Nguyễn Văn Tình khai được gia đình cho 20 triệu sau khi trốn trại
Gần 1 tuần qua, dư luận cả nước vẫn còn xôn xao trước vụ việc hai tử tù Nguyễn Văn Tình (sinh năm 1989, trú tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) và Lê Văn Thọ (tức Thọ "sứt", sinh năm 1980, trú tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) trốn khỏi trại tạm giam T16 vào đêm 10, rạng sáng 11/9.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, hai tử tù này đã bị bắt sau 150 giờ lẩn trốn. Trong đó, đối tượng Nguyễn Văn Tình bị bắt khi đang chuẩn bị vào khu vực Tà Dê (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) để gặp đồng bọn thì bị các lực lượng chức năng bắt giữ trong đêm 16/9.
Tử tù Nguyễn Văn Tình sau khi bị công ăn bắt giữ. |
Trong cuộc họp thông tin với các cơ quan báo chí chiều ngày 17/9, đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đánh giá hai đối tượng tử tù đặc biệt nguy hiểm, sự việc hết sức nghiêm trọng nên huy động tất cả lực lượng công an địa phương chốt chặn các tuyến mà cả hai có thể di chuyển.
Thọ "sứt" hoạt động xã hội đen nên rất manh động. Tình không manh động nhiều nhưng có thủ đoạn lẩn trốn hết sức tinh vi. Từ khi trốn ra ngoài đến khi bắt được, đối tượng có 4 điện thoại và nhiều sim để thay đổi nhằm tránh bị phát hiện. Hướng chạy trốn là điểm nóng về ma túy của cả nước, địa bàn vùng sâu vùng xa, hiểm trở nên quá trình truy bắt rất khó khăn.
Đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an). |
Trong quá trình chạy trốn, Nguyễn Văn Tình có nhiều người giúp đỡ. Ví dụ người thân của Tình và những mối quan hệ trước đây khi Tình hoạt động tội phạm vận chuyển ma túy. Tình rất tinh quái, nhờ điện thoại người đi đường gọi cho bố, mẹ thông tin mình đã bỏ trốn.
"Về hành vi giúp đỡ tử tù trong quá trình bỏ trốn, Bộ đã giao cho PC44 điều tra. Công an Hà Nội cũng đã thực hiện việc điều tra theo các quy định pháp luật. Khi bị bắt, trong túi Tình có hơn 11 triệu. Quá trình hỏi sơ bộ ban đầu, Tình khai sau khi trốn ra khỏi trại giam về nhà thì gia đình đưa cho 20 triệu. Tình có mua điện thoại và các sim điện thoại. Bước đầu đối tượng khai nhận như vậy", đại tá Điềm thông tin.
Trước khi sa ngã, tử tù Tình từng mơ ước làm thầy giáo
Tìm về nhà tử tù Nguyễn Văn Tình ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội chúng tôi gặp được bà Nguyễn Thị M. (mẹ đẻ của Tình).
Ngồi bần thần trong nhà, bà M. cho biết, kể từ ngày 11/9, sau khi con trai trốn trại, chồng bà được cơ quan công an mời lên làm việc đến nay chưa về. Trước đó, rạng sáng cùng ngày, Tình cũng đã tìm về nhà rồi nhanh chóng bỏ đi khiến ai trong gia đình cũng ngỡ ngàng.
Bà M. bật khóc khi kể về bước chân sa ngã của con trai. |
"Khoảng 4h sáng 11/9, Tình về nhà gọi cửa, mọi người ai cũng bàng hoàng. Tôi hỏi tại sao con về được thì Tình nói ‘Con muốn sống, con không muốn bị tử hình nên đã trốn trại’. Dứt lời, Tình chạy lên phòng lấy vài bộ quần áo rồi đi luôn. Cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con chỉ khoảng 10 phút. Tâm trạng nó lúc đó sợ hãi, căng thẳng, nhìn thấy con tôi thương vô cùng, con dại cái mang", bà M. khóc kể lại.
Bà M. tâm sự, từ ngày con trai trốn khỏi phòng biệt giam T16 và bị cơ quan công an bắt rạng sáng ngày 17/9, gia đình chẳng thiết gì đến bán hàng hay dọn dẹp nhà cửa. Điều khiến bà buồn lòng vì nhà có hai người con trai thì cả 2 đều vướng lao lý. Dưới Tình có một người em cũng đang chịu án tù vì liên quan đến ma túy.
Nhà Tình đóng cửa suốt mấy ngày qua. |
"Hai anh em nó từ nhỏ đều ngoan, cho đến lúc trưởng thành, ra ngoài xã hội mới sinh hư. Con lớn vợ chồng không quản được, em trai nó cũng bị đi tù vì liên quan đến ma túy. Thâm tâm tôi không bao giờ nghĩ con bị tử hình. Hôm trước, con về nhà khiến tôi choáng váng", bà M. chia sẻ.
Nói về con đường sa ngã của con trai, bà M. cho biết: "Tình từng có ước mơ làm thầy giáo, mang con chữ đến với trẻ em vùng cao. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, nó lên Điện Biên dạy học ở một bản vùng cao được hơn 1 tháng rồi xin nghỉ vì vất vả", bà M. nói. Cũng từ đây Tình sa chân vào con đường ma túy.
Được biết, Tình có hai đời vợ, có một con gái với người vợ đầu đến nay được 5 tuổi. Người vợ thứ 2 mới cưới được mấy tháng thì y bị bắt vì liên quan buôn bán ma túy.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với những người dù có biết rõ 2 tử tù bỏ trốn mà đã cung cấp tiền bạc, cho mượn xe máy hoặc ở cùng đối tượng trong hành trình bỏ chạy trốn thì cũng chưa thỏa mãn dấu hiệu phạm về tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo qui định tại Điều 313 và 314 BLHS. Tuy nhiên, nếu xác định được việc trên thì cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi "cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức" Điều 313. Tội che giấu tội phạm 1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm: - Các điều từ Điều 78 đến Điều 91 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; ……………………………………………………………………… - Điều 311 khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử); Điều 314. Tội không tố giác tội phạm 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. |
Tác giả: Định Nguyễn
Nguồn tin: thoidai.com.vn