Xã hội

Miền Trung đối mặt 2 áp thấp nhiệt đới, mưa 500-700 mm

Chịu ảnh hưởng của 2 áp thấp nhiệt đới nối tiếp nhau, Trung Bộ được dự báo hứng chịu đợt mưa 1.000 mm kéo dài 10 ngày.

Sáng 6/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông, có nguy cơ gây ra một đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh Trung Bộ.

Lúc 7h sáng nay, trung tâm vùng áp thấp cách đảo Song Tử Tây khoảng 60 km về phía bắc tây bắc.

2 áp thấp nhiệt đới tác động liên tiếp

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định vùng áp thấp đang hoạt động có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới.

Từ ngày 7/10, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Áp thấp kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống, tạo thành một tổ hợp xấu tác động đến thời tiết toàn Trung Bộ.

Cụ thể, các tỉnh miền Trung có thể hứng chịu một đợt mưa lớn liên tục các ngày 7-11/10 với lượng phổ biến 300-500 mm. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có nơi mưa 500-700 mm.

Dự báo đường đi của vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.

Đến ngày 11/10, một áp thấp nhiệt đới khác có khả năng xuất hiện trên Biển Đông khiến mưa lũ ở Trung Bộ tiếp diễn và phức tạp hơn. Đợt mưa thứ 2 xuất hiện, nối liền với đợt mưa lớn trước đó, khả năng cao gây ra đợt lũ lớn trên các sông.

Ông Khiêm đưa ra dự báo các tỉnh Trung Bộ có thể mưa lớn liên tục 10 ngày do tác động của các hình thái cực đoan trên. Tổng lượng mưa trong cả đợt phổ biến 500-1.000 mm, có nơi lên đến hơn 1.000 mm.

Chuyên gia cảnh báo đây là một đợt mưa rất lớn của năm nay tại miền Trung, các địa phương cần lưu ý và chủ động lên phương án ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan những ngày tới.

Nguy cơ lũ lớn, ngập lụt

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định mưa lớn kéo dài trên 1.000 mm là tình huống phức tạp và nguy hiểm, cấp độ rủi ro lớn cho các khu vực trong vùng ảnh hưởng.

Đáng lưu ý, đây là thời điểm dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm thời lắng xuống nên khả năng người dân đi du lịch nhiều. Nhiều khách du lịch hiếu kỳ và có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai còn hạn chế. Do đó, các địa phương cần chủ động lên phương án, ra quyết định ứng phó cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhóm đối tượng này.

Về hệ thống đê biển, ông Hoài đề nghị các địa phương miền Trung kiểm tra ngay hệ thống này, kể cả các đê cửa sông có nhiều điểm xung yếu ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

"Với cường độ mưa lớn như thế này, lũ và ngập úng chắc chắn xảy ra. Với mức độ gió cấp 6-7 trên đất liền thì có thể xảy ra dông lốc", ông Hoài nhận định.

Do đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị cơ quan khí tượng cung cấp thêm các thông tin chi tiết về dự báo lũ lên trên các sông để các địa phương có cơ sở lên phương án ứng phó cho phù hợp.

Cơ quan chức năng các địa phương cần rà soát ngay các khu vực vùng thấp trũng, có phương án sơ tán để đảm bảo an toàn cho dân với thời hạn dài ngày. Người dân chủ động chằng chéo nhà cửa trước nguy cơ áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền gây gió giật mạnh.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP