, còn sàn giao dịch cũng ế ẩm khiến các nhân viên môi giới nghỉ việc "ngủ đông".

Theo Bình, cả hai đều cố gắng xin việc ở các công ty mới trong ngành bất động sản lẫn các ngành khác nhưng cả tháng nay vẫn chưa có công ty nào hồi âm. "Nhiều đồng nghiệp trong ngành bất động sản ở các công ty khác cũng lần lượt bị sa thải vì không thể bán dự án, không có tiền trả lương nhân viên, nợ từ tháng này qua tháng khác. Năm nay là Tết thê thảm của nhân viên trong ngành này", Bình nói.

Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản phía Bắc cũng đã cho nhân viên nghỉ Tết âm lịch bắt đầu từ… 12-12 đến hết 5-2 năm sau, tức nghỉ sớm hơn một tháng dù thường đây là thời điểm giao dịch sôi động.

Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết với những doanh nghiệp kinh doanh đất nền ở các tỉnh thì giai đoạn này "đứng hình", các dự án ở trong TP cũng rất ít nên cả các chủ đầu tư lẫn các sàn đều hoạt động cầm chừng. Do đó, việc cắt giảm, sa thải nhân sự lên đến phân nửa hoặc hơn tại các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là điều dễ hiểu. Đặc biệt, các sàn giao dịch bất động sản đang giảm nhân sự mạnh khi hầu hết các sàn đều cho nhân viên thôi việc hoặc nhân viên chủ động nghỉ việc vì nhiều tháng qua không phát sinh giao dịch, khó tiếp cận khách hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, chủ tịch Novaland khẳng định tập đoàn này đã buộc phải đưa ra các giải pháp tình thế lúc thị trường khó khăn đó là cắt giảm các nhân sự theo các dự án mà tập đoàn này chưa phát triển để nhân sự tinh gọn, đa nhiệm hơn.

Thực tế cắt giảm lao động của ngành bất động sản được chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu chỉ ra là các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động. Theo ông Châu, điều này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến các gia đình hoặc việc giảm lương cũng tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động.

Cần lực lượng lao động chuyên nghiệp

Một thời gian dài ngành bất động sản đã kéo một lượng lớn lao động từ các ngành khác đổ về kinh doanh bất động sản, khiến cả giáo viên, công chức lẫn cán bộ lực lượng vũ trang… cũng đi môi giới đất đai. Ngay trong phiên tòa về Công ty Alibaba, phó tổng giám đốc đào tạo của công ty cũng thừa nhận tốt nghiệp ngành y nhưng lại đi làm sale bất động sản và phụ trách mảng đào tạo cho doanh nghiệp này. Thậm chí, cử nhân luật của công ty này lại sẵn sàng làm trái luật, chống đối các lực lượng chức năng và phải nhận án tù.

Trong khi đó, thời gian qua các công ty bất động sản mọc lên như nấm, ồ ạt tuyển nhân viên kinh doanh gây ra nhiều hệ lụy. Điển hình là các vụ lừa đảo, các vụ sốt đất ảo hay chiêu trò chốt đất, đặt cọc như hội chợ xảy ra ở nhiều nơi.

Ông Lê Hoàng Châu chỉ ra cả nước có hơn 300.000 môi giới bất động sản, nhưng chỉ khoảng 30.000 người đã được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, phần lớn những môi giới còn lại hoạt động tự do kiểu "cò đất, cò nhà".

Theo ông Châu, chính vì thiếu lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề, có mã số nên trong thời gian qua, giới đầu nậu, cò đất, cò nhà, doanh nghiệp bất lương thường xuyên thổi giá, đẩy giá, giao dịch ảo, tạo khan hiếm giả tạo, gây ra sốt ảo trên thị trường bất động sản.

Ông Phạm Lâm - tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam - cho rằng khoảng 95 - 98% các giao dịch bất động sản hiện đều qua lực lượng môi giới. Do đó, cần đưa ra quy định lực lượng môi giới phải có mã số hành nghề, để lưu lại thông tin. Theo ông Lâm, nếu môi giới tư vấn sai, hành nghề không đúng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Do đó, đã đến lúc thị trường lao động trong ngành bất động sản, nhất là lực lượng môi giới cũng cần được "xốc" lại về số lượng, chất lượng khi phải hướng đến sự chuyên nghiệp, trách nhiệm pháp lý và tử tế. Quan trọng hơn, người lao động cần hướng đến những doanh nghiệp bền vững, có trách nhiệm với đội ngũ của mình lúc khó khăn thay vì chọn cái lợi trước mắt mà hướng đến những doanh nghiệp "ăn xổi ở thì".

Tác giả: NGỌC HIỂN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP