Chờ kết quả thẩm vấn tại Tòa, tuyên án rồi xem xét !?
Như đã thông tin cụ thể vụ việc liên quan đến khiếu nại, kêu cứu của bác sỹ Ngô Trí Ca (khối 6, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An). Theo đó, ông Ca đã rất bức xúc trước cách làm việc của cán bộ Tòa án tỉnh Nghệ An khi không thông báo cho luật sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông biết lịch mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính để tham gia.
Đồng thời thư ký Tòa án đã để ông và nhiều người liên quan phải đợi cả tiếng đồng hồ chỉ để nhận giấy thông báo triệu tập cho phiên tòa tiếp theo nên đã có hành vi to tiếng, giằng co và cãi vã với cán bộ Tòa án tỉnh Nghệ An. Một ngày sau khi vụ việc xảy ra, ông Ca đã bị CA TP Vinh tạm giữ 9 ngày để điều tra làm rõ hành vi.
Sau 9 ngày bị tạm giữ phục vụ cho công tác điều tra, với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân TP Vinh, CA TP Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Ngô Trí Ca về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An cho rằng đã xem xét đơn thư nhưng chờ Tòa xử án rồi... theo dõi tiếp. |
Liên quan tới những nội dung mà ông Ca cho rằng CA TP Vinh và Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh chưa làm sáng tỏ, còn nhiều uẩn khúc và chưa đúng bản chất sự việc dẫn tới việc hành vi hành chính đã bị hình sự hóa, trao đổi với PV PL&DS, ông Tôn Thiện Phương – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin đơn thư của ông Ngô Trí Ca thì đã giao cho Viện phó Phụ trách chuyên môn, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực này giải quyết theo đúng quy định.
Trong khi đó, theo ông Hồ Sỹ Cấp – Viện phó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, là người trực tiếp chịu trách nhiệm xem xét, xử lý đơn thư trong vụ việc này theo chỉ đạo của lãnh đạo Viện, cho biết: 'Tôi đã kiểm tra hồ sơ thì thấy gây rối trực tiếp tại phiên tòa, những hành vi đó cơ bản là đủ.
Hồ sơ đã chuyển Tòa, bây giờ chỉ chờ tiếp tục theo dõi. Vì cái này theo trình tự thủ tục tố tụng thì Tòa đã quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chờ kết quả thẩm vấn công khai, cũng như kết quả quyết định của phiên tòa thì tiếp tục xem xét'.
Hi vọng những tình tiết, những nội dung mà ông Ngô Trí Ca kêu cứu, kiến nghị sớm được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ |
Cần xem xét cẩn trọng, khách quan vụ việc!
Theo kết luận nêu trong Cáo trạng Số 46/CT-VKS ngày 17/1/2019 của Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh do ông Nguyễn Công Phú – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Vinh ký cho biết: 'Sự việc xảy ra vào lúc 11h ngày 19/10/2018, tại khu vực hành lang, tầng 1 tòa án tỉnh Nghệ An, ông Ngô Trí Ca với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính do bức xúc về việc Tòa không gửi giấy mời cho Luật sư và phải chờ đợi bà Đậu Thị Bích Thủy là thư ký phiên tòa để nhận giấy thông báo quá lâu nên đã có hành vi chửi bới, gây ồn ào khu vực tầng 1.
Ông Ca đã nắm cổ áo ông Yến cán bộ tòa án giật mạnh, khi bà Nguyễn Thị Trà Giang dùng điện thoại cá nhân để quay lại hình ảnh thì ông Ca dùng tay tát vào mặt bà Giang làm rơi kính mắt khiến một mắt kính văng mất, gọng kính bị gãy. Ông Lê Viết Ngọc và một số cán bộ Tòa án nghe ồn ào không làm việc được nên đã lại can ngăn và yêu cầu các đương sự ra về.”
Chỉ sau khi sự việc xảy ra, các đương sự đã ra về rồi thì Tòa án tỉnh Nghệ An mới yêu cầu CA xã Nghi Phú có mặt, lập biên bản vụ việc và trong biên bản từ những người liên quan tới nhân chứng đều là người của Tòa án |
Việc cãi vã nhanh chóng kết thúc, ông Ca và những người có mặt đều rời khỏi Tòa án. Tại thời điểm đó, lực lượng chức năng Tòa án tỉnh Nghệ An đã không có yêu cầu những người liên quan phải ở lại để lập biên bản. Mà chỉ sau khi các đương sự nhận giấy thông báo và về nhà rồi thì Tòa án tỉnh mới gọi CA xã Nghi Phú sang lập biên bản sự việc. Thông tin từ CA xã Nghi Phú cho biết thời gian lập biên bản sự việc này cũng khoảng từ lúc sau 12h trưa cùng ngày.
Tuy nhiên, việc lập biên bản này vẫn còn nhiều điều phải bàn về tính pháp lý, bởi lẽ biên bản nếu có ký thì cũng chỉ có những người liên quan của Tòa án tỉnh ký nhận. Người trực tiếp liên quan và dẫn tới bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng là ông Ca và những người khác liên quan lại không được ký cũng như thông qua biên bản đó tại thời điểm biên bản được CA xã Nghi Phú lập!? Trong khi đó, đây lại là là hồ sơ ban đầu cần thiết nhất, được xem là một chứng cứ hết sức quan trọng, để tiến hành các bước tiếp theo như quy định của pháp luật.
Cùng liên quan tới vụ việc này còn có ông Ngô Trí Văn, là anh trai của ông Ca cũng đã bị Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh phê chuẩn xử lý hành chính về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Vào thời điểm xảy ra việc cãi vã tại Tòa án tỉnh thì ngoài một số cán bộ Tòa án tỉnh, ông Ca, ông Văn thì còn có bà Ngô Thị Hoa (SN 1957), Ngô Thị Thơ (SN 1958) và Ngô Thị Mai (SN 1959) là các chị em ruột của ông Ca. Những người này cũng có mặt theo sự triệu tập của Tòa án tỉnh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
“Tôi sai tôi chịu trách nhiệm, nhưng cái sai tới mức phải khởi tố thì đúng là quá oan ức. Việc cãi vã, giẳng co cũng chỉ là bột phát, bức xúc nhất thời trước cách làm việc của cán bộ Tòa án. Chỉ vì một cái giấy thông báo mà bắt chúng tôi chờ từ 9h đến gần 11h.
Thử hỏi họ đã hết trách nhiệm, hết lòng vì người dân chưa. Còn việc Cáo trạng của Viện cho rằng tôi cầm cổ áo ông Yến cán bộ Tòa và tát chị Giang cán bộ Tòa khiến rơi kính là hoàn toàn vô lý.
Tôi đồng ý rằng khi tôi và bà Thủy thư ký cãi nhau việc giấy tờ thì ông Yến đi vào lôi tôi ra khỏi phòng bà Thủy thì hai bên giằng co nhau, tôi yêu cầu ông Yến không được lôi kéo tôi vì tôi được bà Thủy mời vào làm việc, còn chị Giang, khi thấy chị dùng điện thoại quay tôi, lúc đó bất bình nên tôi dùng tay gạt tay chị Giang đang cầm điện thoại quay, tôi không tát chị ấy. Tôi xin đối chất nhưng Viện kiểm sát TP không cho.” – Ông Ca cho biết.
Vụ việc đã được Tòa án TP Vinh ra Quyết định xét xử vào ngày 26/2 tới tại trụ sở Tòa án TP Vinh |
Liên quan tới vụ việc, Tòa án Nhân dân TP Vinh cũng đã có Quyết định đưa vụ án Ngô Trí Ca ra xét xử về hành vi bị Viện kiểm sát Nhân dân TP truy tố về tội gây rối trật tự công cộng theo Khoản 1 Điều 318 BLHS năm 2015.
Điểm đáng chú ý trong phiên Tòa này đó là người làm chứng được triệu tập chỉ có có ông Lê Viết Ngọc (SN 1985, khối 8, phường Bến Thủy, TP Vinh) và Bà Đậu Thị Bích Thủy (SN 1982, phường Hưng Bình, TP Vinh). Cả hai người này đều là cán bộ của Tòa án tỉnh Nghệ An, còn những người khác như đã nêu thì đã không được triệu tập để làm chứng.
Nêu quan điểm về vụ việc này, Luật sư Lê Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Hùng, Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng trong trường hợp gây ra hậu quả là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nhưng hiện nay lại chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn hay quy định cụ thể thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật về tội gây rối trật tự công cộng.
Có thể thấy, BLHS năm 2015 SĐBS 2017 đã có quy định đối với hậu quả hành vi phạm tội của tội Gây rối trật tự công cộng rộng hơn so với BLHS năm 1999 SĐBS 2009. Do vậy, cấu thành cơ bản tội Gây rối trật tự công cộng theo BLHS năm 2015 chỉ cần gây ảnh hưởng xấu mà chưa cần dẫn đến việc gây hậu quả nghiêm trọng thì đã được xem là tội phạm.
Đối với trường hợp bị can Ngô Trí Ca bị Viện kiểm sát truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 SĐBS 2017 có đúng quy định pháp luật hay không? Tôi cho rằng còn phụ thuộc vào quá trình xem xét, đánh giá lời khai cũng như diễn biến hành vi phạm tội và hồ sơ vụ án mới thì mới xác định rõ. Về nguyên tắc cần phải có sự xem xét, đánh giá cẩn trọng, chi tiết, khách quan từng hành vi của bị can. Còn việc lập biên bản vụ việc sau khi các đương sự đã ra về thì tất nhiên về mặt nguyên tắc là phải có cơ sở xác thực, còn không thì cần phải xem xét cụ thể, khách quan.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh